Phía sau số áo 35 của Kevin Durant là một vụ giết người máu lạnh
Một câu chuyện đáng quên hơn đáng nhớ. Một khởi đầu vớ vẩn với kết cục bi thương. Một góc khuất trong đời Kevin Durant xám xịt bởi tội ác và trừng phạt.
Đấy là một đêm mưa tầm tã. Quán bar J’s Sports Café đã tới giờ đóng cửa. Vào lúc đó mà bỗng có đám đông bu quanh ở ngoài cửa thì đừng mong có chuyện gì hay ho.
Quả là thế thật, vì khi đám đông bắt đầu tan rã mỗi người một ngã sau một vụ loạn đả, Charles Craig đi đến nơi đậu xe mà không ngờ rằng tai họa sắp ập đến.
Bởi lẽ, chàng trai 35 tuổi ấy trông quá nổi bật trong đám đông với chiều cao 1m93, nặng 140kg cùng chiếc áo thun polo ngắn tay vàng tươi và không nhìn thấy một gã mình trần cầm khẩu Colt bạc sản xuất năm 1965 đang đuổi theo.
Sau đó, kết quả khám nghiệm tử thi cho biết có một đầu đạn 0,38 cal (1 cal tương đương 9mm) đã xuyên thủng xương sống thứ 10 trong lồng ngực anh và xuyên qua cả động mạch chủ.
Đầu đạn thứ hai nằm trong não và để lại một vết tròn thâm tím ở cổ. Đầu đạn thứ 3 để lại một chút thuốc súng trên hộp sọ khi xuyên qua gò má trái. Đầu đạn thứ 4 cắt qua mô mềm trên da đầu và sượt bên dưới tai trái nạn nhân.
Vụ nổ súng đã khiến bãi đậu xe náo loạn. Nhiều người la hét. Một số nằm bẹp ngay xuống đường. Số khác chạy trốn. Kẻ sát nhân quăng súng rồi tẩu thoát trên một chiếc xe đậu gần đó. Lúc ấy là 2 giờ 40 sáng ngày 30/04/2005.
Khi đó, chú nhóc 16 tuổi Kevin Durant không có mặt tại hiện tường, song nhanh chóng nghe được sự cố. Bởi lẽ, Charles Craig vừa là người cố vấn, vừa là người cha tinh thần và thầy dạy bóng rổ của cậu.
Vậy là không bao lâu sau đó, Kevin Durant bắt đầu đeo áo số 35 để ghi nhớ độ tuổi của Charles Craig lúc anh qua đời.
Bây giờ Kevin Durant đã 28 tuổi, 8 lần đánh trận All-Star và đang khao khát đưa Golden State Warriors tới ngôi vô địch giải bóng rổ NBA 2016-2017.
Đồng thời, chiếc áo số 35 của anh hiện là một trong những áo đấu bán chạy nhất ở giải bóng rổ NBA gần 10 năm qua. Người hâm mộ trên khắp thế giới đua nhau mua áo có tên Kevin Durant cùng số 35 ấy.
Tại Đại học Texas – nơi Kevin Durant từng thi đấu 1 mùa trước lúc gia nhập giải bóng rổ nhà nghề Mỹ năm 2007, ban lãnh đạo đã treo áo số 35 của anh để tôn vinh.
Đối với những người đó, 35 chỉ là một con số. Nhưng với Kevin Durant cùng bất cứ ai quen biết Charles Craig, 35 là câu chuyện về một con người và một khoảnh khắc.
Kevin Durant lên 8 ở lần đầu gặp Charles Craig tại SeatPleasantActivityCenter, một trung tâm nằm chếch về phía Đông cách thủ đô nước Mỹ chừng 10km.
Thật ra trong trung tâm có rất nhiều thầy phụ trách những khâu huấn luyện khác nhau cho bọn trẻ nên đối với Kevin Durant, Charles Craig chỉ quan trọng như từng huấn luyện viên khác.
Khác biệt duy nhất là Charles Craig thường cho bọn trẻ vài đô để mua quà vặt, hay dẫn chúng đi xem phim hoặc đưa chúng về nhà chơi.
“Nó thích con nít”, Claudette Craig – mẹ của Charles Craig từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Nó sẵn lòng làm mọi thứ cho bọn trẻ. Nó có xe tải nên thường đưa cả đám trẻ tới nhà rồi hỏi: ‘Mẹ ơi, con hiện có một lũ nhóc đang đói bụng, mẹ lo cho chúng ăn được không?’. Những lúc đó tôi bảo: ‘Nếu con có thực phẩm thì mẹ sẽ nấu’. Bởi lẽ, Charles làm bếp rất tệ”.
Trong bọn nhóc ấy có Kevin Durant, thời đó tuy cao nhưng gầy. Những lúc đó, Kevin Durant xem nhà của thầy như nhà của cậu, còn thầy Craig chẳng khác người cha thứ hai do cậu không có quan hệ thân thiết với bố đẻ.
“Nếu ông ấy mất lúc 47 tuổi, tôi đã chuyển sang số áo 47”, Kevin Durant tuyên bố: “Đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm cho người mà tôi yêu quý. Đó chẳng phải do con số ấy hay hơn hoặc trông có vẻ tốt hơn đối với tôi. Tất cả chỉ để nhớ về ông ấy”.
Thế nhưng, Kevin Durant thật ra không biết chi tiết về cái chết của Charles Craig, vì đó chỉ là 1 trong 173 vụ giết người ở hạt Prince George năm 2005, một năm cực kỳ nguy hiểm với 466 vụ giết người riêng tại Washington.
Vì vậy, rất ít tin tức về sự cố ấy. Washington Post chỉ đưa vài dòng trong 2 ngày sau vụ án và vài trang sau đó 15 tháng khi tuyên án. Nguyên nhân khiến dư luận thờ ơ phần nào do đây chỉ là thêm vụ giết người nữa ở nơi mà các vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa.
Nguyên nhân khác có lẽ là do vụ án xảy ra trước khi Kevin Durant nổi tiếng. “Vụ án Chucky (biệt danh của Charles Craig) chỉ là một con số thống kê”, Sherri Kittrell – giám đốc SeatPleasantActivityCenter thừa nhận.
Do đó, không bất ngờ khi cái chết đáng buồn và trớ trêu của Charles Craig với hồ sơ vài trăm trang nhanh chóng chìm vào quên lãng sau 4 ngày xét xử.
Thậm chí ngày nay, quán J’s Sports Café với vài chiếc bàn billiards & snooker và một sàn nhảy nhỏ đã không còn nữa sau đêm thứ Sáu giông bão ấy.
Ở nơi đó, Charles Craig từng cùng 2 người em là Kerrick Craig và Kory Nicholson với mấy người bạn như Keith Bryant cùng vợ Quanita kèm người em họ LaDawn Taylor đến uống chút rượu rồi tán gẫu về âm nhạc.
Các kết quả xét nghiệm sau đó cho biết Charles Craig có độ cồn trong người dao động từ 0,08-0,1%, nghĩa là chưa tới mức bị cấm lái xe. Trong người nạn nhân không có chất kích thích.
Trong quần bar, LaDawn Taylor nhận ra Terrell Bush, người mà cô chỉ biết sơ sơ thời còn trung học. Bush lúc đó 24 tuổi, mặc áo da và đội mũ bóng chày. Bush từng bị kết tội giết người năm 2002 nhưng được tha bổng. Vào đêm đó, Bush đã có 3 đứa con và sắp đón thêm đứa nữa.
Đến 2 giờ sáng, nhân viên quán J xua khách ra ngoài, ước khoảng 200 người. Giữa lúc mọi người tản ra dưới cơn mưa, Charles Craig cùng các em và bè bạn cũng rời quán thì nhìn thấp một đôi đang cãi nhau trước quầy cầm đồ.
Đám đông bắt đầu vây quanh họ khi người đàn bà đánh người đàn ông. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Kerrick Craig – hiện 46 tuổi – thú nhận anh là một trong những người đứng xem và cười nhạo người đàn ông bị đánh. Kerrick Craig xác định người đàn ông đó là Bush.
Kerrick Craig còn cho biết khi ấy, một người bạn của họ đã xen vào tìm cách can ngăn đôi kia, nhưng bị Bush đánh nên đánh trả. Ngay lập tức như dầu gặp lửa, một trận chiến đường phố bùng phát.
Ước khoảng 15-20 người say đã tham gia ẩu đả, trong lúc nhân chứng tại tòa cho biết cũng ngần ấy người lao vào can ngăn. Bản thân Kerrick Craig dính một cú đấm vào mặt làm văng mất kính.
Charles Craig định xông vào can, nhưng bị mấy cô gái lôi đi. Vấn đề xem ra là lúc đó, Charles Craig trông quá nổi bật, một mặt do dáng người cao to, mặt khác do chiếc áo vàng chóe.
“Chồng tôi, cô em họ cùng người bạn gái đã kéo được Chucky rời xa đám đánh nhau và tiến về phía tôi đang ở chỗ đậu xe”, Quanita Bryant cho lời khai vào năm 2006.
Vào thời điểm đó, đám người hăng máu cũng từ từ phân tán. Chỉ một vài người còn nhớ rằng ai đó đã hét lên cảnh báo có một kẻ mang súng.
Nhưng Charles Craig đã không quay lại nhìn. Một người đàn ông cởi trần, có lẽ do áo bị lột mất trong lúc lộn xộn, đã lao nhanh đến sau anh và bắn liền 4 phát.
“Một gã đã đuổi theo anh tôi, bắn anh ấy rồi lại bắn anh ấy, xong nhảy lên một chiếc xe tẩu thoát”, Kerrick Craig làm chứng.
“Anh có nhìn rõ kẻ đã bắn anh trai anh không?”, một luật sư đã hỏi.
“Không nhìn rõ lắm”, Kerrick Craig thú nhận: “Tôi bị mất mắt kính”.
Hiện là quản lý trạm trong hệ thống xe điện ngầm ở Washington, Kerrick Craig hầu như ngày nào đều nhớ tới đêm ấy, trong đầu như quay chậm lại cảnh người đàn ông từ phía sau áp sát anh trai anh, và tự hỏi tại sao kẻ sát nhân lại đuổi theo anh trai mình mà không phải mình.
“Tôi luôn cảm thấy mình có tội”, Kerrick Craig tâm sự: “Tôi luôn cảm thấy hắn đang tìm tôi. Nếu hắn nhìn thấy tôi, tôi hẳn đã thành mục tiêu để giết”.
Sau đó, tang lễ của Charles Craig được tổ chức tại nhà thờ New Grove Missionary Baptist ở đường Benning. Bà Claudette Craig phải trả thêm tiền để sắm cỗ quan tài quá cỡ, nhưng không đủ tiền để làm mộ bia cho con.
Vì vậy, Charles Craig hiện yên nghỉ trong một ngôi mộ không tên tại Công viên Tưởng niệm Quốc gia Harmony ở Landover, Md. “Tất cả những gì tôi muốn làm trước lúc chết là đặt vào đó một tấm bia mộ”, bà Claudette Craig thổ lộ: “Tôi nay 70 rồi, không còn nhiều thời gian nữa”.
Về phần Terrell Bush, gã này sống trong căn hộ cách vụ nổ súng chưa đầy 2 cây số, nhưng phải 6 tháng sau cảnh sát mới tìm được hắn ta.
Nguyên nhân là do rất nhiều người chứng kiến cảnh nổ súng, nhưng do hỗn loạn và mưa to trong bãi đậu xe lờ mờ ánh sáng nên hầu như không ai thấy rõ diện mạo hắn.
Thậm chí Quanita Bryant cũng không báo cảnh dù có góc nhìn rất rõ và đứng cách đó chưa đầy 5m. LaDawn Taylor còn biết Bush từ hồi ở trung học, nhưng cũng không khai báo.
Người duy nhất liên lạc với cảnh sát là một người bạn đi cùng họ và sớm đoạt lấy khẩu súng của kẻ sát nhân rồi cẩn thận giấu nó ở sau bánh xe trước.
Đấy là LaRonn Smith, người đã nói với trung sĩ Charles Burgess rằng anh ta đang nắm một chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên, hạ sĩ Rona Johnson - kỹ thuật viên của cảnh sát hạt Prince George – đã không thể thu được dấu vân tay trên súng do quá ướt, trong lúc mưa lớn đã xóa sạch mọi dấu vết khác để kiểm tra DNA.
Chẳng rõ Rona Johnson nói có thật không, nhưng chưa ai biết làm cách nào mà chỉ vài ngày sau vụ nổ súng, cảnh sát bắt đầu truy lùng dấu vết của Bush.
Và 4 ngày sau, ngay trước khi chôn Charles Craig,Kerrick Craig gọi cho thám tử Kelly Rogers thuộc cảnh sát hạt Prince George để báo về việc bạn gái anh kể rằng ở chỗ làm có người phụ nữ cho biết bồ cô ta có lẽ đã bắt chết ai đó hồi cuối tuần.
Kerrick Craig đã đưa cho Kelly Rogers một cái tên: Terrell Bush.
Kelly Rogers bèn tìm một tấm ảnh cũ của Bush rồi chế thêm chuỗi ảnh 6 người đàn ông có chi tiết trùng với miêu tả của các nhân chứng về kẻ mang súng: Một người da đen tóc dài có chiều cao trung bình chừng 1m65-1m70.
Kelly Rogers đã cho Quanita Bryant và LaDawn Taylor xem những bức ảnh này cùng lúc, nhưng tách họ ra. Điều trớ trêu là cả hai đều không nhận ra Bush và LaDawn Taylor cũng chẳng nhắc gì về việc họ từng biết nhau thời trung học.
Nhưng hôm sau, vào ngày chôn Charles Craig, Kelly Rogers cùng đồng nghiệp đã gặp LaRonn Smith ở một góc phố. “Tôi đưa anh ta xem mấy tấm hình”, Kelly Rogers khai báo: “Tôi nhìn mắt anh ấy lướt trên trang giấy rồi bỗng dưng mở to. Anh ấy bắt đầu thở mạnh. Và anh ấy chỉ vào số 6. Anh ấy khẳng định đó là kẻ đã bắn bạn anh ấy hoặc bắn nạn nhân rạng sáng 30 ấy”.
LaRonn Smith ký tên vào sau tờ giấy và viết rõ số “6”. Cuối này hôm đó, Bush bị lùng bắt về tội giết người cấp độ 1.
Nhưng Bush đã trốn chạy trong mấy tháng. Tới cuối tháng 5, hắn ta đến nhà của Steven và Denise Jackson tại ngoại ô Atlanta. Hai người này mới gặp Bush 1-2 lần trong nhà người quen ở Maryland và chỉ biết hắn gọi là Bush Baby.
Lúc ấy, họ nhận Bush do người bạn nhờ giúp: Bush Baby có thể ở chung với mọi người tại Georgia hay không? Sau đó, Bush nói với nhà Jackson rằng tên hắn là Wayne Remington.
Bush ở nhà Jackson nhưng không đi làm gì cả. Thỉnh thoảng hắn nhận tiền thông qua dịch vụ Western Union và cho biết đó là số tiền hắn bán xe ở Maryland. Hắn gọi vợ chồng Jackson là “chú” và “cô”, nhưng chưa từng giải thích tại sao lại rời Maryland.
Cho đến một ngày của tháng 12, Bush, Jackson cùng 2 người bạn đang ở trong căn hộ thì thấy một xe cảnh sát lảng vảng bên ngoài. Jackson bèn tông cửa chạy do tưởng rằng cảnh sát tới kiếm ông ta vì đang có lệnh bắt giữ từ Ohio. Tuy nhiên, Michael Carlson từ cảnh sát hạt Prince George đến Georgia không phải để tìm Jackson.
