Cử tạ Việt Nam còn "vàng mắt" đến bao giờ ở Olympic sau cú ngã Trịnh Văn Vinh?
1. Chỉ 1 ngày sau khi Trịnh Văn Vinh thất bại toàn diện ở hạng -61 kg cử tạ Olympic 2024, đô cử Rizki Juniansyah đã giành tấm HCV lịch sử đầu tiên cho cử tạ Indonesia ở hạng -73 kg với mức tổng cử 354 kg. Thậm chí, Rizki còn lập kỷ lục cử đẩy với thông số 199 kg.
Cũng ở hạng cân này, đô cử giành HCB là VĐV Thái Lan, Wichuma Weeraphon (346 kg) gây ấn tượng không kém với kỷ lục cử đẩy (198 kg) dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Weeraphon còn chưa bước sang tuổi 20 khi đứng trên bục vinh danh ở Paris, trong khi Rizki mới bước qua tuổi 21. Điều đó có nghĩa cả hai đô cử tài năng này sẽ còn nhiều cơ hội tranh tài ở những kỳ thế vận hội trong tương lai để nhắm đến vinh quang cho quốc gia.
Đây có thể xem là kỳ Olympic thành công nhất với cử tạ Indonesia khi giành tấm HCV lịch sử. Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đã trở thành nước thứ 3 trong khu vực ĐNÁ chạm đến HCV cử tạ thế vận hội.
Với cử tạ Thái Lan, 2 HCB và 1 HCĐ là thành tích không tồi. Đặc biệt, ngoài tài năng trẻ Wichuma Weeraphon hạng -73 kg, ngay ở hạng cân -61 kg mà Trịnh Văn Vinh tranh tài, Thái Lan cũng trình làng đô cử Silachai Theerapong thi đấu cực tốt khi đạt tổng cử 303 kg để giành HCB dù chưa bước sang tuổi 21.
Rõ ràng, cả Thái Lan và Indonesia tiếp tục cho thấy chiến lược đầu tư bài bản, khôn khéo, hiệu quả khi nhào nặn ra những đô cử tài năng có thể đứng bục huy chương Olympic ngay từ tuổi đôi mươi. Còn với Philippines, dù thế vận hội lần này không có huy chương thì với việc Hidilyn Diaz giành tấm HCV -55 kg nữ tại Tokyo 3 năm trước đã ghi dấu cử tạ quốc gia này vươn lên một đẳng cấp khác.
Sau cùng, nếu tính những quốc gia trong khu vực ĐNÁ nhắm đến cử tạ như là môn mũi nhọn để tranh chấp huy chương Olympic, thậm chí là HCV, chỉ còn lại Việt Nam vẫn... "vàng mắt" mong mỏi thành tích...
2. "Thất bại của Trịnh Văn Vinh ở Olympic Paris không có gì là sốc hay bất ngờ cả. Việc đô cử này có được suất đến thế vận hội đã là rất nỗ lực rồi. Với thực lực vậy, trừ phi Văn Vinh thi đấu xuất thần cộng thêm yếu tố may mắn bất ngờ từ đối thủ mới có hy vọng huy chương", chuyên gia Đỗ Đình Kháng, TTK Liên đoàn Cử tạ & Thể hình Việt Nam, người nhiều năm phụ trách bộ môn cử tạ TCTDTT, chia sẻ ngay sau phần thi thất bại của Văn Vinh.
Còn nhớ mức tổng cử 294 kg ở giải đấu tính vòng loại Olympic gần như cuối cùng hồi tháng 4 năm nay, Trịnh Văn Vinh phải nín thở chờ đợi mới biết mình chắc chắn được tranh tài tại Paris. Tất nhiên, mức tổng cử đó - có thể hiểu là ngưỡng thành tích tốt nhất Vinh có thể đạt đến hiện tại - được dự báo từ đầu rằng "không có cửa tranh chấp huy chương".
Thực tế, người giành HCĐ hạng -61 kg vừa qua, đô cử người Mỹ Morris Hampton đạt tổng cử 298 kg. Thậm chí, lực sỹ xếp thứ 4 cũng đẩy đến 297 kg và đó lại là... VĐV mới 22 tuổi Bin Kasdan của Malaysia, quốc gia khác ở khu vực ĐNÁ.
Ở tuổi 29, rõ ràng những năm tháng thi đấu sung mãn nhất của Văn Vinh đã... để lại ở SEA Games 2017 (giành 1 HCV) và sau đó 1 năm tại ASIAD 2018 (đạt HCB). Án phạt cấm thi đấu 4 năm dài đằng đẵng vì liên quan đến doping, suốt từ 2019 đến đầu năm 2023 đã "kéo tụt" nhiều thứ với đô cử gốc Bắc Ninh, từ tâm lý đến chuyên môn thành tích.
Một HLV đội tuyển cử tạ Việt Nam từng tiết lộ, "2 năm đầu án phạt Văn Vinh vẫn duy trì phong độ, thông số thành tích dù chỉ tập chay, thậm chí thành tích của đô cử này không thua kém top 3 huy chương ở Olympic Tokyo tổ chức vào mùa hè 2021".
Nhưng sau 4 năm, chỉ tập chay, lại là câu chuyện hoàn toàn khác...
3. Ở kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp, khi đã 29 tuổi, và phải gánh trọng trách "niềm hy vọng huy chương cuối cùng của đoàn Thể thao Việt Nam ở Paris", Trịnh Văn Vinh đã khuỵu ngã theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng cũng khó có thể trách Văn Vinh khi để rơi tạ ở cả 3 lần thi cử giật. Tại ASIAD tháng 10 năm ngoái ở Hàng Châu, Văn Vinh cũng đã "rơi tạ" ở 4/6 lần cử trong hai phần thi cử giật và cử đẩy.
Kết quả 292 kg tổng cử khi đó chỉ giúp lực sỹ này xếp thứ 7 nội dung -61 kg. Thậm chí Văn Vinh còn xếp dưới đồng đội đàn em Nguyễn Trần Anh Tuấn (294 kg).
Dù cũng đã ở tuổi 26, Nguyễn Trần Anh Tuấn không thể bứt phá để nhắm đến suất Olympic 2024. Và như thế cuối cùng mọi áp lực thành tích Olympic của cử tạ nói riêng và TVNN đều dồn cả lên đôi vai Văn Vinh, đô cử mới trở lại sau án phạt 4 năm, mang đến một thực tế nghe thật chua chát cay đắng và mơ hồ.
"Giờ rất khó để tìm được một đô cử có cá tính mạnh mẽ, tinh thần máu chiến đấu cao và chuyên môn tốt như Hoàng Anh Tuấn...", chuyên gia Đỗ Đình Kháng thừa nhận.
Còn nhớ, khi Hoàng Anh Tuấn giành tấm HCB lịch sử -56 kg nam cho cử tạ Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008, thành tích đó đã mở ra một chu kỳ ngắn ngủi đáng nhớ bởi nối tiếp sau đó Trần Lê Quốc Toàn "nối nghiệp" đàn anh có tấm HCĐ tại thế vận hội London 2012.
Đấy là thời điểm mà trong cả khu vực ĐNÁ mới có duy nhất Thái Lan từng giành HCV cử tạ (Olympic 2004). Nhưng giờ đến lượt Philippines và cả Indonesia đều đã có thành tích vàng thế vận hội.
Philippines tiếp bước Thái Lan "đánh" vào hạng cân nhỏ của nữ và gặt quả ngọt HCV 2020 hạng -55 kg nữ với đô cử Hidilyn Diaz.
Thậm chí, cái cách Rizki Juniansyah phá kỷ lục cử đẩy khi giành HCV Olympic hạng -73 kg vừa qua (còn đô cử Thái Lan có HCB) cho thấy tiềm lực to lớn của cử tạ Indonesia khi "đánh" vào những hạng cân trước nay được mặc định là "không phù hợp với thể chất tầm vóc người ĐNÁ".
Điều đó cho thấy một sự thật là ngoài chiến lược tiếp tục tấn công những hạng cân nhỏ ở cả nội dung của nam và nữ, việc bứt lên tầm cân hạng trung cử tạ Olympic cũng đã được Thái Lan, Indonesia tính toán đầu tư bài bản, khoa học và hiệu quả.
Còn với cử tạ Việt Nam, sau những kỳ tích huy chương của Hoàng Anh Tuấn hay Trần Lê Quốc Toàn, đã 3 kỳ thế vận hội trắng tay với số lượng đô cử đạt chuẩn tham dự giảm dần trong khi thông số chuyên môn sa sút thấy rõ.
Sau Trịnh Văn Vinh, giờ mỏi mắt chưa thấy một đô cử nào vươn đến trình độ của Văn Vinh thời kỳ sung mãn nhất, chứ chưa nói vượt qua đàn anh ở hạng -61 kg nam với nhiều tiềm năng có thể kỳ vọng. Và sau những gương mặt nữ nổi bật như Nguyễn Thị Thiết (-63 kg), Vương Thị Huyền (-49 kg), Hoàng Thị Duyên (-59 kg), giờ tranh chấp huy chương khu vực ở những hạng cân nhỏ và vừa của nữ cũng là cả một vấn đề khó khăn.
Tất cả, có lẽ, sẽ phải chờ "màn giải cứu" đúng nghĩa, với việc tính toán lại cực kỳ khoa học và chuẩn xác từ chiến lược tuyển chọn, đào tạo, đầu tư bài bản cho từng nhóm hạng cân, từng VĐV trọng điểm với lớp lang kế cận rõ ràng, không chỉ cho Olympic mà còn là ASIAD.
Nhưng liệu bao giờ điều đó sẽ diễn ra...