Những cầu thủ có vinh dự được treo áo bởi nhiều đội bóng (Kỳ 1)

thứ hai 24-7-2017 15:56:27 +07:00 0 bình luận
Giải bóng rổ NBA đã trải qua 70 năm tồn tại nhưng số lượng cá nhân được treo áo tôn vinh bởi 2 đội bóng hoặc hơn là rất hiếm.

Giải bóng rổ NBA đã trải qua 70 năm tồn tại nhưng số lượng cá nhân được treo áo tôn vinh bởi 2 đội bóng hoặc hơn là rất hiếm. 

Paul Pierce vừa qua đã được Celtics ký hợp đồng 1 ngày nhằm chuẩn bị cho lễ treo áo tôn vinh anh ở mùa giải cầu thủ này về hưu. Điều đó đã cho thấy mỗi đội bóng luôn rất thành kính và trịnh trọng trong việc thể hiện sự biết ơn với những cầu thủ có công lao đóng góp to lớn.

Đáp lại, các cầu thủ cũng luôn coi nghi thức treo áo như một khoảnh khắc đặc biệt trong sự nghiệp mà không phải ai cũng có được vinh dự. Còn với những người được treo áo bởi 2 đội bóng hoặc hơn, có thể coi đó như sự tự hào.

Nate Thurmond

Nathaniel "Nate" Thurmond xứng đáng là một huyền thoại trong lịch sử giải bóng rổ NBA. Ông có 14 năm thủy chung son sắt trong màu áo của Golden State Warriors (tiền thân là San Francisco Warriors) ở 2 vị trí trung phong/tiền phong. Trong cả sự nghiệp, Thurmond có 7 lần được bình chọn All-Star và 2 lần được vinh danh cầu thủ phòng ngự hay nhất năm.

Thurmon có một kỷ lục đặc biệt khi trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử lập được thành tích quadruple-double (ăn 4 chỉ số trên 10) trong một trận đấu.

Cụ thể, ông đã có 22 điểm, 14 rebound, 13 assist (kiến tạo) và 12 block (cản bóng) ở trận đấu giữa Chicago Bulls và Atlanta Hawks. Ở quãng thời gian tại giải bóng rổ NBA, ông chỉ chơi cho 3 đội bóng là Warriors, Bulls và Cleveland Cavaliers.


Thurmond chơi cho 3 đội bóng NBA và 2 trong số đó xem ông như huyền thoại.

Việc Warriors treo áo tôn vinh Thurmon là điều hiển nhiên nhưng Cavaliers cũng rất vinh hạnh được xem ông như một phần huyền thoại của đội bóng.

Tại mùa giải 1975-76, Thurmon ở tuổi 35, chỉ thi đấu có 13 trận trước khi bị Bulls trao đổi sang Cavaliers. Vốn dĩ trung phong lớn tuổi chỉ chơi dự bị cho Jim Chones nhưng chấn thương của trung phong chủ lực đã tạo điều kiện ra sân chính thức cho Thurmond.

Không ngờ, cầu thủ 35 tuổi đã giúp Cavaliers làm nên bất ngờ khi tiến sâu vào chung kết miền Đông năm 1976 và chỉ để thua Boston Celtics. Thời đó, những người theo dõi giải bóng rổ NBA đã gọi kỳ tích của Cavaliers bằng cụm từ “Phép màu tại Richfield”. Và một lần nữa, tất cả lại ngả mũ tôn kính trước Nate vĩ đại, biệt danh của Thurmond.

Ngay mùa giải sau, Thurmond tuyên bố về hưu và Cavaliers đã vui mừng làm lễ treo số áo 42 huyền thoại của ông. Năm 1978, tới lượt Warriors thực hiện điều tương tự.

Moses Malone

Với 21 năm cống hiến trong sự nghiệp lừng danh, Moise Malone từng khoác áo 10 đội bóng khác nhau nhưng ông thành công nhất ở Houston Rockets và Philadelphia Sixers. 


Năm 1998, Rockets là đội bóng đầu tiên treo áo tôn vinh Moses Malone.

Trong quãng thời gian 10 năm từ 1976 tới 1986, Malone tóc xù từng giành được 3 danh hiệu MVP, 1 chức vô địch cùng Sixers, 7 lần được bình chọn All-Star và 6 lần đứng đầu danh sách rebound toàn giải đấu.

Với thành tích đáng kiêu hãnh, Malone được treo áo lần đầu bởi Houston Rockets vào tháng 11/1998 sau mùa giải ông chính thức về hưu. Mãi tới mùa giải 2016-17, Philadelphia Sixers mới bắt đầu làm lễ treo áo số 2 cho Malone. Tính cho tới lúc từ giã sự nghiệp, trung phong huyền thoại này có tổng cộng hơn 28.000 điểm cùng 17.000 rebound.

Oscar Robertson

Vua triple-double (ăn 3 chỉ số trên 10) mọi thời đại thi đấu 10 năm trong màu áo của Cincinnati Royal. Chính những thành tựu cá nhân của ông đã khiến Royal khỏi bị lãng quên ở hiện tại.

Sẽ khó ai biết tới việc Cincinnati Royal đã từng đổi tên nhiều lần và là tiền thân của Sacramento Kings hiện nay. Có thể nói, trong lịch sử đội bóng cũng không có ai sở hữu nhiều thành công như Robertson.


Bộ mặt của Cincinnati Royal đã thay đổi rất nhiều kể từ khi có Big O.

Thời kỳ tại Royal, Robertson dù chưa có được chức vô địch NBA nhưng đã liên tiếp đưa đội bóng tiến vào Play-off. Năm 1964, ông từng giành danh hiệu MVP (cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu) với kỷ lục trung bình triple-double/trận. Tuy nửa đường chuyển sang Milwaukee Bucks để theo đuổi danh hiệu vô địch nhưng những gì mà Robertson đã làm cho Royal vẫn được ghi nhận.

Sự ra đi của ông không gây ầm ĩ như LeBron James năm 2010 hay như Kevin Durant năm 2016. Thậm chí, vào năm mà Robertson chuyển sang Milwaukee Bucks, Royal còn ngay lập tức làm lễ treo áo số 14 cho ông như một sự ghi nhận công lao đầy chân thành.

Chỉ ngay sau đó 1 năm, Robertson cùng với Kareem Abdul-Jabbar đã mang về chức vô địch cho Bucks. Do đó, dù chỉ thi đấu 4 năm trong màu áo mới, Big O vẫn tiếp tục được đội bóng thứ 2 của mình làm lễ treo áo vinh danh, lần này là với áo đấu số 1.

Julius Erving

Julius Erving với biệt danh Dr. J, là đồng đội MVP của Mose Malone tại Philadelphia Sixers và họ cùng nhau chinh phục những đỉnh cao trong thập kỷ 80. Dr. J có sự nghiệp thi đấu hơi khác biệt khi ông từng đạt danh hiệu vô địch và MVP ở thời kỳ ABA trong màu áo của New York Nets. 


Áo số 6 tại Sixers gắn liền với tên tuổi của Julis Erving.

Khi chuyển sang NBA và khoác áo Philadelphia Sixers, Dr. J nhanh chóng biến đội bóng trở thành thế lực mạnh trong những năm từ 1976-1985. Năm 1981, ông có được danh hiệu MVP đầu tiên tại NBA và chỉ 2 năm sau đã mang về chức vô địch cho Sixers.

Trong cả sự nghiệp, tiền vệ này đã có 11 lần góp mặt trong đội hình All-Star NBA. Khả năng úp rổ của ông cũng rất nổi tiếng với chiêu úp rổ kinh điển kiểu đi chợ.

Năm 1987, New York Nets treo số áo 32 của Dr. J, chỉ sớm hơn 1 năm trước khi Sixers tổ chức buổi lễ tôn vinh tiếp theo cho ông.

Charles Barkley

Không giống như trường hợp của Moses Malone hay Julius Erving, Charles Barkley là người gắn bó những năm đầu sự nghiệp của mình tại Philadelphia Sixers. Ông được pick ở vị trí thứ 5 tại NBA Draft 1984 bởi chính Sixers và có 8 năm cống hiến tại đây. 


Sixers là đội bóng đầu tiên treo áo số 34 của Barkley.

Trước khi chuyển sang đội bóng đi kèm với tên tuổi, Phoenix Suns, Barkley đã có 5 lần được bình chọn All-Star. Ông đương nhiên trở thành một trong những tài năng vĩ đại nhất mà đội bóng đại diện Philadephia từng có.

Và như cách mà đội bóng này vẫn hay làm với những cá nhân tài năng có nhiều đóng góp, Barkley được treo chiếc áo số 34 của mình bên trong Well Fargo Center vào năm 2001, 9 năm sau khi ông lên đường tới Phoenix.

Barkley trở thành cầu thủ thứ 3 trong lịch sử giành được danh hiệu MVP ngay trong năm đầu chuyển sang đội bóng mới. Cũng ở mùa giải 1992-93, Suns với sự góp mặt của Barkley cũng lần đầu tiến tới chung kết NBA kể từ năm 1976.

Mặc dù Barkley đã tuyên bố rằng vô địch là định mệnh dành cho Suns, nhưng cuối cùng, đội bóng của ông vẫn bị đánh bại bởi Chicago Bulls hùng mạnh của Michael Jordan.

Đó cũng là mùa giải đỉnh cao của Barkley do ông đã dính rất nhiều chấn thương dẫn tới việc sụt giảm phong độ ở những năm sau. Sự sa sút này đã khiến Suns không lần nào khác tiến được vào chung kết NBA dù vẫn đạt thành tích khá cao ở regular season. Năm 2004, Suns cuối cùng cũng tôn vinh số áo 34 của Barkley cho những vinh quang mà ông mang lại cho đội bóng.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội