Đừng ghét Golden State Warriors vì họ mạnh
Các cổ động viên cho nhà đương kim vô địch giải bóng rổ NBA mùa giải 2016-2017 có số lượng không ít nhưng những người chưa tâm phục trước thành công của họ thì vô số.
Yêu/thích là quyền lựa chọn tự do của con người nhưng phân tích kỹ thì Warriors có thật sự đáng ghét như cách mà nhiều người vẫn nhìn nhận hay không?
Nếu Warriors gặp may thì đó là lịch sử gọi tên họ
Huấn luyện viên DocRiver của Los Angeles Clippers hiện tại từng nhận định về chức vô địch của Warriors năm 2015 như sau: “Họ (Warriors) đã có phần may mắn vì không phải đụng với Clippers và Spurs ở vòng Play-off”.
Video: Diễn biến trận đấu giữa Golden State Warriors và Cleverland Cavaliers
Thực tế, Play-off năm 2015, Clippers và Spurs đã trực tiếp loại nhau ở vòng 1 và Clippers để thua Houston Rockets ở vòng tiếp theo sau đó. Kịch bản tại chung kết miền Tây diễn ra theo chiều hướng dễ khi Warriors đơn giản vượt qua Rockets với tỉ số 4-1. Họ lên ngôi sau đó khi đánh bại Cavaliers 4-2 ở Chung kết NBA.
Trong vòng Play-off của 2 năm sau đó, Clippers liên tục bị mất trụ cột và thúc thủ ngay vòng đầu trước những đối thủ bị đánh giá yếu hơn. Spurs bị OKC loại ở bán kết khu vực năm 2016.
Và năm 2017, tập thể của HLV Popovich lại đấu với Warriors trong tình thế bất lợi với nhiều chấn thương ngôi sao như Tony Parker hay Kawhi Leonard.
Dễ thấy ý kiến của DocRiver cũng có lý khi Spurs cùng Clippers không có đội hình mạnh nhất để chơi tới cùng, nhưng suy cho cùng tất cả cũng đều nằm trong yếu tố định mệnh.
Khi phát biểu, hẳn Doc River chưa nghĩ tới việc Warriors đã mất Andrew Bogut do chấn thương hay Draymond Green bị cấm thi đấu game 5 tại series chung kết năm 2016 ra sao.
Và như thế, lịch sử cũng đã gọi tên 1 đội bóng khác là Cleveland Cavaliers của LeBron James với màn lội ngược dòng vô tiền khoáng hậu. Nếu nhiều người vui mừng với thắng lợi của Cavaliers thì cũng nên chấp nhận thành công đó được tạo nên cũng nhờ vào 1 yếu tố mang tên định mệnh. Mọi đội bóng của NBA đều nằm trong guồng quay này và sẽ phiến diện để kết luận tập thể nào may mắn.
Có nhiều super team trong lịch sử còn được tạo ra kỳ công hơn
Ít nhất, ở mùa giải 1982-83, NBA được chứng kiến 1 công thức gần giống với Warriors hiện nay khi Philadelphia 76ers bổ sung thêm MVP thống trị 2 mùa giải liên tiếp (Moses Malone) để hợp với MVP trước đó là Julius Erving.
Đội hình này cũng vô địch NBA với chỉ 1 trận thua duy nhất trong vòng Play-Off. Xét về yếu tố đẳng cấp dựa vào danh hiệu cá nhân, cặp Durant và Curry cũng chỉ ngang tầm như vậy và Warriors năm nay cũng để thua 1 trận trên con đường lên đỉnh.
Boston Celtics thế hệ 1985-86 có 4 Hall of Famer trong đội hình xuất phát và đi kèm cả Hall of Famer quá thì Bill Walton ngồi trên băng ghế dự bị. Los Angeles Lakers thời đỉnh cao thập kỷ 80 cũng tương tự như vậy với Magic Johnson, Kareem Abdul-Jabbar, Jame Worthy và Byron Scott.
Gần hơn, NBA có cuộc tụ họp của Celtics 2008 với Paul Pierce, Kevin Garnett, Ray Allen với dàn sao còn lại như Rajon Rondo, Eddie House, James Posey…
Hay như khi LeBron James tái hợp với 2 trong số những cầu thủ xịn nhất của lứa thế hệ như Chris Boss và Dwyane Wade trong màu áo Miami Heat. Bên cạnh 1 Ray Allen vừa tách ra từ đội hình của Celtics, cùng Udonis Haslem, Mike Miller, Shane Battier.
Nhìn cách tập hợp những đội hình super team ở trên, đúng như điều mà Kevin Durant đã chia sẻ ngay sau khi cùng Warriors đăng quang: “Nếu nhìn vào danh sách đồng đội của tôi, Warriors chẳng phải super team”.
Quả thực là vậy, Stephen Curry pick 7 của NBA Draft 2009, Klay Thompson pick 11 năm 2011, Draymond Green pick 35 năm 2012, Andre Iguodala vô địch NBA và giành MVP chung Kết vào năm 31 tuổi. Warriors cũng đăng quang vào năm đầu tiên mà Steve Kerr bắt đầu sự nghiệp huấn luyện tại NBA.
Cách đây chỉ 5 năm, gọi Warriors là super team có lẽ giống như trò đùa. Nên nhớ, họ đã đạt được thành tích 73-9 ở regular season 2015-2016, lúc đó vẫn chưa có Kevin Durant và chỉ xài bộ khung chủ lực bao gồm những cái tên được đào tạo “cây nhà, lá vườn”.
Vậy so với 3 năm thành công của Miami Heat với qui mô dồn sao cỡ LeBron James, Dwyane Wade, Chris Boss và Ray Allen, Warriors đi lên theo cách khó lường hơn hẳn. Chính vì thế, mô hình thành công của họ khó có thể được chấp nhận nhanh chóng nhưng đáng công nhận và nên khuyến khích.
Lí do ghét các cầu thủ?
Đầu tiên, đối tượng bị nhắm tới là Stephen Curry mà Webthethao đã có riêng một bài phân tích. Anh từ một cầu thủ “pha lê” với chấn thương triền miên, kém hơn nhiều cầu thủ khác về mặt thể chất, bỗng nhiên trở nên được hâm mộ trên qui mô toàn cầu.
Thời gian nở rộ ngắn nhưng đã được đánh giá như tay ném 3 điểm hay nhất lịch sử. Nhưng trên hết, phong cách chơi của anh đi ngược với quan điểm và nhìn nhận truyền thống ở riêng vị trí hậu vệ cầm bóng cũng như tư duy thi đấu trên sân.
Curry để mất bóng nhiều và chơi ngẫu hứng. Nhưng anh là dạng để những ai phản đối phải đờ đẫn không biết nói gì sau những pha ném 3 điểm khó tin nhưng vẫn chính xác mang về điểm số.
Curry có lối chơi mạo hiểm, phi lí ở nhiều tình huống nhưng mang lại hiệu suất. Nhiều người lo ngại giới trẻ đang bắt chước theo tư duy thiếu cơ bản này và chỉ có hại cho chúng.
Nói vậy thì có phần thiếu sót khi không nhắc tới những lợi ích mà Curry mang lại. Không bỗng nhiên mà Warriors trở nên mạnh mẽ với khả năng ghi điểm cao như vậy.
Nó phản ánh yếu tố cộng hưởng, 1 tay ném có kỹ năng cộng thêm sự tự tin, anh ta tạo ra thêm 1 tay ném tốt nữa rồi dần lan hiệu ứng này ra toàn đội. Rồi từ đây lại dẫn tới chiến thuật screen (yểm trợ) và chuyền bóng ưu việt tạo nên Warriors hiện nay.
Điều quan trọng hơn, nếu lối chơi ngẫu hứng của Curry không đạt hiệu quả dẫn tới sự phá hoại, môi trường chuyên nghiệp đẳng cấp NBA sẽ tự động loại bỏ anh. Còn hiện tại, anh vẫn được chấp nhận, thậm chí còn hơn thế. Đúng hay sai chỉ có kết quả cuối cùng mới có thể chứng minh.
Trường hợp thứ 2 có lẽ nằm ở việc gia nhập của tân binh Kevin Durant. Anh bị gọi là hèn nhất khi gia nhập vào đội hình 73-9 của Warriors. Nhưng xét khách quan, nếu Durant đồng ý gia nhập vào San Antonio Spurs, Los Angeles Clippers hay Boston Celtics, các đội bóng này đều đủ sức đối kháng với Warriors. Đó là điều sớm hay muộn trong tương lai.
Nếu Durant thật sự cần nhẫn vô địch, anh vẫn có thể đưa ra các lựa chọn khác để đỡ phải gánh chịu búa rìu dư luận hơn. Và 1 câu nói đơn giản của cầu thủ này đủ để chấm dứt sự ghét bỏ không đáng có dành cho anh: “ Tôi thích lối chơi chuyền bóng và đồng đội của Warriors”.
Nhiều người trổ tài đọc suy nghĩ người khác và chụp mũ lí do “dễ lấy nhẫn” lên đầu của Durant trong khi đây có thể hiểu như 1 sở thích liên quan tới phong cách và lí tưởng chơi bóng đang hướng tới của anh. Điều mà Durant thấy không có khi ở OKC cũng như khi gia nhập các đội bóng khác.
Chọn lựa văn hóa và phong cách tổ chức phù hợp với bản thân, đó gần như là tiêu chí đúng đắn đối với 1 cá nhân bất kỳ thuộc thị trường lao động chuyên nghiệp. Nếu Durant sang Spurs dưới sự dẫn dắt của HLV Gregg Popovich, Spurs vẫn đủ sức vô địch, nhưng vấn đề là Durant cảm thấy không phù hợp.
Còn về Draymond Green hay Zaza Pachulia, các đội bóng NBA không thiếu gì những mầu cầu thủ có tính cách quậy ngông hay chơi tiểu xảo như vậy. Do đó, không cần bàn luận thêm.
Sau cùng, luôn có những con số thống kê cùng những tỷ lệ đặt kèo so sánh Warriors với các đội bóng trong quá khứ. Khách quan, Warriors chỉ làm công việc của họ và vốn không phải chịu trách nhiệm về những hiệu ứng tôn sùng mà truyền thông hay các tổ chức bên ngoài tạo ra.