Toạ đàm Thể thao Việt - Trung: E-Sports Việt Nam và bài học tìm kiếm nhân tài từ Trung Quốc

thứ tư 28-6-2023 18:00:00 +07:00 0 bình luận
E-Sports là môn thể thao đang phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể và bài học đã được chia sẻ với E-Sports Việt Nam ở buổi Toạ đàm Thể thao Việt - Trung chiều nay 28-6.

Vào tháng 9 tới, Thể thao Điện tử (E-Sports) sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD 19 ở Hàng Châu - Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường Thể thao điện tử, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các dự án Thể thao Điện tử của Trung Quốc đang được phát triển mạnh mẽ và đang dẫn đầu trên thế giới.

Tại buổi Tọa đàm Thể thao Việt - Trung do Ủy ban Olympic Việt Nam và Ban tiếng Việt Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc phối hợp tổ chức chiều nay 28-6, E-Sports cũng là một trong những chủ đề chính, nhận được sự quan tâm từ các quan chức, nhà quản lý, nhà khoa học đến từ cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục TDTT, Trường Đại học TDTT, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các vận động viên tiểu biểu của Việt Nam cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thể thao tại Trung Quốc.

Tọa đàm Thể thao Việt - Trung

Hai bên cũng chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị môn E-Sports ở Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 và tình hình phát triển Thể thao điện tử ở 2 nước. Tại đây, giáo sư Trương Triệu Cung - Trưởng Khoa E-Sports Trường Đại học Truyền thông Trung Quốc đã giới thiệu tới các khán thính giả về mô hình đào tạo và đóng góp các nhân tài cho hệ sinh thái E-Sports.

Các chuyên gia Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực thể thao

Đại học Truyền thông Trung Quốc là 1 trong những trường đại học lâu đời của quốc gia này, xếp hạng 1 về chuyên ngành báo chí truyền thông. Năm 2017, khoa E-Sports đã được thành lập với mục đích xây dựng các nhân tài trong hệqă sinh thái Thể thao điện tử, thu hút hàng ngàn người đăng ký.

E-Sports là hình thức thi đấu chuyên nghiệp hóa cao cấp của chơi games, sở hữu các đặc điểm giao thoa tổng hợp đa ngành của nhiều lĩnh vực khác như: Tổ chức và quản lý đội, lập kế hoạch, sự kiện, livestream, bình luận, phân tích thi đấu, nghiên cứu chiến thuật. 

Để chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực của mình, các sinh viên chuyên ngành E-Sports sẽ được truyền đạt lại các kiến thức để có hiểu biết sâu rộng về cơ chế thi đấu, kỹ thuật, các chiến lược trong game, tâm lý học, tương tác với người chơi đồng thời được đào tạo các kỹ năng xã hội như: lãnh đạo, làm việc nhóm, lập kế hoạch thi đấu và điều hành sự kiện.

Sinh viên E-Sports sau khi ra trường có thể trở thành một tuyển thủ E-Sports chuyên nghiệp hoặc tham gia vào nhiều công việc liên quan trong lĩnh vực như quản lý và điều hành tổ chức E-Sports, bình luận viên, caster hay báo chí truyền thông. Nhiều sinh viên cũng có thể thành lập các tổ đội và thực hiện các dự án E-Sports khác nhau. Điều này cũng giúp các tuyển thủ chuyên nghiệp nâng cao các kỹ năng khác và có thể gắn bó với ngành, trong bối cảnh tuổi nghề E-Sports thấp hơn rất nhiều so với các môn thể thao khác. 

Bên cạnh việc đào tạo, Đại học Truyền thông Trung Quốc cũng hợp tác cùng các công ty, doanh nghiệp tổ chức các giải đấu, sự kiện E-Sports cho sinh viên, cho phép những người đang theo học ngành E-Sports có thể tham gia vào quá trình dàn dựng các chương trình.

Đại học Truyền thông Trung Quốc là nơi đào tạo các nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực E-Sports

Vào thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp thể thao điện tử tại Trung Quốc đã khá hoàn chỉnh, hệ sinh thái E-Sports đã có hình thức ban đầu, nhu cầu về nhân tài của E-Sports đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trương, mô hình đào tạo E-Sports vẫn đang đối mặt với một số vấn đề như: Chu kỳ đào tạo quá dài, thiếu đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp và thiếu vắng chứng nhận, cơ chế đánh giá hoàn thiện.

Trong tương lai, Đại học truyền thông Trung Quốc sẽ hình thành hệ thống đào tạo E-Sports hoàn chỉnh, rút ngắn chu kỳ bồi dưỡng, xây dựng hệ thống giáo dục hoàn thiện để nâng cao tố chất, thúc đẩy sự phát triển của những cá nhân và hệ sinh thái E-Sports.

Tại Việt Nam, khi chưa có nhiều sự lựa chọn cho việc học tập về E-Sports, một số hợp tác đầu tiên đã xuất hiện, như VIRESA với KeSPA trong việc thúc đẩy phát triển E-Sports ở Việt Nam.  Hướng đi chính yếu hiện nay vẫn là thúc đẩy sự hình thành các CLB E-Sports ở trường đại học.

Ông Đỗ Việt Hùng, Tổng thư ký VIRESA (Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam)

Đầu năm 2023, đã có đề xuất về việc đưa ngành game vào bộ môn chính thống giảng dạy tại Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông, sau đó sẽ được mở rộng thêm đại học khác trên toàn quốc. Việc đào tạo thể thao điện tử đã được manh nha ở một số trường học, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Do đó, mô hình đào tạo E-Sports của Đại học Truyền thông Trung Quốc sẽ là nền tảng để các trường học tại Việt Nam noi gương, học tập và hoàn thiện.

Những thành tích nổi bật cấp đội tuyển quốc gia của E-Sports Việt Nam

- Dẫn đầu toàn đoàn SEA Games 31 với 4 HCV, 3HCB

- Vô địch AIC 2022 (Liên Quân Mobile)

- Vô địch Global Esports Games 2022 (PUBG Mobile)

- Vô địch FIFAe Continental 2022 (FIFA Online 4)

- Top 6 PUBG Global Championship (PUBG Mobile)

- Top 4 ICONS Global Championship 2022 (Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến)

Thành Hưng
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội