NBA draft: Các quy định và thay đổi (Kỳ 2)
NBA draft là sự kiện diễn ra hàng năm mà trong đó các đội bóng thuộc giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (ngày nay là 30 đội) được lần lượt chọn (draft pick) những cầu thủ mới vào đội của mình.
1. Cầu thủ quốc tế tham gia draft
Trước kia, đội ngũ các cầu thủ tham gia draft chủ yếu là các sinh viên đại học, đặc biệt là những cầu thủ từng tham gia giải bóng rổ đại học NCAA. Nhưng theo đúng xu thế toàn cầu hóa, dần dần các cầu thủ quốc tế tới tham dự nhiều hơn.
Cầu thủ quốc tế chính thức đầu tiên được draft là Manute Bol đến từ Sudan năm 1983. Nhưng bị vướng mắc về một số điều khoản nên đến năm 1985, anh mới chính thức được thi đấu ở NBA dù sự nghiệp không mấy rực rỡ, ngoại trừ kỷ lục cầu thủ cao nhất từng thi đấu NBA cũng như cầu thủ cao nhất ném thành công pha ném 3 điểm. Chiều cao của anh là 7ft7 (2m31).
Trong 2 năm tiếp theo, NBA đón chào 2 cầu thủ sinh ra ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ mà sau này trở thành huyền thoại là Hakeem Olajuwon (1984) người Nigeria và Patrick Ewing (1985) người Jamaica, nhưng cả 2 đều từng thi đấu cho giải đại học hay thậm chí Ewing còn từng chơi bóng từ hồi trung học ở Mỹ.
Tiếp đó đến năm 1997, Tim Ducan được ghi nhận là cầu thủ quốc tế thứ 3 được chọn đầu tiên (1st draft pick) nhưng anh vẫn là người gốc ở Virgin Islands của Mỹ và từng thi đấu giải đại học cho đội WakeForest.
Mãi đến năm 2002, cầu thủ người Trung Quốc Yao Ming mới được xác định là cầu thủ quốc tế đầu tiên chưa từng tham gia giải đại học nào ở Mỹ được chọn 1st draft pick.
Hiện nay, có khá nhiều cầu thủ quốc tế sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà chưa từng tham gia giải bóng rổ nào ở Mỹ được draft và gặt hái nhiều thành công tại giải bóng rổ NBA như Dirk Nowitzki (Đức), anh em Pau và Marc Gasol (Tây Ban Nha), Manu Ginobily (Arghentina), Tony Parker (Pháp)…
2. Quy định về tuổi tham gia draft
Từ năm 1950, số lượng các cầu thủ trung học tham gia draft ngày một tăng dần so với các cầu thủ đại học. Có rất nhiều cầu thủ tài năng bộc phát ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học được chọn thẳng vào NBA và cũng gặt hái được rất nhiều thành công như Kobe Bryant, LeBron James, Kevin Garnett, Dwight Howard, Tracy McGrady và Amar’e Stoudermire.
Nhưng đến năm 2005, quy định về tuổi tham gia NBA thay đổi nên kể từ năm 2006, các cầu thủ năm cuối trung học cũng không thể có mặt trong NBA draft nữa.
Cụ thể luật quy định các cầu thủ chỉ đủ điều kiện tham gia kỳ tuyển chọn 1 năm sau khi tốt nghiệp trung học hoặc phải đủ 19 tuổi tính từ cuối năm của năm diễn ra draft. Riêng với các cầu thủ quốc tế, giới hạn tuổi này là 23. Các cầu thủ 22 tuổi buộc phải chứng minh điều kiện của mình với NBA để có thể tham gia Draft.
Luật quy định về độ tuổi này dẫn đến một số cầu thủ Mỹ - sau khi tốt nghiệp hoặc thậm chí không đi học - đi ra nước ngoài để tham dự giải bóng rổ chuyên nghiệp ở đó trước khi quay trở lại tham gia NBA Draft khi đủ tuổi, ví dụ như Brandon Jennings tới Italia hay Emmanuel Mudiay đến Trung Quốc.
3. Số vòng draft (Draft rounds)
Trước đây, các đội lần lượt chọn cầu thủ trong danh sách cho đến hết, dẫn tới kỉ lục năm 1960 và 1968, NBA draft diễn ra tới 21 vòng (round). Đến năm 1974, NBA draft được rút gọn xuống 10 rounds và duy trì con số này đến năm 1985 thì tiếp tục được giảm xuống 7 rounds.
Sau nhiều ý kiến nhằm tạo cơ hội cho các cầu thủ tốp cuối có cơ hội được thử việc ở tất cả các đội bóng nên năm 1989, NBA đưa ra quyết định cuối cùng rút số Draft round xuống còn 2, các cầu thủ không được chọn (undrafted players) sẽ được tự do ký hợp đồng với bất kỳ đội bóng nào.
4. Thứ tự draft
Ngày nay, kỳ tuyển chọn NBA Draft được chia ra làm 2 vòng cho 30 đội tức là mỗi vòng sẽ có 30 lượt chọn (30 picks). Mười bốn pick đầu tiên sẽ thuộc về các đội không được tham dự Play-off của mùa giải trước đó.
Những đội bóng này sẽ tham dự một sự kiện quay số ngẫu nhiên (draft lottery) để chọn ra 3 pick đầu tiên (lottery pick), pick thứ 4 trở đi sẽ được xếp theo thành tích các đội bóng còn lại, theo thứ tự pick cao hơn thuộc về đội có thành tích thấp hơn.
Mười sáu pick tiếp theo được chia cho các đội được tham dự vòng Play-off (post-season) nhưng dựa vào thành tích của vòng loại (regular season) chứ không phụ thuộc kết quả thi đấu Play-off của họ.
Cũng vì thế mà hoàn toàn dễ hiểu khi đội vô địch NBA không phải là đội draft sau cùng. Sang đến 2nd round của draft, thứ tự các đội được xếp ngược lại so với vòng 1, tức là đội pick cuối cùng của vòng 1 sẽ được pick đầu tiên ở vòng 2 và cứ thế cho đến đội cuối cùng sẽ là đội có được 1st pick.
(Còn tiếp)