Tại sao “đi câu cá” lại trở thành cụm từ nổi tiếng tại NBA?
Hàng năm, hình ảnh hài hước của các thành viên ở những đội bóng thuộc giải bóng rổ NBA được ghép vào hoạt động câu cá gây ra sự tò mò về nguồn gốc của việc làm này.
Vừa qua, khi vòng 1 NBA Play-off 2017 khép lại, nhiều nhà báo Mỹ lại có thói quen sử dụng cụm từ “Grizzlies gone fishing and Spurs go on!”. Điều này thông báo việc Grizzlies đã dừng cuộc chơi còn Spurs là đội đi tiếp.
Trào lưu ghép ảnh những cầu thủ hoặc các thành viên của đội bóng đã giảm bớt trong vài năm nay nhưng vẫn tạo ấn tượng không phai. Nếu một đội bóng bị loại khỏi cuộc chơi NBA Play-off, khuôn mặt của họ sẽ được ghép vào những bức ảnh mô tả hoạt động câu cá ở các địa điểm khác nhau bằng kỹ thuật photoshop.
Cũng nhờ sự hài hước nơi những bức hình, cụm từ “Gone Fishin’” (đi câu cá) đã trở nên phổ biến đối với giới hâm mộ NBA nói riêng và thể thao Mỹ nói chung.
Trên hệ thống hỏi đáp Yahoo! Answer, nơi từng có không ít những câu hỏi về nguồn gốc của cụm từ “Gone Fishing’”. Đa số những người trả lời đều nói họ liên tưởng sự ra đời của cụm từ này với chương trình bình luận “Inside the NBA” của TNT.
Với phát kiến của Ernie Johnson, chương trình được chính thức lên hình vào năm 1989, trở nên ưa chuộng với dàn sao bình luận như Kenny Smith, Charles Barkey, và sau này là Shaquille O'Neal, Chris Webber hay David Aldridge ….
“Inside the NBA” từng sử dụng nhiều cụm từ hay biệt danh cho các sự kiện và cầu thủ của NBA, mà sau đó được fan hâm mộ cảm thấy thú vị và bắt chước dùng lại.
Trong số này, “Gone Fishin’” là cụm từ nổi tiếng nhất. Nó thường được sử dụng mỗi khi một đội bóng bị loại khỏi vòng Play-off (hoặc đối với các đội bóng không tiến vào được Play-off), và được giới thiệu trong các bức ảnh có mặt các thành viên của đội bóng đó cùng ở trên chiếc thuyền câu với nhà bình luận Kenny Smith.
Đôi khi, Barkey và Smith sẽ đưa ra những dự đoán về đội nào sẽ bị loại trong các cặp đấu bằng cách ghép mặt họ cùng với một số thành viên của đội bóng đó.
Thậm chí, vài người nổi tiếng ngoài lĩnh vực bóng rổ nhưng thuộc các khu vực vùng miền đặc trưng cũng được đưa vào. Ví dụ như bức hình ghép với chính trị gia Condoleeza Rice để ám chỉ việc Washington Wizards sẽ dừng bước tại NBA Play-off năm 2005. Hay như việc đưa ngôi sao điện ảnh Jack Nicholson vào công việc câu cá cùng với các cầu thủ Los Angeles Lakers.
Được biết, “Gone Fishin’” xuất hiện đầu tiên tại NBA từ tận những năm 90 – khi Phoenix Suns có cơ hội để đi tiếp trong vòng Play-off. Họ đã tạo ra hình ảnh linh vật khỉ Gorilla của mình đang cầm trên tay một chiếc cần câu để ám chỉ Suns sẽ cho đối thủ đi câu cá.
Có nghĩa là cụm từ này có nguồn gốc lâu đời hơn và không phải được sáng tạo ra bởi “Inside the NBA”. Chỉ có điều, chương trình này đã biến nó thành một trào lưu hài hước và mang sức ảnh hưởng rộng hơn tới các môn thể thao khác.
Sau NBA, tới lượt giải bóng chày chuyên nghiệp Mỹ cũng thường sử dụng cụm từ “Gone huntin’” (Đi săn) cho ý nghĩa tương đương. Nhiều giải đấu khác còn sử dụng luôn nguyên mẫu và biến nó thành thổ ngữ mới tại Mỹ chuyên áp dụng cho lĩnh vực thể thao.
Cụm từ chính xác của TNT được viết là “Gone Fishin’”, một cách viết tắt thường thấy khi thay chữ “g” so với từ gốc “Fishing” trong tiếng Anh bằng dấu “ ‘ “. Về ý nghĩa cổ, “Gone Fishing” là thổ ngữ dùng để chỉ một ai đó hoàn toàn không nhận thức được các vấn đề xảy ra ngay xung quanh mình.
Hoặc đơn giản có thể giống như một sự bàng quan, thờ ơ trước các chuyện to tát xung quanh. Cụm từ này được du nhập vào Mỹ trong thế kỷ 20 và ban đầu thường được ghi trên những dấu hiệu nhắc nhở những chủ tiệm bán hàng hóa địa phương xao lãng với công việc của mình.
Tuy vậy, phần lớn về sau, “Gone Fishing” còn được hiểu theo nghĩa là những ai đó có thể gạt bỏ những gánh lo về những công việc quan trọng thường ngày để tận hưởng sự thanh thản. Chính vì lẽ đó, các cặp đôi xin nghỉ phép để hưởng thụ những tuần lễ du lịch bên nhau, hành động này của họ cũng được gọi là “Gone Fishing”.
Hay như khi các siêu sao bóng rổ như Tim Duncan hay Kobe Bryant chính thức từ giã sự nghiệp, một số bài báo Mỹ cũng giật tít lớn là “Tim Duncan/Kobe Bryant gone fishin’”.
Rõ ràng, cụm từ này cũng mang tới một thông điệp tích cực dành cho những cá nhân hay tập thể đã dừng chân trong hành trình chinh phục giấc mơ của họ rằng: “Đã đến lúc được nghỉ ngơi”.