Muay Thái và Lethwei khác nhau như thế nào?

thứ bảy 23-2-2019 9:00:52 +07:00 0 bình luận
Với "dân ngoại đạo", Muay Thái và Lethwei thoạt nhìn khá giống nhau, cùng là những môn võ cổ truyền xuất xứ Đông Nam Á, cùng là những môn võ mang đậm tính đối kháng. Tuy nhiên thực tế Muay Thái và Lethwei cũng có những điểm khác biệt rất rõ ràng.

Nếu nói về độ nổi tiếng của những môn võ xuất xứ từ vùng Đông Nam Á, Muay Thái có lẽ là cái tên được nhiều người biết đến nhất, với những lời khen ngợi đại loại như "môn võ có lối tấn công nguy hiểm bậc nhất thế giới", cùng vô số những võ sĩ tên tuổi đã lên sàn Kickboxing và MMA để chứng minh cho điều này. Nhưng nếu nói về độ khó, độ tàn bạo, thì Muay Thái cũng đang có một đối thủ đáng gờm - đó là môn quốc võ của đất nước láng giềng Myanmar - Lethwei. 

Với "dân ngoại đạo", Muay Thái và Lethwei thoạt nhìn khá giống nhau, cùng là những môn võ cổ truyền xuất xứ Đông Nam Á, cùng là những môn võ mang đậm tính đối kháng. Tuy nhiên thực tế Muay Thái và Lethwei cũng có những điểm khác biệt rất rõ ràng về luật chơi và kỹ thuật.

Lethwei
Muay Thái

Thế tấn và kỹ thuật đánh

Khi bàn về lịch sử, Lethwei có thể có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, với một tên gọi khác là Boxing tay trần Miến Điện. Điều này cũng nói lên một trong những đặc trưng của môn thể thao này - Lethwei không hề sử dụng găng tay, các võ sĩ chỉ được dùng những miếng băng gạc để bao bọc bàn tay trong khi chiến đấu. Điều đó hoàn toàn khác với các võ sĩ Muay Thái đeo găng (Muay hiện đại) hoặc quấn dây thừng Kad Chuek (Muay Boran).

Phải thừa nhận rằng Muay Thái và Lethwei sở hữu những điểm tương đồng trong thế tấn và kỹ thuật đánh đứng striking. Ví dụ trong video dưới đây, các bạn có thể thấy một võ sĩ Muay Thái và một võ sĩ Lethwei đều có nhịp đánh nhấp nhả khá tương đồng, cũng như toàn bộ trong tâm cơ thể dồn vào chân sau để chân trước có thể phản ứng nhanh cho những pha check kick hoặc cho những cú push kick.

Tuy nhiên trong khi Muay Thái hay các môn võ khác thường chỉ cho phép ra đòn từ nhiều nhất là 8 bộ phận: hai bàn tay, hai bàn chân, hai cùi chỏ và hai đầu gối; thì các võ sĩ Lethwei sẽ được quyền tấn công bằng bộ phận thứ 9 - đầu. Trong luật Lethwei, headbutt (húc đầu) là hoàn toàn hợp lệ. Những võ sĩ Lethwei thường kết hợp những cú húc đầu với những combo đòn đấm ngay khi họ có thể nhập nội và tiếp cận với đối thủ. 

Kỹ thuật ôm ghì (clinch) đều rất hiệu quả và nhìn chung chiếm vai trò rất quan trọng trong cả Muay Thái lẫn Lethwei. Trong tư thế clinch, các võ sĩ đều có thể ăn điểm khi tung chỏ, gối, và húc đầu, nếu theo luật Lethwei. Clinch cũng là tiền đề cho những pha quật ngã và làm rối loạn nhịp độ - bước di chuyển của đối thủ. Tuy nhiên có vẻ các trọng tài Lethwei ít kiên nhẫn với các võ sĩ hơn - hai võ sĩ sẽ nhanh chóng bị tách ra nếu họ vào thế clinch mà không tổ chức các đòn tấn công hiệu quả. 

Kèm theo đó, bởi những lý do văn hóa và kỹ thuật, các võ sĩ Lethwei vẫn chú trọng khát vọng chiến thắng bằng mọi giá. Nếu ở Muay Thái, người ta chỉ thực sự vào nhịp trong hiệp 2, hiệp 3, các võ sĩ Lethwei sẽ tìm mọi cách triệt hạ đối phương ngay trong giây đầu tiên của trận đấu. Lý giải cho điều này, nhà vô địch Lethwei Dave Leduc từng nhận định:

"Khi đấu với tay trần và được phép húc đầu, càng đấu lâu, anh sẽ càng dễ dính những vết cắt và có nguy cơ bị thương nặng hơn. Thành ra ưu tiên của Lethwei là làm sao tung ra những đòn có sát thương lớn nhất trong khi giữ cho mình ít bị tổn thương nhất, chứ chúng tôi không có thời gian quan tâm đến việc đấu cho đẹp mắt như Muay Thái!"

Luật thi đấu

Hệ thống tính điểm của Muay Thái ưu tiên những đòn đá và gối hơn là đòn tay, do đó những cú đá là món "đặc sản" chẳng mấy khi thiếu vắng trên sàn Muay. So sánh với Muay, đòn đấm và những combo đấm liên hoàn xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trong các trận Lethwei.

Tương tự với Muay Thái hiện đại, một trận đấu Lethwei có 5 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Nếu một võ sĩ Lethwei bị đánh gục ba lần trong một hiệp hoặc bốn lần trong cả trận thì sẽ bị xử thua. Tuy nhiên nếu có một điều đặc biệt khiến Lethwei trở nên đáng sợ hơn Muay Thái hay bất cứ môn thể thao đối kháng nào khác, thì đó là một khoảng thời gian nghỉ vô cùng đặc biệt, được gọi là "injury time out" - nghỉ hồi sức chấn thương. 

Nếu một võ sĩ bị hạ knockout, đội của anh ta có quyền xin một khoảng thời gian 2 phút để anh ta để anh ta có thể hồi phục lại và tiếp tục chiến đấu. Tức là kể cả khi một võ sĩ bị đánh tới mức bất tỉnh, nếu anh ta có thể tỉnh lại và muốn đấu tiếp trong vòng 2 phút, trận đấu đó sẽ tiếp tục diễn ra như bình thường. Luật "nghỉ hồi sức chấn thương" này chỉ vô hiệu ở hiệp cuối.

Ngoài ra, trọng tài Lethwei cũng sẽ được quyền chấm dứt trận đấu nếu hai võ sĩ không tích cực tấn công.

Thành Dương
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội