Thư EURO: Cuộc gặp của chữ "duyên" giữa lòng nước Pháp
Hơi gờn gợn, tôi nhìn xuống chiếc thẻ chàng trai trẻ đeo trước ngực thấy đề tên: Khang, Le Huu. À, tôi mừng thầm như thể cả năm rồi mới gặp được một người đồng hương…
Tôi không phải người mê tín, nhưng tôi tin rằng mọi cuộc gặp gỡ giữa hai người xa lạ đều đến từ chữ “duyên”. Tôi gặp chàng trai trẻ tên Lê Hữu Khang khi đang lững thững cuốc bộ từ Fanzone ra sân Stadium de Toulouse ở trận đấu giữa ĐT Italia và Thụy Điển.
Trên đường vào sân, tôi muốn hỏi rõ hơn lối ra của các CĐV hai đội Italia, Thụy Điển, để chụp những bức ảnh hoặc quay clip cảm xúc của họ sau trận. Và thế là tôi tiến về phía chàng trai nhỏ nhắn, với mái tóc dài và cặp kính cận cùng gương mặt đậm chất châu Á, khoác chiếc áo vàng dành riêng cho bộ phận canh vòng ngoài của sân, chủ yếu hướng dẫn lối đi lại cho CĐV.
Câu đầu tiên tôi hỏi bằng tiếng Anh, và Khang đáp lại rất lịch sự. Khi tôi chuẩn bị bước đi thì linh tính mách bảo điều gì đó, tôi quay lại, nhìn xuống chiếc thẻ thấy đề: Khang, Le Huu. Tôi ngước lên nhìn cậu bảo vệ nhỏ nhắn một lần nữa và hỏi: “Are you Vietnamese?”. “Yes” – Khang khẽ cười đáp lại. “Vậy chúng ta là đồng hương rồi”, tôi không nói thêm một từ tiếng Anh nào nữa mà mừng rơn bắt chặt tay Khang.
Và cuộc nói chuyện giữa hai người chỉ ít phút trước còn tưởng như mang 2 dòng máu khác nhau chứ không phải chung một dòng máu Việt, bắt đầu.
Điều đầu tiên tôi đoán về Khang, đó chắc là một cậu sinh viên. Và sự thực, như cậu chia sẻ: “Em đã học 4 năm ở ĐH Paul Sabatier rồi anh ạ”. Bốn năm, tại sao Khang lại nói tiếng Việt hơi lơ lớ và một số từ khó cậu lại nheo mắt gãi đầu suy nghĩ rồi hỏi lại tôi?
Hóa ra, như Khang tiết lộ, cậu sinh ra trên đất Pháp này, tại thành phố nhỏ Montauban cách Toulouse 50 km về phía Bắc. Tuy nhiên, 2 người chị gái sinh ra tại Việt Nam và họ đều đã lập gia đình tại đây, trong khi chỉ còn Khang sống cùng bố mẹ.
Khi biết điều đó, tôi động viên Khang: “Không nhiều người sinh ra trên đất Pháp này còn nói tiếng Việt tốt như em đâu. Điều đó rất đáng trân trọng. Mình không được quên nguồn cội”.
“Vâng, bố mẹ em dạy từ bé. Các chị cũng hướng dẫn thêm và ở nhà gia đình em chỉ nói tiếng Việt. Khi còn đi học ở Montauban, lớp em cũng có một bạn gốc Việt, nhưng hầu như chúng em chỉ nói tiếng Pháp. Cộng đồng người Việt ở đây cũng không nhiều lắm. Nghe những từ khó hoặc “lạ” em vẫn chưa rõ”, Khang gãi đầu ngượng ngùng nói bằng thứ tiếng hơi hướng miền trong ở Việt Nam.
Và như thế tôi biết thêm rằng, quê của Khang ở Nha Trang, điểm du lịch hút khách bậc nhất ở Việt Nam hiện tại. “Em đã về quê bao nhiêu lần rồi, và có đi thăm Hà Nội không?”, tôi hỏi.
“Hình như 4 lần, em không nhỡ rõ lắm, vì hồi bé từng được bố mẹ cho về. Còn lần gần nhất đã cách đây 10 năm rồi. Nhưng em vẫn nhớ, nhớ cả chuyến đi ra thăm Hà Nội nữa. Việt Nam giờ khác lắm rồi anh nhỉ”, Khang đáp lời.
10 năm, khoảng thời gian dài chứng kiến quá nhiều sự thay da đổi thịt ở Việt Nam. Và Nha Trang, quê của Khang, giờ cũng đã trở thành “hòn ngọc Việt” về du lịch mà chắc chắn khác xa với những gì lưu giữ trong ký ức một cậu nhóc 12 tuổi từng được bố mẹ đưa về quê hương thăm thú.
Tôi không muốn cuộc nói chuyện trầm lắng, nên đề nghị được chụp hình Khang đang làm việc và cả hai chụp chung một bức bằng điện thoại của tôi. Sau đó, đương nhiên là một câu chuyện khác tôi muốn biết, đó là vì sao Khang xin được một chân “Securite” kiêm hướng dẫn viên ở vòng ngoài tại sân Toulouse.
“Em nộp đơn tại trung tâm việc làm, họ đưa ra những công việc cho mình chọn, em nộp hồ sơ và cuối cùng bộ phận tổ chức sân Toulouse chấp thuận. Đây là việc làm thêm anh à. Tại Toulouse có 4 trận, mỗi trận làm như này em nhận được 70-80 euro, và thường làm trong khoảng 4 tiếng”, Khang chia sẻ.
Đó không phải khoản thù lao nhỏ, nhưng công việc của Khang và nhiều bạn áo vàng khác quanh sân Toulouse cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào. Nếu trận đấu suôn sẻ, CĐV không quậy phá, công việc đỡ mệt hơn. Và đương nhiên ngược lại sẽ rất vất vả, thậm chí còn nguy hiểm tới bản thân.
“Sắp tới có trận đấu Nga - Xứ Wales tại đây. Nhiều CĐV hai đội đổ về và dễ có xô xát lắm anh ạ”, Khang chia sẻ. “Em đã thấy những CĐV Nga đập phá, tấn công CĐV khác ở Marseille. Trận tới lại diễn ra vào 21h00 tối, lực lượng cảnh sát sẽ được bố trí nhiều hơn, nhưng em vẫn rất lo”.
Tôi không thể biết nói gì hơn ngoài lời chấn an cho Khang rằng, hãy hy vọng sau khi ĐT Nga bị UEFA cảnh báo và nhiều CĐV côn đồ bị trục xuất, CĐV của họ sẽ cư xử lịch sự hơn tại Toulouse tới đây.
Cuộc nói chuyện không thể kéo dài hơn, bởi chị quản lý của Khang tiến lại gần trao đổi điều gì đó và thực tế khi chúng tôi nói chuyện thì vẫn có những CĐV qua lại hỏi đường.
Tôi chủ động dừng cuộc nói chuyện, nhưng không quên bắt tay Khang thật chặt, lưu lại số điện thoại và hẹn có thể gặp lại trong một dịp nào đó, hoặc tại nước Pháp hay tốt hơn là ngay trên quê hương.
Tôi rảo bước đi tiến gần hơn về phía sân vận động nhưng trong đầu vẫn phảng phất hình ảnh gương mặt Khang và một giọng tiếng Việt hơi lơ lớ, những đủ để người ta nhận ra rằng đó là một người Việt, dù sinh ra tại đâu đi nữa.
Đó là cuộc gặp thú vị thứ 2, giữa những người con của đất mẹ Việt Nam, trên hành trình của tôi tại EURO. Lần đầu đó là cuộc trao đổi thú vị với cậu sinh viên tên Lân, đang học tại Bordeaux, khi cả hai ngồi sát nhau trên chuyến bay từ Hà Nội đi Paris.
Nhẽ ra, tôi không ngồi cạnh Lân mà ở phía đuôi máy bay, nhưng một người khác đã nhờ đổi chỗ để được ngồi cạnh người nhà, và như thế duyên số đặt tôi và Lân ngồi cạnh nhau. Sớm thôi, tôi sẽ gặp lại Lân ở Bordeaux vài ngày tới và khi đó có thể tôi còn gặp được nhiều hơn những tiếng nói Việt Nam đủ làm vơi bớt nỗi nhớ nhà da diết…
Toulouse, ngày 17/6/2016.
Cho một người chưa bao giờ được nghe giọng nói…
Mai Nguyen, một cô gái đang sống và làm việc tại Pháp tôi đã quen qua sự giới thiệu của một người bạn. Mọi cuộc trao đổi giữa tôi và Mai đều qua “chat” trên Facebook. Chúng tôi chưa liên lạc trực tiếp lần nào qua điện thoại, nhưng từ những sự giúp đỡ nhỏ nhất, tận tình, chu đáo của Mai, tôi hiểu rằng đó là một cô gái nồng ầm.
Lần gần nhất nói chuyện, Mai giới thiệu thêm một người bạn Việt Nam khác ở Paris sẽ giúp tôi tác nghiệp trong thời gian tới. Cô cũng chia sẻ rằng đã chuyển ra sống và làm việc ở Zone 5, cách Paris tầm 60 km.
Tôi không biết liệu sẽ có một cuộc gặp gỡ trực tiếp để tôi có thể nói lời cảm ơn Mai hay không, nhưng rõ ràng trên đất khách xứ người xa xôi này, tình cảm giữa những người Việt vẫn quện thấm lắm.