Muay Thái và Kickboxing khác nhau ở những điểm nào?
Mặc dù vẫn có không ít điểm tương tự, Muay Thái và Kickboxing có những đòn thế, luật lệ thi đấu riêng, với sự ra đời và lịch sử phát triển hoàn toàn riêng rẽ.
Về sự ra đời và phát triển
Muay Thái ra đời rất lâu từ năm 1500 với tên gọi Muay Boran. Thời điểm đó, Muay là môn võ truyền thống của Thái Lan, được các triều đại Hoàng gia Thái Lan xem là môn giải trí ưa thích.
Muay Thái đã có từ rất lâu đời.
Mặc dù được phát triển rộng khắp thế giới, được rất nhiều quốc gia đón nhận, nhưng Muay Thái vẫn phát triển mạnh mẽ nhất vẫn ở quốc gia mà nó ra đời - Thái Lan. Môn võ này cũng được các quốc gia phương Tây đón nhận nhưng bởi những giá trị văn hóa cổ truyền, đất sống của Muay Thái tại các quốc gia phương Tây rất hạn chế.
Kickboxing ra đời sau Muay Thái rất lâu, và được rất nhiều võ sĩ đón nhận như một thể thức thi đấu hiện đại chứ hoàn toàn không hề có bề dày lịch sử của Muay Thái.
Là môn võ có sự pha trộn giữa boxing của phương Tây; Karate của Nhật Bản; Muay Thái của Thái Lan, Kickboxing được phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Kickboxing được các võ sĩ phương Tây ưa chuộng.
Về các đòn thế
Muay Thái rất đa dạng về đòn thế. Ngoài sự kết hợp của các đòn tay của boxing, đòn đá giống Kickboxing còn có đòn đặc trưng của Muay Thái là đòn gối và đòn chỏ. Đặc biệt là đòn chỏ - đòn chỏ trong Muay Thái là một đòn nguy hiểm và mang tính sát thương cao, cũng là đòn "lấy máu" võ sĩ nhiều nhất.
Đòn chỏ là đòn đặc trưng và nguy hiểm nhất của Muay Thái.
Bên cạnh đó, Muay Thái còn sử dụng kỹ thuật ôm ghì (Clinch); kỹ thuật bắt chân vật ngã.
Kỹ thuật Clinch cũng là kỹ thuật đặc trưng riêng của Muay Thái.
Các đòn thế của Kickboxing cũng rất đa dạng, nhưng vẫn có sự khác biệt với Muay Thái.
Hầu hết, các đòn đấm tay, đòn đá, đòn bắt chân và thậm chí đòn gối của Muay cũng được sử dụng trong Kickboxing. Chỉ khác là đòn gối thì các võ sĩ Kickboxing sử dụng gối rời, không được ôm ghì lên gối như khi thực hiện đòn gối trong Muay Thái.
Tại các giải đấu Kickboxing amateur (bán chuyên - nghiệp dư), đòn gối rời sẽ không được sử dụng. Chỉ những giải đấu Kickboxing chuyên nghiệp đòn gối rời mới được cho phép sử dụng như trong các giải: Bellator Kickboxing (Mỹ), Kunlun Fight (Trung Quốc), Rizin (Nhật Bản)...
Đòn gối rời trong Kickboxing.
Quan trọng nhất, đòn chỏ là đòn đặc trưng của Muay Thái không hề được sử dụng trong Kickboxing. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản nhất của hai môn võ này.
Còn một điểm khác biệt nữa, kỹ thuật bắt chân đá ngã trong Muay Thái được sử dụng rất phổ biến và được tính điểm rất cao. Ngược lại, Kickboxing chuyên nghiệp cho phép dùng đòn bắt chân đá ngã, nhưng đòn này lại không được đánh giá cao, thậm chí còn không được tính điểm.
Đòn bắt chân đá ngã được tính điểm khác nhau giữa Muay Thái và Kickboxing.
Về văn hóa thi đấu
Ngoài những điểm khác biệt trên thì giữa hai môn võ Muay Thái và Kickboxing còn khác nhau về văn hóa thi đấu.
Trong các trận đấu Muay Thái, các võ sĩ khi thượng đài hầu hết họ đều thực hiện nghi thức se đài (Wai Kru) để thể hiện sự kính trọng, tôn vinh đối với môn võ này.
Còn trong thi đấu Kickboxing không hề có nghi lễ Wai Kru. Các võ sĩ thường khởi động kỹ và bước lên sàn đài thi đấu ngay sau khi trọng tài phổ biến luật thi đấu.
Wai Kru là một nghi lễ mang tính truyền thống đặc trưng của Muay Thái.