Bác Hồ và những câu chuyện về võ thuật tại Việt Nam

thứ ba 19-5-2020 15:33:37 +07:00 0 bình luận
Dù rất ít người lưu lại những câu chuyện võ về Bác, nhưng tất cả đều thể hiện Người cha già của dân tộc có cái nhìn thấu đáo về võ thuật.

Hình ảnh Bác Hồ cùng tập Thái Cực Quyền với các chiến sĩ bộ đội ở Việt Bắc có lẽ không còn xa lạ với đa số người yêu võ thuật. Vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến dù bận trăm công nghìn việc vẫn luôn dành thời gian cho việc rèn luyện sức khỏe và đặc biệt là võ thuật.

Bác luôn quan niệm việc cải thiện sức khỏe, tập luyện thể thao là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng quốc gia, dân tộc vững mạnh. Dù Bác thường xuyên tập luyện võ thuật, nhưng chỉ có rất ít người có dịp tiếp xúc và ghi lại những câu chuyện võ, chuyện đời gắn liền với Người.

Bác Hồ và chuyện dưỡng sinh cùng Thái Cực Quyền

Năm 1956, sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và phó Thủ tướng Hạ Long, Bác đã được biết về khả năng của môn võ Thái Cực Quyền đến từ Trung Hoa. Ngay lập tức, Bác đề nghị phía nước bạn hỗ trợ một chuyên gia sang giảng dạy môn võ này.

Đầu năm 1957, Trung Quốc cử võ sư Cố Lưu Hinh – một nhà nghiên cứu võ thuật Trung Hoa sang để phụ trách việc giảng dạy. Khi sang Việt Nam, võ sư Cố Lưu Hinh đã tìm cách giản lược hóa các bài tập chiến đấu của Thái Cực Quyền để phù hợp với thể trạng của Bác và được Bác rất tán đồng.

“Hồ Chủ tịch quy định thời gian tập luyện rất rõ ràng, sáng từ 6 giờ tới 6 giờ 30, chiều từ 18 giờ tới 18 giờ. Lúc đó, Bác cũng giới thiệu tôi với một số cán bộ cao cấp và chia sẻ về Thái Cực Quyền. Bác cũng rất ủng hộ việc tôi hướng dẫn giảng giải về nguyên lý, phương pháp trước khi đi vào tập luyện.” – võ sư Cố Lưu Hinh viết trong bản hồi kí khi sang Việt Nam.

Ông Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, người cũng từng là cận vệ của Bác cho biết: “Bác rất quan tâm tới mọi người nên đã chỉ thị chúng tôi thành một nhóm có khoảng 20 anh chị em cùng tham gia tập Thái Cực Quyền.”  

VIDEO Bác Hồ cùng tập luyện với các chiến sĩ: 

“Buổi sáng, Bác thường dậy rất sớm, bật đèn và tự tập quyền trước khi luyện cùng các anh chị em thêm 3, 4 lần nữa. Buổi tối có lúc lại xem tôi hướng dẫn tập và chỉnh tư thế cho mọi người. Hồ Chủ tịch vốn có căn cơ về võ thuật nên động tác gọn và chuẩn hơn những người khác, thế nhưng Người luôn kiên trì đợi mọi người tập cùng tới khi nào thuần thục mới thôi.” – võ sư Cố Lưu Hinh viết.

Sau này, dù võ sư Cố Lưu Hinh đã về nước, Bác Hồ vẫn duy trì thói quen tự luyện Thái Cực Quyền mỗi ngày và không quên căn dặn các chiến sĩ duy trì việc rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Tư tưởng này được vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam xem như phương cách để di dưỡng thể chất lẫn tinh thần, có một thân thể khỏe mạnh để học tập và làm việc. 

“Võ Tàu, võ Ta” cùng “vua ám khí” Huyền Công Đạo Trần Công

Trong những mẩu chuyện võ về Bác Hồ, có lẽ nổi tiếng nhất với cộng đồng Võ cổ truyền Việt Nam là câu chuyện giữa Bác và cố đại lão võ sư Trần Công (sinh năm 1914, sau này là tổ phụ Môn phái Sơn Đông Không Động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Võ thuật Hà Nội, sáng lập Võ phái Võ cổ truyền Huyền Công Đạo), người còn được làng võ Việt mệnh danh "vua ám khí".

Từng có vinh dự biểu diễn bài võ Song Hổ vĩ côn – bài võ khiến bản thân được cả làng võ Việt kính nể trước mặt Bác Hồ, võ sư Trần Công còn nhận được một lời dặn đầy thấm thía từ Bác.

 "Thể lực đứng đầu há phải tiền?

Luyện rèn võ thuật vẫn thường xuyên

Tiền nhiều thượng võ mua chẳng được

Vui mạnh sống lâu khác gì tiên?"

Đây cũng là lần hiếm hoi Bác chủ động nói về quan điểm rèn luyện của mình được lưu lại. Theo lời Bác, võ thuật dù tập luyện như nào cũng phải duy trì thường xuyên. Và thể lực của con người chính là thứ quý giá nhất, vui khỏe sống lâu còn quý giá hơn cả tiền bạc.

Sau đó, Huyền Công Đạo Trần Công còn có cơ hội thăm Bác ngay tại Phủ Chủ Tịch. Chứng kiến Bác luyện một bài võ có nguồn gốc từ Trung Hoa, võ sư Trần Công đánh bạo hỏi: “Dạ thưa, Bác cũng tập võ Trung Hoa?”. Nghe câu hỏi của ông, ngừng tập, Bác quay sang từ tốn: "Sao chú lại hỏi thế?". "Dạ, cháu thấy bài quyền Bác đang tập có xuất xứ từ võ Trung Hoa".

"Đúng, chú nói đúng rồi! Đây chính là bài quyền bác học được của người Trung Quốc, nhưng không thể gọi là võ Tàu được!". "Thế gọi là võ Trung Quốc, thưa Bác!". "Chú nói thế cũng không phải, mà phải gọi là võ Việt Nam!".

Võ sư Trần Công từng có vinh dự nói chuyện võ thuật với Bác Hồ. 

Câu nói của Bác không khỏi khiến ông ngạc nhiên, Bác tiếp tục giải thích: “Nhà chú có ao thả cá, nhà hàng xóm của chú cũng có ao thả cá. Một hôm, trời mưa, nước lớn, cá nhà chú tràn sang ao nhà hàng xóm thì chú có sang đó mà nhận hay đòi lại cá nhà mình được không? Võ cũng vậy, từ Trung Quốc chảy xuống nước ta thì phải gọi là võ ta chứ!".

Lời lí giải này khiến võ sư Trần Công suy nghĩ, Bác nói tiếp: "Chú là người giỏi võ, chú phải cố gắng làm sao để cả dân tộc ta học được võ, có thế thì mới có sức khoẻ để bảo vệ và kiến thiết đất nước! Phong trào học võ, rèn luyện sức khoẻ phải nở như hoa!"

Câu chuyện trên có thể thấy được một phần quan điểm của Bác Hồ với võ thuật: Không phân biệt môn phái, nguồn gốc, miễn là nó có ích để kiện cường thân thể, truyền được cảm hứng tập luyện cho mọi người.

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội