Thư EURO: Hái nho thuê, một thời để nhớ…

chủ nhật 26-6-2016 23:59:13 +07:00 0 bình luận
Du học ở Bordeaux thì phải biết làm thêm bằng công việc hái nho là như thế nào. Nhưng có vẻ đó đã là câu chuyện của quá khứ.

Du học ở Bordeaux thì phải biết làm thêm bằng công việc hái nho là như thế nào. Nhưng có vẻ đó đã là câu chuyện của quá khứ.

Kim Lân, cậu sinh viên mới sang Bordeaux gần 1 năm là người giúp tôi tìm chỗ ở, kiêm luôn vai trò “hướng dẫn viên du lịch” trong 2 ngày tôi ở Bordeaux.

Lân kể, cậu đã tới thăm Saint Emilion, một trong những nơi trồng nho, sản xuất và bán rượu vang nổi tiếng nhất vùng Aquitaine. Nơi đó cách trung tâm Bordeaux chừng 50 km và ngồi tàu TGV mất độ nửa tiếng là đến.

Saint Emilion giống như một ngôi làng rượu vang để khách du lịch thoải mái thăm quan, từ cánh đồng nho đến quy trình làm rượu, nếm thử, mua rượu và dùng luôn rượu cùng đồ ăn bán tại các nhà hàng nằm ở tầng hầm mỗi ngôi nhà sản xuất, kinh doanh rượu vang.

Lân đã có dịp thăm quan những vườn nho rộng lớn tại Saint Emilion, nhưng bản thân cậu chưa bao giờ trải qua dù chỉ 1 ngày làm việc như một công nhân hái nho đúng nghĩa.

Tác giả và cậu sinh viên Kim Lân đang học tại Bordeaux

Nhưng cậu sinh viên gốc Hà Nội có thể kể vanh vách những câu chuyện vui có, buồn tủi cũng có, của cánh sinh viên Việt Nam từng đăng ký đi hái nho trong kỳ nghỉ Hè dài tới 3-4 tháng ở Bordeaux.

Tất nhiên, những câu chuyện của Lân đều do các đàn anh đi trước kể lại. Và một trong số họ tôi cũng đã gặp trực tiếp, đó là Thao, anh chàng làm phục vụ ở quán đồ ăn Thái Pitaya, người mà như Lân kể thuộc diện “thổ địa ở Bordeaux” bởi đã học xong Đại học tại thành phố này và hiện học Thạc sỹ trên Paris, nhưng Hè vẫn trở lại Bordeaux làm thêm.

Làm thêm ở những khu vực trồng nho để sản xuất rượu vang như tại Saint Emilion, một thời từng là công việc giúp hàng trăm thậm chí cả nghìn sinh viên Việt sang Bordeaux học tập có thêm thu nhập trong thời điểm nghỉ Hè, qua đó hỗ trợ rất nhiều cho chi phí sinh hoạt, học tập khá đắt đỏ nơi đất khách quê người.

“Nếu lương bồi bàn và một số việc tương tự dành cho sinh viên tại Bordeaux này và nhiều nơi khác khoảng 7-8 euro/giờ thì đi hái nho có thể nhận được từ 13-15 euro/giờ. Như thế, làm 2 tuần ở vườn nho bằng cả tháng đi chạy bàn. Nhưng cực lắm anh ạ”, Thao chia sẻ với tôi.

Mệt nhọc vất vả, nhưng ít nhất lứa của Thao còn được nếm trải vị mặn của mồ hôi đổ xuống ở những vườn trồng nho rộng lớn xen lẫn với vị ngọt của trái nho chín mà lúc đầu, đám sinh viên mới đến ai cũng thích thú và nhồi cho căng một bụng nho.

Sinh viên Việt tại Bordeaux chuẩn bị lá dong gói bánh chưng và tổ chức các hoạt động giải trí đón Tết 2016

Nhưng giờ hái nho dường như không còn là lựa chọn hàng đầu của số đông sinh viên Việt Nam sang Bordeaux học tập nữa.

“Thường một ngày làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, sau đó nghỉ khoảng 1-2 tiếng và làm tiếp. Ai khỏe lắm mới làm được 7-8 tiếng ngày, còn lại chỉ 6 tiếng đổ xuống, vì nóng lắm anh ạ”, đến lượt Lân kể cho tôi những gì cậu được nghe từ những đàn anh đi trước, những người giờ vẫn sinh hoạt trong Hội sinh viên VN tại Bordeaux (UEVB).

“Giữa cánh đồng nho mênh mông, vừa làm việc vừa phơi nắng nhanh mệt lắm. Chưa kể, tay chân xước xát vì gai là chuyện thường. Và bởi cây nho không thấp mà cũng chẳng cao, mình cứ phải khom người cúi xuống hái, tối về ai cũng đau lưng. Rồi còn chuyện ăn ở nữa, tại đó chủ vườn có thể bố trí chỗ ngủ, nhưng chỉ là tạm bợ. Còn đồ ăn đương nhiên chủ yếu là ăn nhanh. Cực lắm”.

