Hai “nhân tố bí ẩn” của đội chạy 4x400m hỗn hợp giành kỳ tích vàng SEA Games 30 là ai?
Ngày 7/12/2019 trên sân New Clark City (Philippines), đội chạy 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ của Việt Nam đã giành chiến thắng ấn tượng, ghi dấu ấn là đội đầu tiên giành vàng bởi nội dung mới này lần đầu xuất hiện tại đấu trường SEA Games.
Với thành tích 3 phút 19 giây 50, đội Việt Nam vượt trội đội nhì Thái Lan tới gần 7 giây và có khoảng cách gần 8 giây so với chủ nhà Philippines giành HCĐ. Chiến thuật khác người của đội Việt Nam cũng tạo ra dấu ấn khó tả khi các đối thủ đều xếp thứ tự nam-nữ-nữ-nam thì Việt Nam xếp nữ-nam-nữ-nam. Chính vì vậy, thành tích ấn tượng này đã giúp đội chạy 4x400m tiếp sức hỗn hợp lọt vào Top 3 đề cử Đồng đội của năm Cúp Chiến thắng 2019.
Bộ tứ giành tấm HCV danh giá lần này gồm: Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn. Ngoài “hot boy 19 tuổi” Trần Nhật Hoàng được đề cử VĐV trẻ của năm do thành tích giành 3 HCV ở ngay lần đầu tham dự còn Quách Thị Lan có tên trong hạng mục đề cử Nữ VĐV của năm Cúp Chiến thắng 2019 thì hai cái tên còn lại còn khá xa lạ.
Nguyễn Thị Hằng: Thấp bé không chạy rào được thì luyện… chạy trơn
Là người xuất phát đầu tiên trong lượt chạy nội dung trên, Nguyễn Thị Hằng một-mình-chống-lại 3 nam VĐV của đội bạn. Nhưng cô gái nhỏ bé này không hề lép vế mà tận dụng cực tốt khả năng xuất phát bẩm sinh, cộng với độ lỳ vốn được các HLV đánh giá cao… để thực hiện phần thi của mình xuất sắc.
Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1997, quê gốc ở Vân Hòa, Ba Vì (Hà Nội), đến với điền kinh hoàn toàn do sở thích cá nhân. Ngay từ đầu, Hằng đã có sở trường ở cự ly 400m và dần được chú ý từ khi giành giải nhất ở một cuộc thi cấp thành phố.
Mãi tới tận năm 2017, Hằng mới triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Không có ngoại hình chuẩn như đàn chị Quách Thị Lan, Hằng chỉ chuyên tâm tập cự ly 400m trơn mà “không hề tơ tưởng đến nội dung chạy vượt rào vì người lùn tè chạy sao được rào ạ”.
Được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Thị Bắc và chuyên gia ngoại Vladimir Simeonov, Nguyễn Thị Hằng đã có tiến bộ rõ rệt. Thành tích nổi bật gần đây của Hằng là tấm HCĐ nội dung 400m tại Grand Prix tổ chức ở Trùng Khánh (Trung Quốc) hồi tháng 6/2019.
Khi nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ lần đầu được đưa vào thi đấu ở SEA Games 30 thì Hằng trở thành một mắt xích quan trọng của đội chạy đặc biệt này. Hằng mê nữ VĐV người Mỹ Allyson Felix, nhà vô địch Olympic 2012 cự ly 200m, vô địch thế giới 2015 cự ly 400m… và coi đây là thần tượng để phấn đấu.
“Trong năm 2020, tôi và các đồng đội sẽ thi đấu các giải quốc tế để tranh suất tham dự vòng loại Olympic Tokyo sắp tới. Được đề cử Đồng đội của năm Cúp Chiến thắng 2019 đối với tôi là một vinh dự rất lớn rồi. Bây giờ lại nằm trong top 3 thì thật sự rất vui. Đây sẽ là bước đà để cho tôi và đồng đội cố gắng trong các năm tới. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ cho chúng tôi” - Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.
Trần Đình Sơn: Giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé
Sau Quách Công Lịch, Trần Đình Sơn nổi lên như một nhân tố có thể thay thế đàn anh người Thanh Hóa ở các nội dung chạy 400m. Cùng tuổi với Nguyễn Thị Hằng, nhưng Trần Đình Sơn đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn.
Chàng trai quê Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trở thành nhân tố tiềm năng của tuyển điền kinh Việt Nam sau khi giành một loạt thành tích khá ấn tượng như: 2 HCV Giải vô địch điền kinh trẻ quốc gia 2016, HCV Giải điền kinh mở rộng Malaysia năm 2017, HCB SEA Games 29 (2017), HCV Giải điền kinh quốc tế TP.HCM mở rộng 2018, HCV Giải điền kinh Thái Lan mở rộng năm 2018...
Trước SEA Games 30, Trần Đình Sơn được đánh giá cao hơn cả đàn anh Quách Công Lịch ở nội dung 400m bởi soái ca người Mường dính chấn thương triền miên và không có thành tích tốt thời gian gần đây. Sơn cũng có thành tích tập luyện và thi đấu trước đó tốt hơn so với Trần Đình Hoàng nên luôn có tên trong các nội dung chạy cá nhân lẫn tiếp sức ở Philippines vừa qua.
Không tính đến tấm HCB 400m mà Sơn về sau đàn em Trần Nhật Hoàng thì tấm HCV 4x400m tiếp sức hỗn hợp và 4x400m tiếp sức nam cũng mang về cho chàng trai Hà Tĩnh 2 HCV, 1 HCB SEA Games 30. Theo HLV Nguyễn Thị Bắc, Sơn có thành tích tập luyện tốt nhất trong nhóm chạy tiếp sức, tuy tâm lý thi đấu chưa thật sự tốt, nhưng bù lại, chàng trai này có sức rướn và khả năng bám đuổi rất tốt.
Ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, Trần Đình Sơn nhận trọng trách chạy cuối cùng. Ngay khi nhận gậy từ Quách Thị Lan, Sơn đã lao đi như tên bắn và băng băng về đích, bỏ xa các đối thủ sau đến gần 10 giây, một khoảng cách được cho là quá xa trong môn điền kinh.
Trước mắt, Sơn và các đồng đội vẫn còn một nhiệm vụ quan trọng là giành chuẩn Olympic Tokyo 2020 ở nội dung mà Việt Nam vừa ghi dấu ấn tại SEA Games 30. Chàng trai sinh năm 1997 vừa có tên trong danh sách triệu tập Đội tuyển Điền kinh Việt Nam được đầu tư trọng điểm trong năm 2020.
TOP 3 ĐỒNG ĐỘI CỦA NĂM
- Đội hình tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4x400m môn Điền kinh giành HCV SEA Games 30
- Đồng đội tiếp sức 4x400m nam môn Điền kinh giành HCV SEA Games 30
- Đồng đội cung một dây môn Bắn cung giành HCV SEA Games 30Cúp Chiến thắng là giải thưởng thường niên được Tổng cục TDTT phối hợp với Vietcontent Sports và VTVCab tổ chức nhằm tôn vinh những VĐV, HLV, chuyên gia và các cá nhân có đóng góp và mang lại niềm tự hào cho nền thể thao nước nhà. Giải thưởng này được ví như Oscar thể thao Việt Nam.
Gala trao giải sẽ được tổ chức vào 15/01/2020 tại Hà Nội.