Chân dung đoàn VĐV tị nạn đầu tiên trong lịch sử Olympic
Đoàn VĐV tị nạn đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội đã có mặt tại Rio de Janeiro, sẵn sàng cho những màn so tài hấp dẫn tại Olympic 2016.
5 VĐV người Nam Sudan đã kết thúc chuyến bay từ Kenya tới Rio de Janeiro, bắt đầu hành trình chinh phục giấc mơ Olympic. "Tôi muốn gặp Usain Bolt, dù chỉ là ở làng VĐV Olympic thôi cũng được", VĐV Paulo Lokoro háo hức tiết lộ ngay mục tiêu đầu tiên.
Tại Rio 2016, Lokoro sẽ tranh tài ở nội dung chạy 1.500m nam. Những VĐV còn lại trong chuyến bay này đều thi đấu ở bộ môn điền kinh, bao gồm Yiech Pur Biel (800m nam), James Nyang (400m nam), Anjelina Nadai (1.500m nữ) và Rose Lokonyen (800m nữ).
"Đây là một khoảnh khắc trọng đại khi chúng tôi đại diện cho hàng nghìn người dân tị nạn trên khắp thế giới", VĐV Anjelina Nadai nghẹn ngào. "Chúng tôi không muốn trở thành những người dân tị nạn, nhưng điều đó đã xảy ra. Olympic sẽ là cơ hội để chúng tôi cho mọi người thấy mình là ai. Tôi hy vọng số lượng người dân tị nạn trên thế giới này sẽ ngày càng giảm xuống."
Trưởng đoàn VĐV tị nạn - bà Kenyan Tegla Loroupe chính là VĐV nữ đầu tiên của châu Phi giành chiến thắng tại giải New York Marathon vào năm 1998. Trong sự nghiệp, bà Kenyan từng 3 lần tham dự Thế vận hội vào các năm 1992, 1996 và 2000.
Hai kình ngư của đoàn VĐV tị nạn là Yusra Mardini và Rami Anis hiện đang tập luyện tại Nhà thi đấu Olympic Aquatics. Trong khi đó, hai VĐV Judo người Congo Popole Misenga và Yolande Mabika đều sớm có mặt tại Rio do đang ở Brazil theo diện tị nạn.
Đoàn VĐV tị nạn sẽ chính thức đầy đủ quân số vào ngày 01/08, thời điểm VĐV marathon Yonas Kinde đặt chân tới Rio sau chuyến bay từ Luxembourg.
10 thành viên đoàn VĐV tị nạn tại Olympic 2016
Sau khi lựa chọn kỹ càng từ 43 ứng cử viên, Ủy ban Olympic Quốc tế đã đưa ra 10 cái tên ưu tú nhất góp mặt trong đoàn VĐV tị nạn (ROT) tranh tài tại Rio 2016.
1. Yusra Mardini
Sinh sống ở Đức cùng gia đình từ năm 3 tuổi, kình ngư người Syria không cần huy chương Olympic để trở thành người hùng. Năm 2015, cô cùng với em gái đã sử dụng thuyền máy để đưa 18 người Syria chạy trốn thành công từ Thổ Nhĩ Kỳ sang đảo Lesbos (Hy Lạp).
"Em tôi luôn nói với tôi rằng, 'Chị hãy chứng tỏ cho mọi người thấy, những người tị nạn có thể làm được những gì", VĐV 18 tuổi Yusra Mardini chia sẻ.
2. Rami Anis
Bị ép đi lính khi chiến tranh Syria nổ ra, chàng trai 25 tuổi Rami Anis đã cùng gia đình trốn sang Hy Lạp, trước khi trải qua 10 ngày lênh đênh trên sóng biển để đến với đất nước Bỉ xinh đẹp.
"Tôi sẽ được nhìn thấy kình ngư vĩ đại Michael Phelps", Anis thổ lộ. "Dù là người tị nạn hay Syria thì khi bước vào trận đấu, tất cả những gì tôi muốn là thành tích cao nhất".
3. Yiech Pur Biel
Chuyển tới trại tị nạn Kakuma ở Kenya sinh sống từ khi còn nhỏ, VĐV 21 tuổi người Nam Sudan này chơi bóng đá trước khi bén duyên với nội dung chạy 800m nam.
"Ở Kakuma, chúng tôi thậm chí còn không có một đôi giày để chạy", Yiech Pur Biel nhớ lại. "Việc tham dự Olympic 2016 sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời tôi."
4. Anjelina Nadai
Sống cùng người dì ở trại tị nạn Kakuma từ năm 2002, Anjelina Nadai đã cho thấy năng khiếu ở cự li chạy 1.500m khi đang học trong trường cấp 3. Năm 2015, Nadai lọt vào mắt xanh của cựu VĐV marathon Kenyan Tegla Loroupe và được tập luyện bài bản kể từ đó đến nay.
Naidai cho biết, nếu giành được thành công trong sự nghiệp, cô sẽ lấy số tiền kiếm được để giúp đỡ cho bố mẹ và các em của mình, những người mà cô không thể liên lạc từ năm 2002 đến nay.
5. Popole Misenga
Mẹ qua đời, em trai bị mất tích: Những mất mát mà cuộc chiến tại Congo để lại cho Popole Misenga là không thể bù đắp. Sau khi đến Rio để tham dự giải Judo VĐTG năm 2013, VĐV 24 tuổi này đã xin tị nạn.
"Một cảm giác thật lạ khi được tham dự đấu trường Olympic. Tôi sẽ chiến đấu vì gia đình tôi", Popole Misenga tuyên bố.
6. Yolande Mabika
Giống như Misenga, VĐV 28 tuổi Yolande Mabika đã xin tị nạn tại Brazil sau khi tham dự giải Judo VĐTG năm 2013. Hiện tại, cô đang tập luyện tại Phòng tập Instituto Reacao, thành phố Rio de Janeiro.
"Đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy giữ vững niềm tin dù xảy ra bất kỳ chuyện gì", Mabika gửi thông điệp tới tất cả những người tị nạn trên toàn thế giới.
7. Rose Lokonyen
Năm nay 23 tuổi, Rose Nathike Lokonyen chuyển tới trại tị nạn Kakuma từ năm 2002, thời điểm đất nước Nam Sudan chìm trong khói lửa chiến tranh. Hiện tại, Rose Lokonyen đang sinh sống cùng anh, chị, em tại Kenya. Trong khi đó, bố mẹ của Lokonyen đã quay trở lại Nam Sudan.
Tại Olympic 2016, Lokoyen sẽ thi đấu ở nội dung chạy 800m nữ. "Ở Kakuma, tôi từng về nhì trong một cuộc đua 10km", VĐV 23 tuổi cho biết.
8. Paulo Lokoro
Paulo Amotun Lokoro sẽ thi đấu ở nội dung chạy 1.500m nam tại Rio 2016. Năm nay 24 tuổi, Lokoro từng phải băng qua rừng thông trong tình cảnh không lương thực, khi cuộc chiến tại Nam Sudan nổ ra.
Đến năm 2006, Lokoro đã có mặt tại trại tị nạn Kakuma, nơi mẹ anh sinh sống kể từ năm 2004. "Tôi muốn phá kỷ lục thế giới và giành lấy tấm HCV", Lokoro tiết lộ mục tiêu của anh.
9. James Nyang Chienggjiek
Sau khi người cha qua đời vào năm 1999, Nyang Chiengjiek đã cùng mẹ rời khỏi thị trấn Bentiu tại Nam Sudan. Đến năm 2002, anh có mặt tại trại tị nạn Kakuma trước khi chuyển tới Nairobi 1 năm sau đó để tập nội dung chạy 400m dưới sự bảo trợ của Tegla Loroupe Peace Foundation.
"Tôi rất biết ơn những người đã ủng hộ mình cho đến thời điểm này. Và vì từng được giúp đỡ, tôi muốn mình thành công để có khả năng giúp đỡ người khác", Nyang Chiengjiek tâm sự.
10. Yonas Kinde
Ở tuổi 36, Yonas Kinde là thành viên "già" nhất trong số các VĐV tị nạn tham dự Rio 2016. Trước khi đoàn VĐV tị nạn được thành lập, Yonas Kinde chưa từng thi đấu tại bất kỳ sự kiện thể thao quan trọng nào.
"Tôi từng thắng nhiều cuộc thi. Tuy nhiên, tôi lại không có quốc tịch để tham dự các giải lớn như Olympic hay VĐ châu Âu", VĐV người Ethiopia chia sẻ.