Khabib Nurmagomedov: Võ Tòng xứ Dagestan

thứ năm 4-1-2018 7:26:47 +07:00 0 bình luận
Nếu McGregor có cú đấm trái thần sầu, Ferguson có phong cách cực dị, thì Khabib hoàn toàn áp chế đối thủ dưới sàn rồi giã nát họ bằng những cú đấm giã gạo

Sau UFC 219, năng lực của Khabib Nurmagomedov là điều hầu như không còn ai tranh cãi. Vẫn giữ thành tích bất bại 25-0, nếu như Conor McGregor có cú đấm trái thần sầu, Tony Ferguson có phong cách đánh cực dị, thì Khabib hoàn toàn áp chế đối thủ dưới sàn trước khi giã nát họ bằng những cú đấm giã gạo.

Tự tin, nhưng không tự phụ, Khabib là kiểu võ sĩ rất truyền thống giống như cha anh, ông Abdulmanap Nurmagomedov - “Cha đẻ” của MMA Dagestan, người đã huấn luyện ra 4 võ sĩ UFC và hơn 20 nhà vô địch Sambo từ gian nhà tồi tàn rộng chưa đầy 35 mét vuông trên dãy Kavkaz.

“Khi Khabib ghim được, giữ được ai đó trên sàn đấu, người ta thường tỏ ra rất kinh ngạc,” Bình luận viên UFC Joe Rogan khẳng định sau khi vào sới vật với Khabib Nurmagomedov. “Chẳng ai ngờ cậu ta lại khỏe đến thế!”

Võ Tòng đả hổ, Khabib vật gấu

Quê hương của Khabib Nurmagomedov - nước Cộng hòa tự trị Dagestan - nằm trên dãy Kavkaz gần biển Caspian, là vùng đất của những cuộc chiến chưa bao giờ dứt.

(Ảnh 1 (giữa): Khabib sinh ra tại ngôi làng Sil’di trên dãy Kavkaz)

Cộng đồng người đạo Hồi tại đây đã có vô số cuộc kháng chiến trước những kẻ xâm lược khét tiếng như quân Mông Cổ hay Đại đế Pyotr - Kẻ chinh phục của nước Nga. Kể cả đến ngày nay, Dagestan vẫn một đất nước với tình hình xã hội hết sức bất ổn, nơi mà người ta có thể bắt gặp những vụ bạo lực, ẩu đả, thậm chí là xả súng ngay trên đường phố.

Sống trong hoàn cảnh ấy, việc chàng “Võ Tòng xứ Dagestan” Khabib Nurmagomedov chập chững đi những bước đi đầu tiên trên sàn vật, đánh lộn với những ông anh lớn trong phòng tập và thậm chí quần nhau với gấu ngay từ lúc 7 tuổi là điều không mấy khó hiểu.

(Ảnh 2 (bên trái): Khabib tập vật với gấu nâu dưới sự chỉ đạo của cha)

“Tuy hầu hết những đứa trẻ tại đây không có bố mẹ sở hữu thành tích cao trong việc chơi thể thao, việc trẻ em học võ từ rất sớm như Khabib không phải là điều gì lạ lẫm trong cộng đồng người Dagestan,” Karim Zidan, một trong số rất ít các phóng viên võ thuật có nguồn thông tin tại vùng nóng Dagestan - Chechnya kể lại trong phóng sự của anh vào năm 2013.

“Hầu hết những đứa trẻ đều biết choảng nhau trên phố từ khi còn bé tí. Và khi chúng lớn hơn một chút, tầm 8 đến 10 tuổi, không ít trong số chúng sẽ thử sức mình trên sàn vật.”

(Ảnh 3 (giữa): Ông Abdulmanap Nurmagomedov không chỉ là cha mà còn là huấn luyện viên của Khabib)

Cha của Khabib, Abdulmanap Nurmagomedov, cũng như hầu hết những người cha, những bà mẹ từng trải qua cuộc chiến ly khai tại Chechnya và Dagestan vào những năm 90, tin rằng học cách đánh nhau từ lúc 5 tuổi chẳng phải là điều gì tai hại cho các con của họ.

“Tôi tin rằng tất cả mọi người nên sẵn sàng cho chiến tranh, ngay cả ở những thời điểm hòa bình nhất,” Ông Abdulmanap trả lời phỏng vấn vào năm 2015.

“Chiến tranh là chủ đề chẳng bao giờ kết thúc trên dãy Kavkaz, mọi người cũng biết rồi đấy.”

(Ảnh 4 (bên trái): Thiếu chỗ tập, các thanh niên mang găng và pad ra tập luôn ngoài đường)

Xã hội bất ổn không khiến nền thể thao của Dagestan bị lãng quên phía sau khói thuốc súng. Bản thân ông Abdulmanap Nurmagomedov từng huấn luyện rất nhiều quái kiệt trên sàn Sambo, với không ít gương mặt đã tiếp bước ông trở thành những nhà vô địch thế giới. Nhưng võ sinh tài năng nhất dưới tay Abdulmanap vẫn là người con trai thứ hai của ông - Khabib.

“Dagestan là một đất nước miền núi. Ở đây, các võ sĩ của chúng tôi dành hàng tháng trời tập luyện trong điều kiện thiếu Oxy của vùng cao. Điều đó tạo ra các võ sĩ mạnh mẽ hơn, khiến chúng tôi luôn ở trạng thái tốt nhất trước mỗi kỳ thi đấu,” Người cha của Khabib nhận định.

“Một đứa trẻ cần rất nhiều nhân tố để trở thành một võ sĩ giỏi giang. Cần sự chuyên chú, cần được giáo dục tốt, cần có sự ham thích tìm hiểu các khía cạnh của võ thuật. Và quan trọng nhất, phải có ý chí kiên định.”

(Ảnh 5 (nằm giữa, Full màn hình): Khabib tập thể lực bằng chạy bộ trên đường núi cùng các đồng đội)

“Người khác có trăm ngàn chiến thuật, tôi chỉ cần một!”

Khabib là một người con Dagestan thuần túy. Có thể thấy điều đó từ kỹ thuật vật đậm chất cổ truyền cho đến chiếc mũ Papakha của dân tộc Avar mà Khabib vẫn mang lên sàn đấu mỗi dịp chiến thắng.

Tuy nhiên hành trình đến với những trận MMA trên đất Mỹ xa xôi đã buộc anh phải có một gia đình mới, bên ngoài thủ đô Makhachkala của Dagestan.

(Ảnh 6 (giữa): Khabib (đứng giữa) cùng hai đồng đội của anh tại Mỹ, Daniel Cormier và Cain Velasquez)

“Năm 2012, tôi ký hợp đồng với UFC và bắt đầu thi đấu tại Mỹ. Kể từ đó đến nay cha tôi vẫn chưa bao giờ được đứng cạnh lồng đấu để chỉ dẫn cho tôi,” Khabib cho biết. “Đã 8 trận tôi đấu mà không có sự hướng dẫn từ huấn luyện viên chính của mình.”

Thiếu vắng sự đồng hành của người cha Abdulmanap trong những giờ phút thượng đài căng thẳng nhất, cộng thêm vấn đề bất đồng ngôn ngữ, các huấn luyện viên tại American Kickboxing Academy quyết định không xây dựng những chiến thuật quá phức tạp cho Khabib. Như vậy, anh hoàn toàn có thể tự xoay xở mà không phụ thuộc quá nhiều vào sự nhắc nhở từ bên ngoài lồng đấu.

Thế là “Võ Tòng xứ Dagestan” chỉ có đúng một bộ chiến thuật: kéo đối thủ xuống sàn, rồi giã đòn đến bao giờ người ta chịu thua thì thôi.

(Ảnh 7 (giữa): Vị trí ưa thích của Khabib là giã đòn từ bên trên)

Chiến thuật đơn điệu như trường hợp của Khabib không phải là điều phổ biến trong giới chơi võ MMA. Là một phần khá quan trọng trong “võ tổng hợp”, kỹ thuật vật dù luôn được điểm danh trong bảng kỹ năng của các võ sĩ, nhưng hầu như chẳng có ai chỉ tập trung vào vật và khóa siết mà ngó lơ những thành phần quan trọng khác như đấm, đá.

Khabib khác họ. Anh có những cách riêng để thực hiện mục tiêu của mình. Dùng những pha gạt chân, ôm khóa, bốc đơn, bốc đôi, Khabib buộc đối thủ của anh phải ngã xuống sàn, sau đó ghim trận đấu dưới mặt đất bằng những kỹ thuật kiểm soát xuất sắc nhất lịch sử MMA.

“Người khác có trăm ngàn chiến thuật, tôi chỉ có một. Tôi chỉ biết chiến thắng dựa vào việc giã đòn lên đối thủ,” Nurmagomedov nói trên chương trình UFC Countdown của UFC 219.

“Tôi sẽ luôn tìm cách ép sân và kéo ngã họ, sau đó buộc người ta phải chịu thua. Đó là phong cách của tôi, và tôi sẽ thi đấu theo phong cách ấy cả đời.”

(Ảnh 8 (giữa): Khabib (quần xanh) nhấc bổng Abel Trujillo lên trước khi quăng ngã đối thủ xuống sàn tại UFC 160)

Những pha quật ngã đối thủ của Khabib Nurmagomedov không đơn thuần chỉ để kiếm điểm, để tìm cơ hội kết liễu bằng khóa siết hay để đẩy đối thủ trở thành nạn nhân của những cú đấm giã gạo Ground and Pound. Đó còn là cái cách rất riêng của Khabib để khiến các đối thủ của anh mất sạch ý chí chiến đấu.

“Kiểu chiến thuật của Khabib có lẽ là kiểu chiến thuật khiến người ta nản lòng nhất,” Jack Slack - một trong những cây viết phân tích kỹ thuật MMA sắc sảo nhất thế giới - viết trong một bài phân tích của ông về Khabib Nurmagomedov.

“Khabib hết sức xuất sắc trong những pha ôm khóa. Cậu ta luôn tìm cách kéo được đối thủ xuống sàn, sau đó dành cả hiệp chơi địa chiến. Mỗi hiệp luôn được bắt đầu bằng đánh đứng, rồi Khabib lao đến, ôm, quật, và kết thúc hiệp đó dưới sàn. Vòng tròn cứ lặp lại như vậy, hết hiệp này sang hiệp khác.”

“Chiến thuật này đặc biệt khiến các đối thủ của Khabib mất tinh thần, bởi họ biết một khi bị cậu ta ôm khóa thì đến hết hiệp họ chỉ có nước nằm giãy trên sàn mà thôi.”

(Ảnh 9 (giữa): Edson Barboza không thể thoát khỏi vận mệnh bị ép xuống sàn trong suốt 3 hiệp)

Điều này mô tả chính xác những gì đã diễn ra tại UFC 219 sáng 31/12 vừa qua.

Chiến thuật tấn công của Edson Barboza trong suốt trận đấu không thể nói là sai lầm. Thế nhưng khi thấy Khabib ăn 5-6 pha đá mạng sườn, chịu 3 cú đá vòng cầu và nuốt 2 phát lên gối mà vẫn ghim mình xuống sàn như không, áp lực đè lên Barboza là cực kỳ khủng khiếp.

Để đến nỗi sang hiệp 3, Barboza thậm chí còn quyết định thử một pha takedown trong vô vọng, mặc dù anh biết thừa mình chẳng làm gì được Khabib khi phải chơi địa chiến.

(Ảnh 10 (nằm giữa, Full màn hình): Barboza đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể thoát khỏi đôi chân kẹp chặt như hai gọng kìm của Khabib)

Kết quả, Khabib Nurmagomedov chiến thắng với điểm số 30-25, 30-25, 30-24, biến trận đấu giữa anh với “vị thần của những cú đá” Edson Barboza thành một trong những trận đấu tính điểm có kết quả cách biệt nhất lịch sử MMA mọi thời đại.

Phải khỏe mạnh để còn tranh đai!

Lơ là kỹ thuật đánh đứng không có nghĩa là Khabib Nurmagomedov hoàn toàn yếu thế trong những pha trao đổi đòn.

Khabib thường xuyên lao thẳng vào đối thủ để tung đấm móc, để hở sườn và hở mặt khá nhiều. Tuy nhiên, cậy vào tốc độ và sự lỳ đòn của mình, anh vẫn có thể chơi đôi công với đối thủ trước khi kéo người ta xuống sàn và đấm giã gạo Ground and Pound.

(Ảnh 11 (giữa): Khabib không sợ đánh đứng. Anh vẫn sở hữu tốc độ và sự lỳ đòn)

Trong số những đối thủ của “Võ Tòng xứ Dagestan” tại UFC, Michael Johnson là một trong số ít võ sĩ từng khiến Khabib nao núng khi phải đôi công ở những hiệp đầu. Những cú đấm tương tự bởi Conor McGregor - người sở hữu cú đấm trái thần sầu - có thể sẽ có cơ hội hạ knockout Khabib.

Tuy nhiên, biết được nhược điểm của Khabib là một chuyện, có dùng được nhược điểm đó hay không là một chuyện khác.

(Ảnh 12 (bên trái): Khabib nói với Johnson: “Tôi cần được tranh đai. Anh biết điều đó. Tôi mới là người xứng đáng.”)

Ngay trong trận đấu với Michael Johnson, Khabib vừa đè nghiến đối thủ xuống sàn, vừa tỉ tê khuyên Johnson... đầu hàng cho sớm.

Giữa trận đấu với Edson Barboza, Khabib thậm chí còn thoải mái bỏ qua thời gian hội đàm với huấn luyện viên. Thay vì thế, anh quay sang “buôn dưa lê” với Chủ tịch UFC Dana White - lúc đó vẫn đứng ngoài lồng sắt - phàn nàn việc ngài Chủ tịch gửi cho anh lắm hợp đồng rác quá.

(Ảnh 13 (giữa): Chấn thương và cắt cân là hai nỗi lo lớn nhất của những khán giả hâm mộ Khabib)

Bất bại trên sàn đấu, kẻ thù lớn nhất mà Khabib Nurmagomedov đang phải đối mặt là chính bản thân anh. Kể từ năm 2013, Khabib chỉ mới thượng đài 4 lần và đã 4 lần tự rút lui khỏi trận đấu.

Lý do thì nhiều, bao gồm 2 chấn thương đầu gối liên tiếp, một vụ gãy xương sườn và một lần cắt cân thất bại dẫn đến sỏi thận. Khabib có một chút tiếc nuối, nhưng anh ngờ rằng nếu thời gian có quay trở lại thì mọi chuyện có lẽ vẫn không thay đổi.

(Ảnh 14 (giữa): Khabib thừa nhận tập luyện quá gắt là nguyên nhân anh dính nhiều chấn thương)

“Tôi luôn đẩy mình vượt qua giới hạn trong khi luyện tập. Tôi tập rất nặng. Đó là lý do tôi dính nhiều chấn thương,” Khabib nói sau khi anh đánh bại Edson Barboza.

“Tôi chỉ bắt đầu tập luyện có khoa học hơn trong vài năm gần đây, khi tôi biết rằng tôi cần quan tâm đến sức khỏe hơn. Bản thân tôi cũng rất mệt mỏi với chấn thương và phẫu thuật lặp đi lặp lại. Giữ mình khỏe mạnh và đấu 3 đến 4 trận trong năm tới là mục tiêu của tôi.”

(Ảnh 15 (giữa): Sau năm 2018, ai sẽ là nhà vô địch hạng Lightweight: McGregor, Ferguson hay Khabib?)

Với chiến thắng cực kỳ thuyết phục tạị UFC 219, quả thật Khabib Nurmagomedov đã trở thành một thế lực ngang hàng với Tony Ferguson hay Conor McGregor trong cuộc chiến tranh đai. Nhưng liệu anh có được thỏa nguyện sở hữu chiếc đai Lightweight trong năm 2018?

E rằng, đó vẫn là một câu hỏi mà chỉ tương lai mới có câu trả lời.

(Ảnh 16 (giữa): Khabib Nurmagomedov tin tưởng chắc chắn rằng anh sẽ là nhà vô địch trong năm 2018)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội