Miếng bánh trang phục thể thao tại NBA: Lịch sử, tranh đoạt và “ông vua" Nike

chủ nhật 28-2-2021 14:25:00 +07:00 0 bình luận
Hãy có cái nhìn kỹ hơn về "miếng bánh" trang phục thể thao tại NBA, nơi đã từng có sự xuất hiện của không ít cạnh tranh, sự độc quyền và màn chia tay đầy bất ngờ của Adidas.

Lịch sử đồng phục thi đấu NBA và cuộc chơi của các thương hiệu

Khởi đầu từ thập niên 50 của thế kỷ trước, đồng phục thi đấu của NBA cực kỳ đơn giản. Phần trên là những chiếc áo thun đơn sắc và có tên đội được thêu ở trước ngực. 

Phần dưới là những chiếc quần làm bằng vải satin bóng, có chiều dài rất ngắn giống với một số môn thể thao khác. Điều đặc biệt là ở những năm 1950, các cầu thủ còn đeo một sợi dây nịt để tránh bị… rơi quần vì bật nhảy quá nhiều.

Những mẫu đồng phục thi đấu đầu tiên tại NBA, nổi bật là dây nịt được các cầu thủ sử dụng khi thi đấu

Phải đến những năm 1960, thiết kế đồng phục thi đấu tại NBA mới được chuyển sang áo không có tay.

Thời điểm này, người ta chưa suy nghĩ nhiều đến việc buôn bán đồng phục hay áo thi đấu cho người hâm mộ. Đồng phục được may bởi các nhà may địa phương và chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ các cầu thủ.

Nhưng từ nửa sau thập niên 1960 trở đi, những thay đổi đầu tiên đã xuất hiện. 

Các đội bóng bắt đầu thêu tên cầu thủ vào phía sau lưng áo, đồng thời hướng về việc sử dụng 1 nhà sản xuất duy nhất nhằm đảm bảo sự đồng đều chất lượng.

Nhà sản xuất đồng phục thi đấu chính của NBA trong thời điểm này là Medalist Sand-Knit (trước năm 1983) và về sau là MacGregor Sand-Knit (từ năm 1983 đến năm 1989).

Áo không có tay và những chiếc quần ngắn là đồng phục thi đấu tiêu chuẩn thời bấy giờ

Với tên của các cầu thủ đã xuất hiện, những ngôi sao bắt đầu được chú ý đến nhiều hơn và bắt đầu có khả năng mang lại thu nhập thêm cho các đội. Đây là bước tiến lớn đầu tiên trong việc bán áo thi đấu ra thị trường như một dạng vật phẩm lưu niệm.

Năm 1989 được coi là năm quan trọng nhất trong lịch sử và sự phát triển của đồng phục thi đấu NBA. 

Đây là năm thương hiệu Champion trở thành nhà sản xuất đồng phục chính thức của giải đấu, đánh dấu một loạt sự thay đổi lớn liên quan đến khía cạnh kinh doanh áo đấu mà NBA từ trước đến thời điểm này ít coi trọng.

Thay đổi đầu tiên xuất hiện trong khâu thiết kế khi Charlotte Hornets, đội bóng mới thành lập được sở hữu những mẫu đồng phục thi đấu cực kỳ đặc biệt do một nhà thiết kế thời trang thực hiện.

Champion chính thức bắt tay với NBA để trở thành đối tác độc quyền sản xuất đồng phục thi đấu từ năm 1989 đến năm 1997

Điều này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh của những mẫu đồng phục khi cầu thủ thi đấu trên sân, ngoài ra nó còn khởi đầu quá trình giao thoa giữa thế giới NBA và thời trang đường phố.

Trong số các vật phẩm lưu niệm được bán cho người hâm mộ, áo thi đấu dần leo lên vị trí số 1 về doanh thu, phần lớn nhờ vào sự thay đổi trong thiết kế cùng với chiến lược marketing của Champion kết hợp với các đội bóng.

Ngoài đồng phục thi đấu, Champion còn triển khai bán một số trang phục khác như quần áo tập, áo khoác khởi động, áo cổ động và đặc biệt là những "mẫu áo thi đấu replica".

Thuật ngữ replica ở đây không phải áo giả mà là mẫu áo có cùng thiết kế với áo thi đấu nhưng sử dụng chất liệu rẻ tiền hơn, ít công nghệ hơn để có giá bán dễ chịu hơn cho các CĐV.

Áo thi đấu chính thức (trái) và một phiên bản replica dành cho người hâm mộ
Bộ quần áo khoác khởi động của Champion cũng được bán ra thị trường, mang lại doanh thu không hề nhỏ

Cũng trong thập niên 1990 này, rất nhiều mẫu đồng phục đã trở thành các thiết kế kinh điển, cải thiện hình ảnh của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ - NBA trong mắt cộng đồng thể thao toàn cầu.

Cho đến tận ngày nay, nhiều mẫu đồng phục cổ điển vẫn khiến người hâm mộ phát cuồng và phần lớn chúng đến từ những năm cuối của thập niên 1980 và nửa đầu thập niên 1990.

Trước sự phát triển ấn tượng của thị trường đồng phục thi đấu tại NBA, “miếng bánh" này bắt đầu được nhiều hãng sản xuất đồ dùng thể thao lớn chú ý đến.

Từ năm 1997, Nike chính thức trở thành nhà sản xuất đồng phục thi đấu thứ 2 và Starter là thương hiệu thứ 3 cho NBA bên cạnh Champion. Mỗi hãng nhắm đến những thị trường riêng chính là địa phương mà các đội bóng đóng quân trên nước Mỹ.

Nike sở hữu số đội bóng lớn nhất với 9 đội được tài trợ đồng phục thi đấu. Champion đứng thứ hai với 8 đội. Starter lúc này với nguồn vốn tương đối hạn hẹp đã phụ trách 6 đội.

Ba mẫu đồng phục thi đấu chính thức tại NBA đến từ 3 thương hiệu khác nhau. Từ trái sang: Nike, Starter, Reebok

Với chiến lược phát triển sản phẩm và bán hàng khác nhau, mỗi thương hiệu có những thành công và thất bại của riêng họ. 

Nhưng khi bước vào quá trình khủng hoảng kinh tế, cộng với giai đoạn NBA đình công ở mùa giải 1998-99, doanh số bán hàng bắt đầu giảm đi. Với các thương hiệu, họ phải đối diện với các khoản lỗ khủng và thậm chí còn đứng trước nguy cơ phá sản.

Starter rút lui khỏi thị trường đồng phục NBA vào năm 1999, được thế chỗ bởi PUMA. Champion sau đó cũng nói lời chia tay vào năm 2001 và được thế chỗ bởi Reebok.

Lúc này, Reebok với tham vọng chiếm lĩnh thị trường đã có một quyết định táo bạo. Họ muốn làm điều Champion thực hiện năm xưa, đó là trở thành nhà sản xuất đồng phục thi đấu độc quyền cho NBA.

Với chứng chỉ sản xuất tiếp nhận từ Champion và hất cẳng Nike vào năm 2001, Reebok chính thức trở thành nhà sản xuất độc quyền đồng phục thi đấu cho 29 đội bóng NBA, đồng thời có hợp đồng tương tự với 15 đội nữ WNBA.

Reebok là thương hiệu độc quyền sản xuất đồng phục thi đấu của NBA từ năm 2001 đến năm 2005

Từ năm 2001 đến 2004 là khoảng thời gian rất huy hoàng với Reebok khi thương hiệu đến từ Anh Quốc chinh phục một loạt giải đấu thể thao chuyên nghiệp Bắc Mỹ. Ngoài NBA, Reebok còn hợp tác với NFL (bóng bầu dục), MLB (bóng chày) hay NHL (khúc côn cầu trên băng).

Nhưng đến năm 2005 sau một vụ kiện về luật sở hữu trí tuệ, Adidas đã mua lại Reebok với tư cách là một công ty con cùng mức giá 3.8 tỷ đô la Mỹ, hợp nhất hai trong số các thương hiệu đồ dùng thể thao lớn nhất thế giới.

Ngay sau khi thương vụ hoàn tất, Adidas đã lập tức thế chỗ Reebok để trở thành thương hiệu độc quyền sản xuất, cung cấp và khai thác thương mại các mẫu đồng phục thi đấu, phụ kiện, quần áo tập và các vật phẩm lưu niệm của NBA.

Ký một hợp đồng mới với trị giá 400 triệu đô la Mỹ cùng thời hạn 11 năm, Adidas chiếm giữ vị trí này từ năm 2006 đến giữa năm 2017 (cuối mùa giải 2016-17).

Áo thi đấu phiên bản dành cho cầu thủ NBA của Adidas với tên gọi Adidas Rev30 - Revolution 30

ADIDAS BẤT NGỜ BỎ RƠI "MIẾNG BÁNH NBA", NIKE CHỚP CƠ HỘI

Trong một diễn biến đầy bất ngờ vào năm 2015, Adidas đã tuyên bố rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng với NBA, mở rộng cánh cửa với các thương hiệu khác.

NBA là giải đấu bóng rổ hấp dẫn nhất, có sức hút lớn nhất trên toàn thế giới và mang giá trị khai thác thương mại cực kỳ cao. Vì vậy câu chuyện Adidas “bỏ rơi miếng bánh NBA" đã khiến rất nhiều chuyên gia kinh tế bất ngờ.

Câu hỏi khi ấy được đặt ra là vì sao Adidas lại chấp nhận từ bỏ NBA? Câu trả lời xuất hiện trước đó một vài năm khi chiến lược phát triển mảng bóng rổ, đặc biệt là tại NBA của Adidas không hiệu quả.

Trong số những cầu thủ được họ chọn làm gương mặt đại diện cho thương hiệu, Derrick Rose đã không may dính một loạt chấn thương nghiêm trọng ở hai đầu gối. 

Dwight Howard trước đó cũng hứa hẹn là một ngôi sao, nhưng các vấn đề ở trên sân và trong phòng thay đồ khiến trung phong này liên tục phải thay đổi đội bóng, đi xuống về mặt phong độ.

Nhiều cầu thủ tiềm năng khác có hợp đồng quảng bá của Adidas cũng gặp khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp.

Derrick Rose không may dính một loạt chấn thương nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển mảng bóng rổ của Adidas

Sau gần một thập kỷ là nhà sản xuất đồng phục độc quyền tại NBA, thị phần giày bóng rổ của Adidas tại Mỹ chỉ chiếm… 3%, gần như dậm chân tại chỗ.

1% là tổng thị phần của nhiều thương hiệu nhỏ khác. Còn với Nike, họ chiếm 96% thị phần, áp đảo hoàn toàn mọi đối thủ.

Điều này khiến ban lãnh đạo của thương hiệu này không còn quá mặn mà với thị trường bóng rổ. Thay vào đó, họ muốn đầu tư vào cuộc chạy đua công nghệ rất hao tổn tiền bạc với Nike ở phân khúc giày bóng đá.

Nhưng thay vì từ bỏ hoàn toàn mảng bóng rổ, Adidas bắt đầu chuyển hướng. Thay vì đầu tư vào hợp đồng có giá trị lớn với giải đấu về mảng đồng phục, thương hiệu này hướng về việc phát triển sản phẩm và một số công nghệ mới ở phân khúc giày bóng rổ.

Với việc Adidas từ bỏ miếng bánh đồng phục thi đấu NBA, Nike lập tức chớp thời cơ vì họ đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu rồi.

Không lâu sau khi quá trình thương thảo với Adidas đi vào ngõ cụt, NBA chính thức ký hợp đồng tỷ đô với Nike để trở thành thương hiệu độc quyền sản xuất đồng phục thi đấu, trang phục tập luyện và các phụ kiện đi kèm.

Hợp đồng có trị giá 1 tỷ đô la Mỹ được ký có thời hạn 8 năm, bắt đầu từ mùa giải 2017-18.

Đặc biệt hơn, Nike trở thành hãng đầu tiên có logo thương hiệu xuất hiện trên đồng phục thi đấu chính thức tại NBA, điều mà từ Champion, Reebok đến Adidas đều không làm được.

(Ngoại lệ duy nhất là Charlotte Hornets khi đồng phục của đội bóng này mang logo Jordan Brand, thương hiệu con của Nike như một hình thức tri ân huyền thoại Michael Jordan, chủ sở hữu đội bóng).

Logo Nike xuất hiện trên áo thi đấu chính thức của Cleveland Cavaliers mùa giải 2017-18
Logo Jumpman của Jordan Brand trên ngực áo thi đấu chính thức của Charlotte Hornets

Có trong tay mảng đồng phục NBA, Nike lập tức đưa ra những sự đổi mới. Họ loại bỏ hoàn toàn áo đấu sân nhà - sân khách, thay thế bằng 4 loại đồng phục khác nhau cho mỗi đội.

“Association” là mẫu đồng phục gần như đồng bộ của 30 đội bóng tại NBA, mang nền áo màu trắng với tên đội, logo và số áo mang màu sắc đặc trưng của đội.

“Icon” là mẫu đồng phục mang bản sắc riêng của mỗi đội, phần lớn sử dụng màu chính thức để gây ấn tượng mạnh mẽ với những người hâm mộ trung thành.

“Statement" là mẫu đồng phục tượng trưng cho “một lời tuyên bố đanh thép". Nó vừa mang bản sắc của đội bóng, vừa có những điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế thu hút mọi ánh nhìn.

“City Edition" là mẫu đồng phục cuối cùng, cũng là mẫu đặc biệt nhất. Nó cho phép các đội bóng thỏa sức sáng tạo về thiết kế và màu sắc với mục đích làm bật lên sự độc đáo về văn hoá ở mỗi địa phương mà đội bóng đóng quân.

Từ trái sang: Đồng phục thi đấu phiên bản Association, phiên bản Icon và phiên bản Statement của Los Angeles Lakers mùa vô địch NBA 2019-20

Bắt đầu từ vòng mùa giải 2018-19, Nike cùng với NBA cho ra mắt một mẫu đồng phục mới với tên gọi “Earned Edition". 

Đây là mẫu đồng phục dành riêng cho 16 đội bóng được lọt vào vòng Playoffs ở năm trước đó (ví dụ đội bóng lọt vào Playoffs năm 2018 sẽ có một mẫu đồng phục Earned Edition dùng trong mùa giải 2018-19).

Ngoài ra, Nike còn bắt tay với NBA để thực hiện một bước tiến quan trọng khác, đó là bán gói tài trợ xuất hiện trên đồng phục thi đấu chính thức, điều chưa bao giờ có tiền lệ tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.

Điều này không chỉ mang đến nguồn thu lớn cho các đội bóng và những cầu thủ, nó còn mang lại một phần lợi nhuận được chia cho NBA.

Logo của các nhà tài trợ xuất hiện trên ngực trái áo thi đấu chính thức, điều NBA chưa từng thực hiện trong hơn nửa thế kỷ tồn tại

Tính từ thời điểm Nike có trong tay hợp đồng độc quyền về trang phục thi đấu tại NBA, họ đã liên tục cải thiện về mặt doanh thu qua mỗi năm.

Thời điểm duy nhất “The Swoosh" hụt hơi là năm 2020, khoảng thời gian mọi thương hiệu đều bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Xét về mức độ phổ biến của giày Nike trong số các cầu thủ NBA mùa giải 2019-20, thống kê của Baller Shoes DB cho thấy Nike vẫn chiếm đa số với 68.3%.

Adidas với 10.7% đứng thứ hai và vị trí thứ ba thuộc về Jordan Brand với 8.5% (thương hiệu con của Nike).

Thống kê thị phần giày bóng rổ tại NBA

Theo ESPN, Nike và các thương hiệu liên kết vẫn đang chiếm hơn 80% thị phần bán lẻ các sản phẩm liên quan đến bóng rổ trong năm 2020 tại Mỹ, chễm chệ trên ngôi đầu với sự áp đảo gần như về mọi mặt so với các đối thủ cạnh tranh.

Mỗi năm, họ vẫn có doanh thu chính đến từ việc bán giày và các phụ kiện bóng rổ. Giờ đây, The Swoosh còn có thêm một lượng lớn doanh thu đến từ các vật phẩm NBA như đồng phục thi đấu, áo đấu swingman (phiên bản replica dành cho người hâm mộ), áo thun, phụ kiện, đồ khởi động...

Có thể thấy việc mang về hợp đồng tỷ đô liên quan đến áo đấu chỉ giúp Nike như "hổ mọc thêm cánh", duy trì vị thế ông vua sản xuất đồ dùng thể thao không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

*Bài viết có tham khảo số liệu và thông tin từ ESPN, Yahoo Sports, Forbes, Baller Shoes Database

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội