Có nên đưa MMA vào Olympic?
Trong khi các bộ môn đối kháng cổ truyền như vật, Taekwondo, thậm chí là Judo "ngắc ngoải" với lượng người xem ngày một sụt giảm, MMA (Võ tổng hợp - Mixed Martial Art) lại đang nổi lên như vũ bão, được đón nhận và tập luyện rộng rãi trên toàn thế giới. Nhờ đó, khả năng điền tên bộ môn này vào các nội dung đối kháng của Olympic cũng trở nên có cơ sở hơn bao giờ hết.
Vì sao lại là MMA?
Xét về lịch sử, môn Pankration, nguồn gốc của võ tổng hợp hiện đại, thực ra đã có mặt trong các thế vận hội Olympic khoảng 7 thế kỷ trước Công Nguyên. Thời đó, Pankration bao gồm các kỹ năng của vật Hy Lạp, các đòn đấm tương tự như boxing, và chỉ có 2 luật: không được đánh vào vùng mắt và không cắn nhau.
Ngoài việc được tung hô vì thể hiện “bản lĩnh đàn ông” trên đấu trường, các pankratiasts còn là những đấu sĩ ưu tú bậc nhất nhờ những kỹ năng chiến đấu tay không.
Còn hiện tại, MMA được coi là hậu duệ của môn Prankation và cũng đang là môn võ thuật có xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất.
Chính yếu tố đa dạng trong kỹ thuật tấn công và phòng thủ đã mang đến sức hấp dẫn cho MMA. Các giải võ tổng hợp như UFC, Bellator (Mỹ), BAMMA (Anh), Super Fight League (Ấn Độ),... sở hữu số lượng người theo dõi tăng dần qua các năm theo cấp số nhân, nhất là tại các thị trường mới như Châu Á, Trung Đông, Australia,… Con số 4,9 triệu lượt trả tiền bản quyền truyền hình cho sự kiện UFC 196 phần nào thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ của Võ tổng hợp trên toàn thế giới.
Cùng lúc đó, từ khóa “Olympic” lại đang nhạt nhòa dần trên các phương tiện truyền thông. Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa MMA vào nội dung thi đấu sẽ giúp hồi sinh sự quan tâm của khán giả đối với Olympic mùa hè.
Một bước tiến khác trong việc xét duyệt MMA là sự ra đời của Liên đoàn Võ tổng hợp Quốc tế (IMMAF). Mục tiêu của IMMAF là thống nhất các tiêu chuẩn về luật thi đấu, hạng cân, dụng cụ phòng hộ, xét nghiệm doping,… để MMA được công nhận như một bộ môn thể thao chính thống.
"MMA là một môn thể thao đích thực với những vận động viên tuyệt vời." - August Wallen, cựu Chủ tịch IMMAF cho biết.
Không phải ngoa khi nói các võ sĩ sẽ tìm thấy đỉnh cao của võ thuật trong MMA. MMA chuyên nghiệp quy tụ nhiều cái tên xuất sắc đã từng đoạt huy chương Olympic, như Henry Cejudo (HCV vật 2008), Ronda Rousey (HCĐ judo 2008), Daniel Cormier (HCĐ vật 2007),... Những võ sĩ MMA chắc chắn nằm trong số những vận động viên giỏi nhất, luyện tập khắc khổ nhất trong mọi môn thể thao, và thật đáng tiếc khi Olympic không công nhận những nỗ lực và tinh thần thể thao của những họ.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều phải làm để đưa MMA đến với Olympic
Trở ngại lớn nhất của việc đưa Võ tổng hợp vào trong hệ thống Olympic là việc MMA có vẻ quá nguy hiểm cho các võ sĩ nghiệp dư. Quả thật, MMA là môn thể thao đối kháng bạo lực, thế nhưng, bất kì môn thể thao nào cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương, từ đua xe đạp đến bóng bầu dục. Trên thực tế, nguy cơ chấn thương và số ca tai nạn thể thao của MMA chuyên nghiệp còn không cao bằng quyền Anh, môn thể thao đã có mặt tại Olympic từ năm 1904.
Dù vậy, những biện pháp bảo đảm an toàn cho các vận động viên vẫn là điều cần thiết. Có nhiều ý kiến được đưa ra, ví dụ như cấm thêm nhiều đòn có tính sát thương cao; sử dụng mũ bảo hiểm; đeo loại găng dày, nặng hơn; hạn chế số hiệp đấu;... tương tự như sự sửa đổi từ luật boxing thời gian đầu.
“Để MMA được nằm trong chương trình Olympic, chúng tôi cần ít nhất 50 quốc gia đồng ý tham gia.” Marc Ratner, phó chủ tịch của giải MMA lớn nhất hành tinh UFC nói - “Quá trình đó không diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng tôi tin MMA sẽ được đưa vào Olympic trong một tương lai rất gần.”
Vậy thì, phải chăng đã đến thời điểm các võ sĩ MMA nghiệp dư có thể chứng minh kỹ thuật thi đấu đối kháng của bản thân trên võ đài Olympic?