Trang bị áo giáp chống đạn, hạ sĩ Michael Carlson cùng những người khác tiến vào nhà và nhìn thấy Bush ở hành lang. Michael Carlson bảo hắn ngồi xuống sàn, đọc lệnh bắt rồi còng tay.
“Hắn hỏi tôi người tôi muốn bắt là ai, tôi bảo: ‘Terrell Bush’. Hắn nói đó không phải tên hắn. Tôi bảo hắn rằng tôi biết đó là tên hắn và cuộc trò chuyện chấm dứt”, Michael Carlson cho biết. Bush đã bị giam giữ từ đó.
Phiên tòa tại Tòa án quận hạt Prince George bắt đầu vào ngày 21/08/2006, lúc Bush 25 tuổi, còn Kevin Durant vừa bước vào Đại học Texas.
Phiên tòa diễn ra trong 2 ngày rưỡi rồi chuyển cho ban bồi thẩm. Triệu tập 14 nhân chứng, nhưng chỉ có 4 chứng kiến tận mắt vụ giết người mà đều là bạn hoặc họ hàng của Charles Craig.
Nhân vật chính lúc đó là LaRonn Smith, người duy nhất sẵn lòng và xác định Bush là hung thủ. Thế nhưng, LaRonn Smith cũng thừa nhận là đêm đó anh ta đã say.
Vì vậy, các cuộc tranh luận đã kéo dài tới ngày thứ 3. Thomas Mooney – luật sư biện hộ viện cớ vụ này chỉ có 1 nhân chứng, lại là nhân chứng có vấn đề và không có bằng chứng trực tiếp chống lại Bush. “Cuộc điều tra hoàn toàn bế tắc”, Thomas Mooney khẳng định.
Tuy nhiên, các công tố viên có bằng chứng Bush xuất hiện tại bar đêm đó, lại thêm có người thấy gã mang súng và ngay sau đó hắn chuyển tới Georgia sống bằng bí danh.
William Moomau – công tố viên liên bang kết luận: “Đây là bằng chứng cho thấy bị cáo đã giết người đàn ông đó rồi muốn thoát tội. Xâu chuỗi mọi hành động của bị cáo đã chỉ rõ điều đó”.
Khi tòa tuyên án Bush phạm tội giết người ở mức độ 1, hầu như chẳng mấy ai có mặt tại phòng xử nhỏ xíu ấy mỗi ngày. Ngoại lệ là bà Claudette Craig.
Bản án được thông báo vào ngày thứ Hai, 28/08.
“Xin chào buổi sáng”, bà Claudette Craig nói khi có cơ hội trò chuyện trước tòa và với Bush. Bà còn nhớ rõ lúc đó Bush không thèm nhìn mình: “Tôi đã cân nhắc và suy nghĩ về điều mình muốn nói. Tôi muốn cậu ấy biết rằng cậu ta chẳng có quyền tước đi mạng sống con tôi và biết rằng cậu ta đã hủy hoại tôi cùng gia đình như thế nào. Và đâu chỉ cậu ta hủy hoại tôi cùng gia đình, mà còn hủy hoại cả mẹ cậu ta nữa. Con trai tôi đã mất, cậu ta rồi cũng xong. Mẹ cậu ta sẽ đau chẳng khác tôi. Tôi chẳng biết nói gì với cậu ta ngoài câu Chúa phù hộ cho cậu và thương xót linh hồn cậu”.
Bush được yêu cầu đứng dậy và tòa hỏi hắn ta có muốn nói gì không.
“Uhm, nghe theo lời khuyên từ luật sư của mình, tôi xin giữ im lặng”, Bush nói.
Kết quả Bush chịu án tù chung thân dành cho kẻ sát nhân mức độ 1, cộng thêm 20 năm tù về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Mọi nỗ lực chống án đều bất thành.
Khi tuyên bố bản án vào năm 2006, quan tòa đã bảo với Bush: “Bush này, cậu đúng là máu lạnh khi giết Charles Craig”.
Hai ngày sau đó, trường Đại học Texas khai giảng với tân sinh viên Kevin Durant tự nhủ cả đời này anh chỉ mặc áo số 35 mà thôi.