Những loại xe đạp địa hình MTB phổ biến
Nhắc đến xe đạp địa hình chúng ta thường nghĩ ngay đến những chiếc xe có dáng vẻ “hầm hố”, bánh xe to nhiều gai, bộ giảm xóc và bộ đề. Về cơ bản, hầu hết xe đạp địa hình đều có những chi tiết nêu trên. Tuy nhiên xe đạp địa hình không chỉ đơn giản là những chiếc xe như vậy.
Có rất nhiều mẫu xe đạp địa hình với đặc điểm và công năng sử dụng khác nhau. Dưới đây là 6 loại xe địa hình cơ bản nhất.
- 1. Cross- country bike – xc bike (xe đạp băng đồng)
Đây là loại xe đạp rất phổ biến. Những chiếc xe đạp băng đồng được thiết kế để di chuyển trên những địa hình ít dốc và ít chướng ngại vật lớn. Dòng xe này lại có 2 dòng nhỏ đó là Hard Tail và Full suspension.
Hardtail là dòng xe chỉ có một giảm sóc trước (hành trình 80-100mm). Khung xe được làm bằng vật liệu nhôm hoặc carbon giúp xe nhẹ và đi nhanh hơn. Những chiếc hardtail thường được sử dụng để di chuyển trên những địa hình hầu như không có chướng ngại vật và không có dốc như đường mòn, đường đất, đường sỏi đá, thảm cỏ...
Trong điều kiện đô thị, những chiếc Hardtail cũng được sử dụng làm phương tiện di chuyển giúp chúng ta đi qua những đoạn đường xấu một cách dễ dàng. Chính vì vậy, xe hardtail được rất nhiều người ưa chuộng. Ở Việt Nam, xe đạp địa hình chủ yếu là những chiếc Hardtail.
Full suspension là những chiếc xe có 2 giảm xóc. Một giảm xóc ở phía trước và một giảm xóc ở phía sau. Cả hai giảm xóc đều có hành trình khoảng (100mm). Dòng xe này cũng được thiết kế để băng qua địa hình giống như xe Hardtail.
Tuy nhiên, địa hình ở đây có thêm các chướng ngại vật như có các hố nhỏ, những tảng đá có kích thước lớn, thân cây đổ hoặc những con dốc ngắn. Chính vì vậy, dòng xe này có thêm giảm xóc sau để giảm chấn động giúp bảo vệ khung xe và các bộ phận khác không bị gãy, hỏng do va đập khi đổ dốc hay đi qua những hố nhỏ. Giảm xóc sau giúp người sử dụng có thể điều khiển xe được ổn định và an toàn.
- 2. Xe trail
Dòng xe này được thiết kế để sử dụng trên địa hình đồi núi thoai thoải có nhiều dốc vừa và dài; độ dốc ở mức trung bình. Đó có thể là đường mòn men theo sườn đồi, những con đường đất xuyên rừng... Xe trail có 2 giảm xóc như dòng xe băng đồng full suspension. Tuy nhiên, do phải băng qua địa hình đồi núi với dốc vừa và dài nên giảm xóc trước của dòng xe này có hành trình lớn hơn so với xe băng đồng (120 – 130 mm) để có thể giảm chấn động khi đổ dốc tốt hơn.
- 3. All Mountain - Enduro
Đây là dòng xe được thiết kế để “chơi” với những dạng địa hình đồi núi phức tạp, thay đổi liên tục. Người chơi vừa phải leo dốc lại vừa phải đổ dốc. Thậm chí, người chơi đôi khi phải bay, nhảy qua các hố lớn, khe rãnh. Chính vì vậy, dòng xe này có hệ thống khung chắc chắn và nặng hơn so với dòng xe Trail. Xe cũng có hai giảm xóc trước và sau. Giảm sóc trước có hành trình (140 – 160mm) để có thể chịu được va đập từ những cú bay nhảy. Giảm xóc sau có tác dụng tương tự như xe Trail.
- 4. Downhill (xe đổ đèo)
Dòng xe Downhill được thiết kế chỉ dùng để đổ dốc. Việc leo dốc với những chiếc xe này là rất khó khăn. Những con dốc mà xe Downhill vượt qua được thường dài và độ dốc lớn, có thể có chướng ngại vật hoặc không. Khung xe khá nặng, chịu được lực va đập mạnh do phải đổ dốc dài với tốc độ cao.
Xe cũng được trang bị hai giảm xóc trước và sau. Giảm xóc trước là loại giảm xóc 2 tầng có hành trình khá dài (170 – 254 mm) để có thể giảm những chấn động rất mạnh. Giảm xóc sau tương tự như những loại xe ở trên. Yên xe được thiết kế vểnh lên để trọng tâm người đạp có thể dồn về phía sau tránh việc bị bổ nhào về phía trước khi đổ dốc.
- 5. Freeride
Đây là chiếc xe được thiết kể để đổ dốc và thực hiện các kĩ thuật nhào lộn. Khung của xe freeride nhẹ hơn xe downhill nhưng vẫn đảm bảo được sự chắc chắn. Xe có hai giảm xóc trong đó giảm xóc trước là loại một tầng có hành trình khoảng (170 -180mm) để chịu được lực va đập khi tiếp đất sau những cú nhào lộn.
6. Fatbike
Đây là dòng xe được thiết kế với bánh xe có bề mặt rộng tới 4.8 inch (khoảng 12cm) và không nhỏ hơn 3 inch (7,6cm). Bộ vành xe cũng rất lớn để có thể vừa được với bộ lốp “khủng” này. Những chiếc xe fatbike thường được sử dụng để di chuyển trên cát hoặc trên tuyết do bánh xe có diện tích tiếp xúc lớn, đảm bảo cho xe không bị trơn, ngã đổ. Tuy nhiên, bánh xe to khiến xe di chuyển khá chậm và đạp nặng hơn so với những loại xe địa hình khác.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các dòng xe đạp địa hình ngày càng được thiết kế tối ưu hơn để phục vụ tốt nhất những nhu cầu của dân chơi xe địa hình. Những chiếc xe MTB là một công cụ tuyệt vời để rèn luyện sức khỏe và chinh phục những thử thách mạo hiểm tùy theo sở thích cá nhân.
Bạn đã lựa chọn cho mình được một loại xe nào trong số các loại trên chưa?