UFC đồng ý cho Conor McGregor "xé rào" tạo ra các trận moneyfight?
Hiện có thể chắc chắn 80% rằng Conor McGregor và Nate Diaz sẽ có màn tái đấu kinh điển lần thứ 3, bất chấp những cái tên đầu BXH đang "mốc mép" chờ tranh đai.
Thế nhưng, liệu trận "McGregor - Diaz 3" nói riêng, hay những trận moneyfight nói chung có là một chọn lựa chính xác của UFC, nhất là khi khán giả đã "ngấy" xem đi xem lại việc McGregor đụng độ ông em nhà Diaz?
"Conor muốn trận đấu thứ 3 với Nate Diaz," Người quản lý Audie Attar tiết lộ trong một cuộc trò chuyện với MMAjunkie hồi cuối tháng 8.
"Sau đó, Khabib Nurmagomedov đang muốn thách đấu, sau đó nữa, Tony Ferguson hoặc Kevin Lee để thống nhất đai. Và cả Max Holloway, người đang là nhà vô địch hạng 145 pound cũng là một lựa chọn."
Như vậy, thứ tự ưu tiên của Conor McGregor là Nate Diaz 3, Khabib Nurmagomedov, và cuối cùng mới đến lượt người nắm đai Interim Lightweight (Ferguson và Lee sẽ tranh đai Interim tại UFC 216 cuối tuần này - PV).
Điều này khá tréo ngoe so với thứ tự tranh đai bình thường, khi mà nhà vô địch đáng lẽ phải đối đầu với người giữ đai Interim, sau đó mới lần lượt đến các đối thủ khác trên bảng xếp hạng.
Nhưng như vậy chẳng có gì lạ: chuyện McGregor "xé rào" khỏi những luật định MMA truyền thống và "dắt mũi" UFC trong việc chọn lựa các trận đấu đã là chuyện thường thấy trong suốt 2 năm qua.
Highlights Conor McGregor:
Conor McGregor rõ ràng là kẻ tiên phong hết sức thông minh. Anh đã biến những siêu trận đấu vì tiền, những trận "moneyfight", "superfight" lên ngôi, chứng minh cho các võ sĩ UFC rằng họ có khả năng nhận được số tiền lớn hơn nhiều so với mức thù lao bèo bọt mà UFC và Reebok trả cho họ.
Bản thân võ sĩ người Ireland cũng đang giữ kỷ lục về mức thù lao lớn nhất tại UFC thời điểm hiện tại, đồng thời là nhân vật chính thu hút người xem trả tiền bản quyền truyền hình cho các sự kiện của giải MMA lớn nhất trên thế giới.
Nhờ vị thế ngôi sao, McGregor mới là người quyết định anh sẽ đánh với ai, vào thời điểm nào, chứ không phải các ông chủ.
Sau McGregor, hàng loạt các võ sĩ khác cũng đòi hỏi superfight. Michael Bisping đã toại nguyện được đấu với Henderson và St-Pierre. Tyron Woodley, T.J. Dillashaw, Jon Jones, Jose Aldo cũng từng mong muốn có superfight dành riêng cho họ.
Mặt khác, chênh lệch tiền hợp đồng giữa một nhà vô địch và một võ sĩ bình thường cũng quá lớn. Nina Ansaroff - nữ võ sĩ UFC kiêm bạn gái của nhà vô địch Amanda Nunes cho biết một nhà vô địch có thể kiếm gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền mà một võ sĩ top 10 có được sau mỗi trận đấu.
Kết quả là các nhà vô địch không còn thoải mái bảo vệ đai như xưa. Thay vì thế, hoặc họ yêu cầu những trận superfight để kiếm được thật nhiều tiền, hoặc họ muốn chọn những đối thủ thật dễ dàng để trụ trên ngôi vô địch lâu hơn.
"Ông chủ mới của UFC, WME-IMG, nói cho cùng vẫn là một công ty chú trọng về giải trí," "Nhện" Anderson Silva, cái tên huyền thoại của MMA nhận xét.
"Xét về khía cạnh hấp dẫn khán giả, rõ ràng có vài trận đấu rất có sức hút, còn vài trận - dù rất hợp lý - lại không mấy thu hút số đông. Vì mục tiêu gặt hái lượng lợi nhuận lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, UFC đang mất đi một phần khán giả có nhu cầu thuần túy về võ thuật".
Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra khi tất cả những gì UFC còn lại chỉ là những trận superfight?
Từ bảng xếp hạng các võ sĩ, chiếc đai Interim, thậm chí đến cả chiếc đai vô địch chính thức, không ai thực sự quan tâm đến ý nghĩa của chúng nữa. Đằng nào các võ sĩ cũng thích chọn ai đánh thì đánh. Cần gì chính thống? Cần gì tổ chức?
"Bệnh" phụ thuộc quá nhiều vào các ngôi sao cũng đang thể hiện hậu quả nhãn tiền của nó.
Mất đi các ngôi sao chính, năm 2017 đánh dấu sự xuống dốc thê thảm của UFC. 6 sự kiện đầu năm của UFC không có một sự kiện nào có hơn 300 nghìn lượt xem trả tiền. Thậm chí UFC 213: Whittaker vs. Romero chỉ đạt vỏn vẹn 150.000 lượt - thấp hơn cả mức trung bình của năm 2014.
Đến bao giờ UFC mới thôi cho các võ sĩ "xé rào" để trả lại một giải đấu MMA thuần túy như ngày xưa?