Từ Hiểu Đông: Võ Cổ truyền lại bại - có ứng nghiệm lời Lý Tiểu Long 50 năm trước?
Gần đây, Từ Hiểu Đông cùng đại sư của môn Lý Hợp Thối, Điền Dã, lại cống hiến cho khán giả một trận đánh dở khóc dở mếu. Kết quả cuối cùng, không ngoài dự đoán, đại sư Điền Dã cũng chẳng khá khẩm hơn các đối thủ trước. Quyền cước chẳng thấy đâu, chỉ thấy "đại sư" 52 tuổi bị Từ Hiểu Đông chỏ rách mặt, chịu trận trước những cú đá phang giò rồi hạ KO bằng gối bay sau vài phút thi đấu.
"Có quá nhiều võ sư "dỏm" đang dựng đứng màn ảo tưởng giả tạo của mọi người về võ thuật, nhất là võ thuật cổ truyền phương Đông," Từ Hiểu Đông nhận xét.
Nhưng câu hỏi về "đẳng cấp thật" của võ thuật truyền thống Trung Quốc từng xuất hiện sớm hơn thời đại của Từ Hiểu Đông rất nhiều. Những nghi vấn ấy xuất phát từ một cái tên khác cũng rất nổi danh - huyền thoại điện ảnh võ thuật Lý Tiểu Long.
Lý Tiểu Long đã từng coi việc được đại diện cho võ cổ truyền phương Đông - hay Kungfu theo lối diễn đạt của huyền thoại họ Lý thời ấy - ra mắt khán giả Âu Mỹ trên màn ảnh là một chuyện mà ông rất lấy làm vinh dự. Cách đây 54 năm, vào năm 1965, Lý Tiểu Long từng phát biểu tại Hollywood, ca ngợi Kungfu Trung Quốc là tổ tiên của Karate, của Judo, đồng thời lại càng hoàn chỉnh, càng linh hoạt so với những môn võ ấy. Theo ông, Kungfu có "cương nhu cùng tồn tại", "uy lực vô cùng".
Nhưng 4 năm về sau, vào năm 1969, rất ngạc nhiên là chính Lý Tiểu Long lại triệt để đảo ngược quan điểm của mình, nói rằng võ thuật truyền thống Trung Quốc khiến ông cảm thấy phi thường thất vọng.
Trong một phong thư viết cho Trương Trác Khánh (William Cheung), Lý Tiểu Long đã viết:
"William, tôi đã mất đi lòng tin đối với võ thuật Trung Quốc truyền thống. Mặc dù tôi còn phải nói quyền pháp của tôi là thuộc về Trung Quốc, nhưng điều đó cũng chẳng che giấu được gì, bởi có lẽ thật ra tất cả các loại quyền pháp đều chỉ là dạng "thùng rỗng kêu to", thậm chí bao gồm Vịnh Xuân Quyền. Hiện tại nội dung tập luyện của tôi thiên về việc làm thế nào để ứng dụng võ thuật hiệu quả hơn trong một trận đánh nhau thực tiễn. "
"Tôi thường võ trang đầy đủ, đội nón an toàn, đeo găng tay, giáp, mặc cả bảo hộ đầu gối. Trong 5 năm qua, tôi một mực tự rèn luyện hết sức vất vả, chỉ vì một mục đích: Võ thuật không chỉ cực hạn trên võ trường, mà còn phải thực dụng. Hiện tại mỗi ngày tôi đều chạy bộ, đôi khi chạy cỡ 6 dặm Anh (9,6 km)."
Trong một lá thư khác vào ngày 18/4/1966 gửi cho người đệ tử Nhật Bản Taky Kimura, Lý Tiểu Long cũng viết thư khuyên bảo: "Võ thuật mà phải vào khuôn, vào mẫu thì chỉ khiến người ta thất vọng". Chúng sẽ chỉ lừa dối các võ sinh đi xa khỏi võ thuật thực sự.
Đây là bởi Lý Tiểu Long cho rằng một khi võ thuật đã cố hóa vào thành những bài quyền, vào những khuôn sáo định sẵn, nó sẽ hạn chế sự linh hoạt của võ sinh.
Lý Tiểu Long dùng luôn thực chiến đến nêu ví dụ: khi có hai người quyết đấu, những cái gọi là "gặp chiêu phá chiêu" của võ cổ truyền không thể 100% dùng được, có lúc linh, lúc mất linh. Người là vật sống, sẽ có tiết tấu biến hóa khác biệt, tốc độ phản ứng cũng khác biệt, mà chúng lại nhất định phải được cân nhắc bên trong một trận đấu thực sự.
Vào năm 1971, Lý Tiểu Long có theo dõi một giải thi đấu võ cổ truyền tại Hồng Kông, gọi là "Truyện Vũ đại tái".
Huyền thoại họ Lý bình luận trong một cuộc trò chuyện ghi âm với học trò Lý Khải rằng ông cảm thấy các vị "đại sư" võ cổ truyền lúc ấy cứ như... mấy con muỗi gầy đánh nhau. Đồng thời Lý Tiểu Long cũng công kích rằng các "đại sư" nọ chỉ có thể lực để đánh nhau trong một hiệp là cùng; sau đấy, thì phải ngã, phải quay lưng bỏ chạy. Trình độ thế khéo còn thua lưu manh đánh nhau ngoài đường!
Từ sùng bái, đến phê bình, cuối cùng đến công kích chế giễu võ cổ truyền, trong khi chính bản thân cũng xuất thân từ Kungfu Trung Quốc, Lý Tiểu Long đã cho thấy một sự thay đổi triệt để về nhận thức. Có thực tiễn mới có thể ra chân lý, người học võ muốn đi vào thực tiễn thì phải đánh thực chiến. Chỉ có thực tiễn mới có thể kiểm nghiệm mình đã học được những gì, mới có thể không ngừng uốn nắn, hoàn thiện bản thân.