Công Phượng phải học Văn Lâm trước khi quá muộn
Lo rằng liệu Phượng có dẫm phải chính vết chân của mình trong những lần sang Nhật hay sang Hàn trước đây không? Chỉ có Công Phượng mới có thể trả lời và để có lời giải về vấn đề này thì ý kiến của tôi là hãy có thái độ CHỦ ĐỘNG thay vì BỊ ĐỘNG như trước đây.
Tại sao nói những lần xuất ngoại trước của Công Phượng là bị động? Thật dễ hiểu là cả hai lần sang Nhật Bản và Hàn Quốc của Phượng đều xuất phát từ những mối quan hệ hợp tác giữa HAGL và các đối tác nước ngoài. Phượng chính là sự cụ thể hóa của các quan hệ đó. Nói cách khác, Công Phượng ở thế “CLB đặt đâu thì ngồi đó”, anh chẳng có nhiều lựa chọn cho mình. Phượng ngơ ngác đến, không có nhiều thời gian làm quen, tìm hiểu và thất bại là điều tất nhiên xảy ra.
Ở lần đi Pháp này, bản chất cũng vậy. HAGL quyết định kéo Phượng ra khỏi mớ bòng bong với những tháng ngày buồn ở Incheon United và dùng quan hệ của mình để đưa cầu thủ này sang Pháp. Phượng vẫn bị động, anh thậm chí cũng chả biết CLB Paris FC đang thi đấu ở Ligue 2 như thế nào để thích nghi. Tôi tin là nếu cứ bị động như vậy, Phượng sẽ thất bại một lần nữa.
Trước khi đưa ra vấn đề Công Phượng cần phải làm thế nào, tôi vô tình đọc được một bài viết rất hay trên mạng xã hội nói về câu chuyện thụ động của những sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài:
“Phần lớn sinh viên của ta sang nước ngoài thất vọng trong 6 tháng đầu tiên, vì mọi thứ khác xa tưởng tượng. Mình quen kiểu thụ động Việt Nam, nên cứ chờ thầy giao bài tập, cô giáo sẽ kiểm tra, trường sẽ tổ chức thi theo số báo danh rồi ngồi học thuộc lòng vô chép lại, chép đúng hết được 10 điểm, loại giỏi. Ở nước ngoài, không có chuyện đó, có trường chả thi cử gì, cứ học xong thì nộp báo cáo. Hoàn toàn không có điểm danh, bỏ tiền đóng học phí thì không đi học thì tuỳ, không có "ép lấy cho bằng được" như ở ta. Rồi lúc giảng bài thì còn chán hơn, mong chờ giáo sư nổi tiếng thế giới vô cầm micro nói như diễn giả, ai dè họ vô không nói lời nào, chỉ cầm micro hỏi có ai hỏi gì không, có tự đọc 10 cuốn sách đó chưa, nghĩ gì… Nên du học, chỉ chỉ thật sự phù hợp với người có khả năng tự học, còn học giỏi kiểu châu Á, qua đó chán nản liền…”.
Trang facebook ấy - trang Tony Buổi sáng đưa ra giải pháp: “Phải chủ động xin cơ hội như bạn Lâm này (thủ môn Văn Lâm - PV). Chọn nghề nghiệp là cầu thủ bóng đá, Lâm đã cháy hết mình với nghề. Còn trẻ, có chi là ngại ngùng. Thậm chí đăng lên mạng xã hội mong ước việc làm của mình như bạn. Có sao. Phải vượt qua cái ngại ngùng cố hữu hay sĩ diện của dân châu Á. Mình vô danh, có ai biết. Đừng để cái tôi lớn mà hỏng cuộc đời đi. Hạ thấp mình xuống, để người ta cho mình cơ hội. Chảnh chảnh, cứ nghĩ mình ngon, rồi sau mới thấy thất bại toàn tập”.
Câu chuyện Văn Lâm thì mọi người đã rõ, Lâm chủ động xin được khoác áo đội tuyển Việt Nam nhiều lần, rồi viết cả mong ước, khát khao của mình lên Facebook. Cuối cùng ước mơ của Văn Lâm thành hiện thực.
“Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là may mắn, vì họ tài năng nên được thành công là đúng rồi. Nhưng mà ta đâu biết rằng để được ngày hôm nay, họ phải trải qua biết bao nhiêu cay đắng, thất bại, buồn tủi. Điều quan trọng ở đây là lòng mong muốn tột bậc và trân trọng từng cơ hội mà mình có được”.
Trở lại câu chuyện của Phượng. Vấn đề ở đây là Phượng đã được trao cơ hội. Nhưng điều đó chưa đủ, anh cần chủ động với cơ hội này nhiều hơn, quyết liệt hơn. May mắn là Phượng có tài năng, nếu có được sự chủ động, anh sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn.
Có một nguyên tắc trong cuộc sống: “Thái độ đóng vai trò quyết định chuyện thành - bại của mỗi người”. Không ít người dù trong khó khăn vẫn luôn tìm thấy cơ hội cho mình, nhưng cũng không ít người khi cơ hội đến, họ lại chần chừ, rồi bỏ qua vì ngại gian khổ. Có người vượt qua trở ngại bằng thái độ lạc quan, lại có người chao đảo bởi những ý nghĩ tiêu cực.
Với Công Phượng, không phải là lý thuyết nữa. Thái độ của Phượng sẽ quyết định thành công trong chặng đường ở Pháp sắp tới.