Những cặp đấu nhiều duyên nợ nhất tại chung kết NBA (kỳ 1)
Chung kết giải bóng rổ NBA là sự kiện chỉ dành cho đại diện mạnh nhất thuộc Đông và Tây nên cũng nuôi dưỡng những cuộc đối đầu giữa các đội bóng huyền thoại.
Mùa giải năm nay chứng kiến việc Cleveland Cavaliers đối mặt lần thứ 3 liên tiếp với kình địch Golden State Warriors ở Chung kết NBA. Sự thành công của 2 đội viết lên câu chuyện kéo dài tới 3 chương hồi. Warriors luôn được đánh giá cửa trên nhưng vừa phải chịu thất bại cay đắng bất ngờ ở mùa giải 2015-16.
Nhìn lại lịch sử, giải bóng rổ NBA cũng từng chứng kiến những cặp kỳ phùng địch thủ mang ân oán trải dài trong nhiều năm chứ không chỉ tạm ở con số 3 năm như Caveliers và Warriors.
Lakers và Celtics
Đương nhiên, Lakers và Celtics tiêu biểu cho mối quan hệ tình địch huyền thoại tại NBA. Tính tới năm 2017, họ vẫn là 2 đội bóng giàu truyền thống nhất trong lịch sử giải đấu. Boston Celtics có 21 lần vô địch miền Đông, 17 lần vô địch NBA. Trong khi Lakers có 31 danh hiệu vô địch miền Tây và 16 lần vô địch NBA.
Do thất bại liên tiếp này mà Lakers thường phải mang hình ảnh thua kém trong kỷ nguyên mà Celtics làm trùm tất cả, dù thế hệ thành công cũng đã luống tuổi.
Trong 10 năm sau đó, một thế hệ trẻ bước lên tạo ra bộ mặt mới cho 2 đội bóng. Cả 2 vẫn có những lần tiến vào chung kết NBA nhưng không chạm mặt nhau mãi cho tới năm 1984.
Lần này, đại diện cho cuộc đối đầu mới tới từ 2 thiên tài nổi bật nhất của NBA thập kỷ 80: Magic Johnson và Larry Bird. Cũng phải nói thêm, đội hình 2 đội thời điểm này cũng không thiếu những cái tên “khủng khiếp”, người đã vào Hall of Fame, người mấp mé đẳng cấp đó.
Ở thập kỷ này, Lakers 9 lần vô địch khu vực để góp mặt tại chung kết NBA. Celtics cũng có 5 lần đứng đầu miền Đông và giữa cả 2 đã diễn ra 3 trận thư hùng. Kết quả là Lakers thế hệ Magic Johnson đã giành chiến thắng 2-1, tạm rửa được mối hận cũ của thế hệ trước.
Kể từ lần đụng độ cuối của thế hệ Magic-Bird, Lakers có sự thừa hưởng tái thiết bài bản giúp họ duy trì vị thế của một đội bóng danh tiếng. Celtics ngược lại trượt một vết dài và trở thành cái bóng của vinh quang xưa.
Trước năm 2007, những fan hâm mộ giải bóng rổ NBA hiện đại chẳng thể tin Celtics từng là cái tên từng làm mưa làm gió và sở hữu nhiều chức vô địch nhất trong lịch sử giải đấu.
Bất ngờ đến vào năm 2008 khi Celtics dồn các gương mặt đẳng cấp như Kevin Garnett và Ray Allen hợp thành với sao Paul Pierce cùng các tài năng trẻ như Rajon Rondo, Kendrick Perkin, Eddie House.
Đội hình này tạo ra hiệu ứng đưa Celtics vào chung kết NBA lần đầu tiên sau 21 năm vắng bóng. Một cách ngẫu nhiên, Lakers 4 năm sau thời hậu Shaquile O’Neal cũng lần đầu trở lại chung kết kể từ năm 2004.
Lakers thua trong lần đọ sức đầu tiên nhưng thắng trong chung kết NBA năm 2010. Năm 2009, Celtics bị mất Kevin Garnett do chấn thương nên đã để mất cơ hội 3 lần liên tiếp đụng độ Lakers.
Tổng cộng, 2 đội đã gặp nhau tại Chung kết NBA 12 lần với kết quả 9-3 nghiêng về Boston Celtics. Lợi thế cách biệt chủ yếu được tạo ra trong kỷ nguyên của Bill Russell.
Chicago Bulls và Utah Jazz
Thập kỷ 90 thuộc về Chicago Bulls hay nói về cá nhân thì tôn vinh “vua bóng rổ” Michael Jordan. Trong 6 năm vô địch, Bulls có tới 4 năm gặp những đối thủ khác nhau thể hiện sự kèn cựa quyết liệt của các đội bóng miền Tây.
Nhưng trong năm 1997 và 1998, 2 lần Utah Jazz trở thành đại diện để quyết đấu với Chicago Bulls ở chung kết NBA. Đây cũng đánh dấu lần đầu có 2 đội bóng gặp nhau liên tiếp trong chung kết kể từ năm 1989.
Điều đặc biệt tới từ việc Utah Jazz chiếm lợi thế 4 trận sân nhà trong cả 2 lần đọ sức nhưng đều thất bại. Năm 1998, Jazz đứng đầu ở mùa giải ngoài bất chấp Chicago Bulls cũng có số trận thắng tương đương là 62.
Vì tính chất đối đầu hấp dẫn như vậy mà chung kết 1998 đã giúp NBA lần đầu có xếp hạng người xem vượt qua giải bóng chày chuyên nghiệp Mỹ MLB. Tính trong đội hình của cả 2 có tới 5 cầu thủ mà về sau được vinh danh trong NBA Hall of Fame (Sảnh danh vọng).
Trước khi tiến vào chung kết, 2 đội từng có những lần đụng độ ở mùa giải ngoài với kết quả nghiêng về phía Utah Jazz. Nhưng cứ gặp nhau tại chung kết, Jazz lại đều để thua với tỉ số 2-4 dù họ có lợi thế sân nhà rõ rệt trong cả 2 năm liên tiếp.
Michael Jordan được MVP Final trong cả 2 mùa nhưng Karl Malone của Jazz đạt danh hiệu MVP mùa giải ở thời gian mà 2 đội thống trị mỗi bên khu vực.
Họ đấu với nhau ngang sức sát rạt với các chiến thắng được quyết định rất kịch tính. Điểm lạ ở chỗ, sau cuộc thư hùng năm 1998, cả Bulls lẫn Jazz đều không một lần nào tham dự chung kết NBA.
Ở thời đại của Bulls, họ tỏ ra vượt trội hơn tất cả về bản lĩnh đối đầu và chỉ để lỡ mạch vô địch trong năm mà Michael Jordan giải nghệ cùng năm sau đó khi ông mới trở lại giải đấu sau biến cố thương tâm của gia đình.
(Còn tiếp)