Bất chấp cả quá trình chuẩn bị gần như chỉ tập “chay” trong nước, không có chuyên gia ngoại bên cạnh, song kình ngư quê Quảng Bình vẫn tiếp tục chứng tỏ khát vọng lớn, ý chí và nỗ lực phi thường của mình tại Olympic Tokyo.
Anh xếp hạng 20 nội dung 800 tự do, và đặc biệt đứng thứ 12 nội dung 1.500m, mà theo đánh giá của giới chuyên môn nếu việc tập huấn không chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, Huy Hoàng chắc chắn sẽ lọt vào Top 8.
Đáng chú ý, thành tích của Hoàng tại Olympic ở cả hai đường bơi đều bỏ xa các đối thủ cùng châu Á, mở ra cho anh cơ hội tranh chấp sòng phẳng một tấm HCV lịch sử tại Asian Games 2022.
Huy Hoàng đã khép lại năm vượt khó ngoạn mục bằng màn trình diễn xuất sắc tại giải bơi vô địch thế giới khi phá hai kỷ lục quốc gia nội dung 400m tự do và 1.500m tự do. Mục tiêu mà anh đặt ra cho mình trong năm 2022 là bảo vệ thành công 2 tấm HCV SEA Games và phấn đấu đoạt HCV Asian Games.
Xuất sắc đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản, võ sĩ kỳ cựu 41 tuổi Etsuko Tada sau 10 hiệp đấu căng thẳng và kịch tính, Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên của Việt Nam trong làng quyền Anh chuyên nghiệp.
Chiến tích này của Nhi là một cột mốc lịch sử bởi đây không chỉ là đai WBO thế giới đầu tiên, còn là đai quyền Anh chuyên nghiệp thế giới đầu tiên của một võ sĩ Việt Nam. Nó cũng kết đọng cho hành trình vượt khó kỳ diệu của cô gái con nhà nghèo, từng bán vé số mưu sinh, đồng thời minh chứng cho thành công của một mẫu hình xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa boxing.
Từ xuất phát điểm võ cổ truyền, Thu Nhi chuyển sang bén duyên với boxing năm 13 tuổi, và lập tức chứng tỏ tố chất, sức vươn tuyệt vời của mình, liên tiếp gặt hái các thành tích quốc gia. Thế nhưng nghiệp đấu của Nhi chỉ thực sự có bước ngoặt cách đây 6 năm khi cô lọt vào mắt xanh của ông "bầu" làng võ người Hàn Quốc Kim Sang-bum, được tập luyện trong một trung tâm boxing chuyên nghiệp ở TP HCM, dưới sự hướng dẫn của cựu vô địch WBA Park Yong Kyun - tên tuổi lừng danh một thời của Hàn Quốc.
Ở tuổi 26, Thu Nhi đang đạt tới độ chín nhất trong sự nghiệp, hội đủ các yếu tố cần thiết để sẵn sẵn sàng thách thức các đối thủ hàng đầu thế giới, cho tham vọng tranh đai ở các hệ thống xếp hạng danh giá nhất của boxing quốc tế.
Tại giải vô địch châu Á 2021 vào tháng 12 trên đất Kazakhstan, gương mặt hãy còn xa lạ đến từ Việt Nam đã gây sửng sốt cho làng karate châu lục khi liên tiếp giành tới 3 HCV chỉ trong 3 ngày. Sau tấm HCV đơn nữ lứa tuổi U21 hạng 55kg đối kháng đầy thuyết phục, nữ võ sĩ 18 tuổi tiếp tục đả bại các đối thủ sừng sỏ để đăng quang cuộc đấu dành cho nhóm tuổi trưởng thành, có tính cạnh tranh và đẳng cấp cao hơn nhiều. Cùng đó, Mỹ Tâm còn đóng vai chủ lực giúp ĐTVN đoạt được tấm HCV đồng đội nữ.
Vừa mới bước sang tuổi 18, cô gái quê Hà Tĩnh mới đến với karatedo cách đây 6 năm, và sớm bộc lộ tố chất hiếm có. Chỉ sau đúng 1 năm ăn tập, Tâm đã bay thẳng vào Đội tuyển Trẻ quốc gia. Kể từ đó, võ sĩ trẻ đã có những bước thăng tiến vượt bậc, liên tục đột phá, dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Hồng Hà, hay giờ là HLV Lê Tùng Dương.
Đến giờ, Mỹ Tâm đã thực sự vươn tới đẳng cấp của một võ sĩ hàng đầu châu lục, ngời ngời triển vọng. Không chỉ ở SEA Games 31 trên sân nhà, mà tài năng 18 tuổi này còn đang được đầu tư trọng điểm để tranh HCV Asian Games.
Trước khi đến với Paralympic Tokyo, Lê Văn Công trải qua quá trình điều trị chấn thương vai trái tới 2 năm, việc tập luyện thi đấu cũng liên tục bị gián đoạn do ảnh hưởng của COVID-19. Phải 5 tuần trước ngày lên đường, lực sĩ sinh năm 1986 mới có thể tập luyện hàng ngày, với mức tạ khoảng 130kg quá thấp so với khả năng của anh. Thậm chí, ngay trước khi bước vào cuộc đấu, lực sĩ hạng 49kg này vẫn phải xịt thuốc giảm đau.
Thế nhưng, cuối cùng, nhà ĐKVĐ chỉ đang có 60% thể lực và phong độ vốn có vẫn chứng tỏ được bản lĩnh và đẳng cấp của mình, để chinh phục thành công mức tạ 173kg. Thành tích này ngang bằng với lực sỹ Omar Sami HamadehQarada (Jordan) song tuyển thủ Việt Nam phải đứng thứ 2, do trọng lượng cơ thể nặng hơn đối thủ đúng… 100g (47,31kg so với 47,21kg). Xét mọi yếu tố, đó thực sự là một tấm HCB quý hơn Vàng ròng mà Công đã mang về từ đấu trường “đỉnh” thế giới.
Không lâu sau đó tại giải VĐTG 2021, Văn Công lại lập nên một kỳ tích nữa với tấm HCB khi nén đau thi đấu với chấn thương vai tái phát.
Vượt xa giá trị chuyên môn, 2 tấm HCB tầm thế giới của Lê Văn Công đã tiếp tục truyền cảm hứng vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng số phận một cách mạnh mẽ, sinh động cho không chỉ các đồng nghiệp, mà hàng triệu người khuyết tật cả nước.
Là gương mặt thân quen của karatedo Việt Nam, HLV Lê Tùng Dương đã có tròn 30 năm gắn bó với ĐTQG trên cả hai cương vị VĐV và HLV.
Trong nghiệp VĐV, ông từng đoạt nhiều thành tích sáng giá, mà nổi bật là tấm HCB giải vô địch châu Á và HCĐ Asian Games. Khi trở thành một HLV, nhà cựu á quân châu lục này đã tiếp nối các tượng đài để chứng tỏ một cách xuất sắc nội lực và khả năng của các thầy nội, từ gây dựng phong trào, tuyển chọn đào tạo trẻ cho tới huấn luyện chỉ đạo tầm cao.
HLV Hà Nội từng gây dựng một đội tuyển kiểu mẫu về mọi mặt, có thành tích đứng đầu SEA Games và trực tiếp huấn luyện và dẫn dắt nhiều võ sĩ đạt tới tầm hàng đầu châu lục và thậm chí thế giới, mà tiêu biểu là võ sĩ vô địch Cúp thế giới Nguyễn Thị Ngoan.
Sau một thời gian chia tay để tập trung cho nhiệm vụ ở địa phương Hà Nội, HLV Lê Tùng Dương đã tái xuất ĐTQG cho chiến dịch đặc biệt SEA Games 31 trên sân nhà, cũng như Asian Games. Và gần như ngay lập tức, vị HLV sinh năm 1971 đã chứng tỏ năng lực, kinh nghiệm dày dạn cùng sự mát tay của mình.
Trong đó, dấu ấn đầu tiên chính là việc đã đưa một Nguyễn Thị Ngoan tưởng như “mất tích” trở lại với hành trình tập luyện, thi đấu đỉnh cao ngoạn mục. Phẩm chất của môt chuyên gia nâng tầm các tài năng trẻ của ông cũng được thể hiện, rõ nhất với trường hợp của võ sĩ 18 tuổi Mỹ Tâm mới được đôn lên từ Đội Trẻ Quốc gia. Để rồi, tất cả đã được hội tụ tại giải vô địch châu Á 2021 khi ông dẫn dắt các học trò đoạt 3 HCV, 1 HCĐ, mà riêng Mỹ Tâm đoạt 2 HCV cá nhân.
Bên cạnh đích nhắm một kỳ SEA Games thành công trên sân nhà, HLV Lê Tùng Dương còn cùng ĐTQG karatedo Việt Nam hướng tới một mục tiêu khác, thậm chí còn quan trọng hơn: giành HCV Asian Games.