Những điều thú vị về Muay Boran - "Ông tổ" của Muay Thái hiện đại
Muay Boran - thứ Quyền cổ của người Thái - là ông tổ của Muay Thái hiện đại, với lịch sử có thể ngược dòng về ba thế kỷ trước mang đến những điều thú vị.
Không ít các bạn trẻ yêu Muay Thái đã được xem những màn biểu diễn Muay Boran của Buakaw, của Nguyễn Trần Duy Nhất, của Nguyễn Tăng Quyền, của nữ hoàng Muay Thanh Trúc,... Đó đều là những màn biểu diễn rất đẹp, rất ấn tượng.
Nhưng đã có ai từng đặt câu hỏi: vì sao lại là “biểu diễn” Muay Boran mà không phải là “thi đấu” Muay Boran? Muay Boran là gì, và Muay Boran khác Muay Thái như thế nào?
Muay - môn võ thuật cổ truyền của Thái Lan - xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16, được coi như một môn võ thuật bắt buộc dành cho binh lính dưới triều đại Vua Naresuan.
Trận đấu Muay chính thức (Tharshanning) đầu tiên là trận đấu giữa Nai Khanomtom, một binh sĩ Xiêm La, giao đấu với mười võ sĩ hàng đầu Miến Điện vào năm 1774. Nai Khanomtom đã đánh thắng mười trận liên tiếp không nghỉ ngơi trước tất cả các đối thủ người Miến.
Thứ Muay cổ ấy được gọi là Muay Boran, là nguồn gốc của Muay Thái hiện đại.
Muay Boran có không ít điểm khác biệt với Muay Thái. Thay vì dùng găng, các võ sĩ Muay Boran sẽ dùng dây thừng bằng vải gai (Kaad Chuek) để quấn tay.
Nếu Muay Thái được gọi là môn võ thuật của 8 chi bao gồm hai chân, hai gối, hai chỏ và hai nắm đấm, thì Muay Boran là môn võ thuật của 9 chi. Thời ấy, người ta chưa có luật cấm dùng đầu để húc như Quyền Anh, nên ngoại trừ 8 chi, đầu được tính là món vũ khí thứ 9.
Video Nai Khanomtom và Muay Boran được tái hiện trên màn ảnh:
Nhiều võ sinh cho rằng Muay Boran có nhiều đòn gối bay, chỏ bay hơn Muay Thái. Thế tấn của Muay Boran cũng được cho là thấp hơn Muay Thái hiện đại.
Xuất sắc, có lịch sử lâu đời là vậy, vì sao Muay Boran không còn là một môn võ đấu đài nữa mà chỉ được sử dụng để biểu diễn?
Việc vua Chulalongkorn trao tặng danh hiệu “Muen” cho ba vị võ sư đến từ Lopburi (miền Trung Thái Lan), Khorat (miền Đông) và Chaiya (miền Nam) vào năm 1909 được coi là mốc khởi đầu tách Muay Thái khỏi Muay Boran, bởi từ sau đó Muay mới được chính thống hóa và trở thành một môn thể thao đấu đài.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, chỉ còn nhánh Muay Chaiya là giữ được truyền thống và tồn tại đến ngày nay. Những nhánh Muay còn lại đã nhạt nhòa cùng với lịch sử.
Trong khi Muay Thái dần được tiêu chuẩn hóa theo lối Quyền Anh, Muay Boran vẫn được dùng cho thi đấu tại Thái Lan đến tận năm 1928, khi mà người ta phải chứng kiến một võ sĩ tử vong trên sàn đấu.
Vào tháng 11/1928, Phae Leangprasert - một võ sĩ trẻ người Thái đến từ Tha Sao - được tuyển ra để giao đấu với Jia - tay đấm nổi danh sàn đài Bangkok thời đó.
Thế trận tỏ ra khá cân bằng trong hai hiệp đấu đầu tiên. Sang hiệp 3, kết thúc khoảng thời gian thăm dò đối thủ, Jia bắt đầu dồn lên tấn công đối thủ trẻ. Phae Leangprasert đã phải tái xám mặt mày, nhưng rồi ông cũng tìm được cơ hội phản đòn bằng một cú đấm móc hàm (uppercut).
Cú đấm ấy ghim thẳng vào yết hầu của Jia, khiến tay đấm vô địch Bangkok ngã tựa vào dây đài. Phae Leangprasert tiếp tục tấn công cho đến khi Jia quỵ xuống đất. Đến lúc ấy, trọng tài mới vào đếm đến 10, có điều ở thời điểm này thì Jia đã tử vong.
Phae Leangprasert bị giải đến đồn cảnh sát vì tội giết người. Dù anh được thả vì đây là một tai nạn, nhưng về sau, Phae Leangprasert không bao giờ lên sàn đài nữa.
Tai nạn trong trận đấu giữa Phae Leangprasert với Jia buộc chính phủ của vua Rama VII ban hành luật cấm sử dụng dây thừng bằng vải gai (Kaad Chuek) để quấn tay, và buộc các võ sĩ phải đeo găng như Quyền Anh để đỡ nguy hiểm.
Dẫu vậy, chính lệnh này chỉ được thực hiện ở các thành phố lớn. Phải đến tận năm 1942, Muay Boran mới chính thức đi vào lịch sử.