Tôi cũng như Lân, chưa một lần nếm trải công việc hái nho là như thế nào. Nhưng  2 ngày ở Bordeaux tôi đủ cảm nhận được cái nắng chói chang gay gắt giữa mùa Hè.

Nắng ở đây không oi nồng vì độ ẩm cao như tại Việt Nam, nhưng ngày Hè châu Âu mặt trời mọc từ sáng sớm đến tận 8 giờ tối vẫn chiếu gắt. Khi cuốc bộ đi tác nghiệp, tôi thường phải chọn những chỗ râm, bởi đi ngoài ánh nắng chói chang dưới nền trời không một gợn mây thì chừng 30 phút thôi đã nhễ nhại mồ hôi phải nghỉ.

Như thế, có lẽ cũng đủ tưởng tượng ra sự vất vả cực kỳ khi đứng giữa một cánh đồng nho bát ngát làm việc dưới trời nắng.

Hái nho thuê là công việc cực kỳ vất vả

Và nhắc đến sự vất vả của việc hái nho, tôi chợt nhớ đến cậu chuyện cô bạn đi Úc học Thạc sỹ về kể rằng nhiều lưu học sinh mình bên đó cũng miệt mài đi “làm Farm”, tức thu hoạch vụ mùa mà chủ yếu là hái nho.

Ở Úc, mùa Hè cũng nghỉ dài 3-4 tháng, sinh viên và cả cánh nghiên cứu sinh học thạc sỹ, tiến sỹ cũng tranh thủ đi “làm Farm”. Tất cả được chủ trang trại gom hết vào những chòi rộng lớn giữa cánh đồng, cả tháng có khi chỉ ra ngoài 1-2 lần mua đồ ăn về tích trữ. Còn hằng ngày đi làm từ sớm đến khuya. Mỗi đợt như thế kiếm được vài ngàn đô-la Úc. Nhưng tất nhiên, người ai cũng rộc đi vì cực nhọc.

Thế mới thấy, kiếm được một đồng ở xứ người không đơn giản chút nào!

Tuy nhiên, trở lại với câu chuyện đi hái nho thuê ở Bordeaux, cái vất vả cơ cực chỉ là một phần khiến ngày càng ít sinh viên chọn làm thêm công việc này.

“Giờ cánh chủ vườn thích thuê công nhân hơn là sinh viên. Đó có thể là người dân lao động chân tay đúng nghĩa, dân nhập cư mà việc gì cũng làm… Họ có thể chấp nhận mức thù lao rẻ hơn. Và đương nhiên có lợi như thế thì chủ vườn không dại gì thuê sinh viên nữa”, Lân chia sẻ.

Đúng là ở đâu cũng thế, trong mọi công việc đều có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng những bạn như Thao, Trung Anh - một anh chàng khác cũng làm bếp kiêm bồi bàn ở quán ăn Pitaya, hay chính cậu sinh viên năm nhất Kim Lân, họ rất nhạy bén để tìm kiếm cho mình những công việc khác trong Hè.

Những khoảnh khắc giải trí hiếm hoi của anh chị em sinh viên học tập tại Bordeaux (Nguồn: UEVB)

Lân chỉ vào Trung Anh, cậu sinh viên khá bự con đã học vài năm ở Bordeaux và nói: “Anh ấy nhà bên Việt Nam giàu lắm, cũng kinh doanh nhà hàng và bố anh ấy quản lý mấy quán ăn ở khu đối diện nhà hàng cá mập ở Bờ Hồ. Nhưng sang đây Trung Anh vẫn chăm chỉ đi làm thêm trong Hè, không nề hà gì cả. Thậm chí anh ấy từng mò sang các khu vực lân cận ngoài Bordeaux để xin việc, bởi ở đó chủ người ta lo cho chỗ ở, mình đỡ được tiền thuê nhà”.

Theo tôi biết, công việc hiện tại, vừa nấu ăn vừa bưng bê phục vụ khách trong quán Pitaya mang về cho Thao hay Trung Anh mỗi tháng từ 1.500 đến 1.700 euro. Họ phải làm từ 10h30 sáng đến 15h00 chiều và tối từ 18h00 đến 22h00. Trưa chỉ được nghỉ 15 phút, thay phiên nhau, để ăn rồi vào làm tiếp.

Đó cũng là một công việc rất vất vả, như Lân chia sẻ: “Hằng ngày hít khói bếp, mùi thức ăn, tối muộn về ai cũng oải và chẳng muốn ăn bất cứ thứ gì”.

Nhưng như Lân tiết lộ, chính cậu cũng đã nộp đơn xin làm thêm ở quán Pitaya Hè này và đang nhờ Trung Anh nói dùm để ông chủ tiếp nhận.

Như cậu sinh viên năm nhất giải thích, làm thêm như thế không chỉ tích lũy thêm ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm sống, những va chạm hằng ngày mà quan trọng nhất đó là nó giúp những bạn trẻ như Lân hiểu rõ hơn thế nào là giá trị đồng tiền.

Và với tôi, đó cũng là điều đáng trân trọng nhất!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội