Cúp xe đạp TH TPHCM 2016: Nguyễn Thành Tâm thăng hoa do đâu?
Tay đua Nguyễn Thành Tâm đang thực sự “làm mưa làm gió” tại Cúp Truyền Hình 2016 khi một mình sở hữu đến 3 chiếc Áo vàng, xanh và đỏ. Trong lịch sử gần 30 năm của Cúp Truyền hình, rất hiếm tay nào làm được điều này. Vậy đâu là "bí quyết" giúp Nguyễn Thành Tâm thăng hoa đến vậy?
“Ăn cơm tuyển” có khác
Sau sự chia tay của thế hệ những đàn anh như: Mai Nguyễn Hưng, Bùi Minh Thụy hay Lê Văn Duẩn, Nguyễn Thành Tâm được xem là tay đua chủ lực của ĐTQG và là cái tên không thể thiếu trong mỗi lần HLV Nguyễn Huy Hùng tập trung đội tuyển.
Hơn 5 năm được “ăn cơm tuyển”, Nguyễn Thành Tâm đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc. Từ một cậu bé gầy yếu, thua thiệt các đồng đội về thể lực này đã trở thành một tay đua vừa có sức mạnh cơ bắp vừa dẻo dai về độ bền. Từ một “máy kéo” chỉ biết phục vụ các đồng đội nay đã trở thành một tay đua chủ lực được các đồng đội phục vụ ngược.
Là người luôn theo sát quá trình phát triển của Nguyễn Thành Tâm, HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Huy Hùng cho rằng một trong những ưu điểm lớn nhất của tay đua quê An Giang chính là sự cần cù và chuyên nghiệp trong tập luyện. Ông Hùng nói: “Không phải ngẫu nhiên mà Tâm có được sự tiến bộ như ngày hôm nay. Tâm là một tay đua rất chuyên nghiệp, cầu tiến và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân. Ở ĐTQG, Tâm luôn hoàn thành tốt giáo án tập luyện. Thậm chí sau các buổi tập, em còn nhờ chuyên gia hỗ trợ thêm những kỹ năng để hoàn thiện những khuyết điểm. Tâm cũng là tay đua rất “nhạy” về chiến thuật và em luôn thực hiện tốt những chỉ đạo mà BHL đề ra”.
Ở một gốc nhìn khác, chuyên gia Trần Văn Quýt (D. Đồng Tháp) cho rằng : “Việc được lên đội tuyển là một cơ hội tốt để các tay đua phát triển. Không chỉ được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp, các tay đua còn được sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, được học cách làm việc chuyên nghiệp và bài bản. Không những thế, việc được thi đấu ở các giải quốc tế cũng là cơ hội để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Phần lớn những tay đua được lên tuyển bao giờ cũng được đánh giá cao hơn khi trở về phục vụ đội đua địa phương. Nguyễn Thành Tâm chính là một trong số ít tay đua được hưởng lợi về việc này”.
“Cỗ máy đa năng”
Ngoài trình độ và thực lực đã được thừa nhận, Nguyễn Thành Tâm còn khiến các đồng nghiệp ganh tỵ khi sở hữu những kỷ năng toàn diện của một tay đua đường trường chuyên nghiệp. Không chỉ rút giỏi, chạy đường trường tốt mà tay đua sinh năm 1992 này còn là một “chân đèo”. Việc chinh phục đỉnh Hải Vân để dẫn đầu giải Áo đỏ - vua leo núi là minh chứng rõ nét nhất. Thậm chí khi cần, Nguyễn Thành Tâm sẵn sàng làm “máy kéo” cho đội.
“Nguyễn Thành Tâm được xem là tay đua hoàn thiện nhất Việt Nam hiện nay. Tâm có tố chất và khả năng thích ứng nhanh với những dạng thi đấu khác nhau, từ leo đèo, đường trường, nước rút, và đặc biệt Tâm là một tay đua có tư duy chiến thuật rất tốt”, HLV Nguyễn Huy Hùng đánh giá về cậu học trò.
Có thể nói, sự toàn diện của Nguyễn Thành Tâm chính là cơ sở để anh luôn trở thành “át chủ bài” được các đồng đội phục vụ từ A tới Z tại ĐTQG lẫn đội đua Lộc Trời An Giang. Tuy nhiên, ở những thời khó khăn, Nguyễn Thành Tâm cũng biết “tự lực cánh sinh”. Tại Tour of Thailan trước thềm Cúp Truyền hình 2016, dù không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các đồng đội nhưng Nguyễn Thành Tâm vẫn giành được 2 chiến thắng chặng, trong đó có chiến thắng chặng dài đến hơn 230 km. Ở chặng 8 từ Huế đi Đà Nẵng vừa qua, người ta cùng thấy một mình anh chinh phục đỉnh đèo Hải Vân.
Lợi thế từ "chiến mã hàng khủng"
Đi đường trường rất hay, rút rất giỏi và leo núi không kém gì “thần núi” Lê Ngọc Sơn. Trình độ và thực lực của Nguyễn Thành Tâm đã được giới chuyên môn thừa nhận. Để cần có một sức mạnh hủy diệt như hiện tại, tay đua 24 tuổi này cũng phải còn nhờ sự trợ giúp của “con ngựa sắt”. Bạn đồng hành của Nguyễn Thành Tâm tại Cúp Truyền hình 2016 là chiếc Wilier Cento 1 Air của Ý, một trong những dòng xe thông dụng nhất hiện nay và được nhiều tay đua hàng đầu trên thế giới sử dụng. Xe của Nguyễn Thành Tâm có giá trị hơn 10.000 USD (hơn 210 triệu đồng) và là một trong ba chiếc xe (bên cạnh 2 chiếc xe của 2 đồng đội Trịnh Đức Tâm và Lê Ngọc Sơn) đắt giá nhất tại Cúp truyền hình 2016.
Theo HLV Lê Thành Liêm (Lộc Trời An Giang), chiếc Wilier Cento 1 Air có ưu điểm gọn nhẹ, được sử dụng đa năng từ leo núi, đi đường trường đến nước rút. “Tại Cúp Truyền hình 2016, hầu hết các tay đua đều sử dụng đĩa líp tròn thì chiếc Wilier Cento 1 Air của Nguyễn Thành Tâm lại sử dụng đĩa líp hạt xoài. Loại đĩa này giúp các tay đua cải thiện rất nhiều về tốc độ nhưng nó chỉ thực sự phát huy hết sức mạnh nếu các tay đua biết cách sử dụng. Trước đây cũng có khá nhiều tay đua sử dụng đĩa líp hạt xoài nhưng đã không thành công vì loại đĩa này chỉ có các tay đua có guồng chân mạnh mới sử dụng được”, HLV Lê Thành Liêm cho biết. Ban đầu, cậu học trò của ông cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc sử dụng đĩa líp hạt xoài của chiếc Wilier Cento 1 Air, nhưng với sự nhạy bén, Nguyễn Thành Tâm đã có thể làm chủ và phát huy hết sức mạnh của "con chiến mã".
Vì lẽ đó, Nguyễn Thành Tâm lập hat-trick Áo vàng, Áo xanh và Áo đỏ Cúp Truyền hình 2016 cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Cúp xe đạp Truyền hình TP.HCM chặng 10 (20/4):
Nguyễn Thành Tâm dù chỉ về đích trong tốp đông tại chặng 10 từ TP. Quãng Ngãi đi TP. Quy Nhơn dài 182 km nhưng vẫn bảo vệ được Áo vàng, Áo xanh và Áo đỏ. Chiến thắng chặng này là tay đua Lê Văn Duẩn (VUS TP.HCM) sau khi anh vượt qua đồng đội Mai Nguyễn Hưng và Nguyễn Tấn Hoài (D. Đồng Tháp) tại đích đến. Với chiến thắng này, Lê Văn Duẩn đã rút ngắn chỉ còn kém Nguyễn Thành Tâm 3 điểm Áo xanh.
Trong khi đó ở giải đồng đội, VUS TPHCM tiếp tục dẫn đầu, xếp sau lần lượt là D.Đồng Tháp và Lộc Trời An Giang.
Sáng ngày 21/4, giải diễn ra chặng đua 25 vòng quanh đường Nguyễn Tất Thành (TP.Quy Nhơn) dài 45 km.
Lộ trình thi đấu giải xe đạp cúp Truyền hình TP.HCM:
10/4: Chặng 1: Hà Nội: Chạy 25 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm dài 42 km.
11/4: Chặng 2: Hà Nội đi Thanh Hóa dài 160 km.
12/4: Chặng 3: Thanh Hóa đi TP.Vinh dài 137 km.
13/4: Chặng 4: Chạy 20 vòng quanh Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vinh) dài 54 km.
14/4: Chặng 5: TP.Vinh đi TP.Đồng Hới (Quảng Bình) dài 199 km.
15/4: Chặng 6: TP.Đồng Hới – TP.Huế dài 162 km.
17/4: Chặng 7: Chạy 20 vòng cầu Tràng Tiền – Phú Xuân (TP.Huế) dài 42 km.
18/4: Chặng 8: TP.Huế đi TP.Đà Nẵng dài 109 km.
19/4: Chặng 9: TP.Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 133 km.
20/4: Chặng 10: TP.Quảng Ngãi đi TP.Quy Nhơn dài 179 km.
21/4: Chặng 11: Chạy 25 vòng trên đường Nguyễn Tất Thành (TP.Quy Nhơn) dài 45 km.
22/4: Chặng 12: TP.Quy Nhơn đi TP.Tuy Hòa dài 116 km.
23/4: Chặng 13: TP.Tuy Hòa đi TP.Nha Trang dài 120 km.
24/4: Chặng 14: Thi đấu cự ly đồng đội tính giờ tại đường biển Trần Phú (TP.Nha Trang) dài 36 km.
26/4: Chặng 15: TP.Nha Trang đi TP.Phan Rang - Tháp Chàm dài 97 km.
27/4: Chặng 16: TP.Phan Rang - Tháp Chàm đi TP.Đà Lạt dài 127 km.
28/4: Chặng 17: Chạy 10 vòng quanh bờ Hồ Xuân Hương (TP.Đà Lạt) dài 51 km.
29/4: Chặng 18: TP.Đà Lạt đi TP.Bảo Lộc dài 110 km.
30/4: Chặng 19: TP.Bảo Lộc đi về TP.HCM dài 168 km.