Tầm quan trọng của việc rèn cơ cổ trong MMA - Quyền Anh
Khi nhắc đến rèn cơ bắp trong MMA - Quyền Anh, người ta thường hình dung ra rèn bắp tay, bắp chân,... mà ít người hiểu được tầm quan trọng của việc rèn cơ cổ.
Trên thực tế, cơ cổ xứng đáng nhận được sự quan tâm hơn nhiều từ người tập, không chỉ với MMA - Quyền Anh, mà cả với những môn võ đối kháng khác. Bởi vì cơ cổ đóng một vai trò khá quan trọng trong việc bảo vệ não khỏi các chấn động từ những cú đấm của đối phương.
Não là một bộ phận rất dễ tổn thương khi bị va đập, bởi nó chỉ là một tập hợp mô mềm và mạch máu bên trong hộp sọ cứng
Não là một bộ phận rất dễ tổn thương khi bị va đập, bởi nó chỉ là một tập hợp mô mềm và mạch máu bên trong hộp sọ cứng. Khi trúng một cú đấm từ đối thủ, não sẽ bị xô khỏi bị trí của nó, va vào mặt trong hộp sọ.
Khi bị va đập, các neuron sẽ bị kéo căng, dẫn đến tổn thương và đứt gãy. Quá trình này gây ra nhiều hậu quả, từ ù tai, nói lắp, mất thăng bằng, cho đến bất tỉnh và thậm chí tử vong.
Kể cả trong những chấn động không quá nghiêm trọng, người võ sĩ cũng sẽ cần một thời gian dài đến hàng tuần để các neuron hồi phục, nếu không muốn nhận hậu quả lâu dài.
Các võ sĩ, ví dụ như Floyd Mayweather trong ảnh, thường rèn cơ cổ bằng cách đội đai đeo đầu nâng tạ...
... hoặc cắn khăn nâng tạ như Anthony Joshua trong ảnh
Các nghiên cứu đã cho thấy những cú knockout dễ xảy ra hơn khi não bộ bị xoay, tức là những cú đấm móc khiến đối thủ lật mặt sẽ có nhiều khả năng ghi knockout hơn những cú uppercut với lực tác động thẳng từ dưới lên trên.
Cơ cổ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình bảo vệ não khỏi chấn động quá mạnh, bởi cơ cổ giúp truyền một phần lực đánh từ đầu xuống phần thân.
Cơ cổ khỏe sẽ giúp cố định được vùng đầu, không cho đầu bị lắc, xoay, gập, ngửa quá đột ngột sau khi lãnh đấm
Không chỉ vậy, các cơ cổ, trong đó đặc biệt là cơ ức đòn chũm (sternocleidomastoid muscle) thể hiện chức năng rất nổi bật của chúng: cố định được vùng đầu, không cho đầu bị lắc, xoay, gập, ngửa quá đột ngột sau khi lãnh đấm.
Điều này tương đương với việc các võ sĩ đã rèn cơ cổ sẽ khó bị knockout, khó bị chấn động não hơn, và phần nào tỉnh táo lại nhanh hơn so với những người tập ít chú ý đến vùng cơ này.
Huyền thoại Quyền Anh Mike Tyson với 52cm chu vi vòng cổ
Huyền thoại Quyền Anh Mike Tyson dành rất nhiều thời gian cho các bài tập luyện vùng cổ. Vào thời đỉnh cao của sự nghiệp, người ta đo được kích thước cổ của ông lên đến 20,5 inch (52cm) chu vi vòng cổ.
Để so sánh, bạn có thể hình dung rằng chu vi vòng cổ của người bình thường (chuẩn Âu – Mỹ) thường chỉ khoảng 13 inch. Nhiều VĐV thể hình đạt trung bình 18 inch vòng cổ. Kể cả những tay đấm hạng nặng cùng thời với Mike Tyson, ví dụ như Evander Holyfield, cũng chỉ đạt tới con số 19,5 inch.
Bob Sapp (trái) dù có cái cần cổ quá khổ nhưng vẫn cứ đổ gục xuống sau những cú đánh rất bình thường
Dù vậy, việc rèn luyện cơ cổ không có nghĩa là võ sĩ có thể tha hồ nhận đòn vào mặt mà không bị knockout.
Bộ não có một ngưỡng chịu va đập nhất định, và mỗi bộ não khác nhau có một ngưỡng chịu đựng khác nhau. Tương tự, mỗi bộ não có một ngưỡng chịu khác nhau cho những loại tác động khác nhau. Một ví dụ ở đây là võ sĩ MMA khổng lồ Bob Sapp, một người có cái cần cổ quá khổ nhưng vẫn cứ đổ gục xuống sau những cú đánh rất bình thường.