Hai nữ chiến binh rowing và hành trình sóng gió khó tin đến Olympic 2021
Bộ đôi Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo thi đấu xuất sắc ở Vòng loại Olympic 2021 hồi tháng 5 tại Nhật Bản. Cả hai về nhì ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ để mang về tấm vé dự tranh Thế vận hội cho thể thao Việt Nam. Một thành tích mà HLV Lê Văn Quang nhận định là “tốt nhất từ trước tới nay của rowing Việt Nam”.
“Trước khi thi đấu, chúng tôi cũng xác định đây là nội dung thế mạnh của rowing Việt Nam. Ba lần trước, chúng ta đều giành vé dự Olympic ở nội dung này. Và lần này, các VĐV xuất sắc về thứ nhì. Đây là thành tích tốt nhất so với ba lần trước đó. Thậm chí, nếu có chiến thuật hợp lý hơn, hai VĐV Thảo – Hảo có thể cạnh tranh sòng phẳng với cặp đôi về nhất của nước chủ nhà”, ông Quang nói thêm.
Vinh quang là thế nhưng ít ai biết được, đội rowing Việt Nam đã trải qua những ngày tháng đầy gian truân. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên khi đoàn xuất phát ngày 30/4, tất cả đều rất lặng lẽ, không hề đón đưa. Bởi ai cũng hiểu, được tham dự các giải quốc tế lúc này là cả một vấn đề.
Ấy vậy, cảm giác thi đấu quốc tế cũng là bài toán với không chỉ rowing mà còn thể thao Việt Nam. “Hai năm qua không được đi thi đấu quốc tế, cảm giác của mỗi VĐV khó tả lắm. Khi nhận thông tin đi thi đấu, tôi rất phấn khởi, cố gắng và quyết tâm nhiều hơn”, Đinh Thị Hảo tâm sự.
Thế nhưng, xen lẫn với đó là tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Hảo thừa nhận: “Trong bối cảnh này, lúc được đi, tôi cũng như mọi người vui lắm vì lâu lắm rồi không được tham gia các giải lớn ở nước ngoài. Nhưng khi đi cũng lo vì tình hình dịch bệnh bên đó phức tạp. Lúc đi nhiều cảm xúc đan xen. Gia đình luôn động viên, bảo sang đó chú ý an toàn, không tiếp xúc với người ngoài nhiều”.
Hai năm “tập chay” là hai năm mà BHL cũng chỉ “biết mình” còn thông tin về các đối thủ hầu như không có. Đó cũng là tình cảnh chung của mọi đoàn ở châu Á. “Lúc đi, BHL xác định nội dung này mạnh nhất, có cơ hội nhất. Đó chỉ là trên phỏng đoán vì hai năm nay không tham gia các giải quốc tế nên không biết các đối thủ tập luyện như thế nào, tiến bộ ra sao, lực lượng VĐV cũ hay mới,…Mình chỉ biết mình và các đối thủ khác cũng vậy”, HLV Lê Văn Quang nói.
Gạt những khó khăn, cảm xúc hỗn độn sang một bên, tất cả lên đường sang Nhật với hành trang về niềm tin chiến thắng. Một chuyến đi đặc biệt chờ đón trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. “Khác với mọi lần xuất ngoại trước đây, khi bay sang Nhật, chúng tôi được BTC đưa đón về khách sạn ở tập trung, không được đi đâu. Mọi di chuyển đều được BTC giám sát chặt chẽ.
Vừa đặt chân xuống sân bay là được kiểm tra COVID-19 bằng RT-PCR. Về đến khách sạn, ngày nào cũng phải kiểm tra. Mỗi lần lấy như thế khó chịu lắm nhưng không ảnh hưởng đến quá trình tập luyện”, Hảo chia sẻ.
Di chuyển đến ngày 30/4 nhưng phải sang ngày 2/5, toàn đội mới được làm quen với địa điểm thi đấu. Các VĐV có 3 buổi để tập ở hồ. “Ba ngày cũng đủ thời gian làm quen, nhưng nếu dài hơn thì càng tốt, buộc chúng tôi phải làm quen nhanh về địa điểm thi đấu lẫn thời tiết. Đây là khó khăn chung cho các đội nước ngoài”, VĐV sinh năm 1997 giãi bày.
Có quá nhiều sự khác lạ, khó khăn so với những lần trước đây. Dù vậy, sóng gió vẫn chưa chịu buông tha những cô gái đầy can trường. Theo lịch thi đấu, ngày 5/5, Hảo cùng Thảo sẽ bước vào tranh tài ở vòng loại. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn nên BTC buộc phải hoãn.
Điều này khiến giải đấu phải “dồn toa” trong hai ngày 6 và 7. “Nếu thi đúng 3 ngày, chúng tôi sẽ được nghỉ một buổi nhưng khi dồn lại thì vòng loại và chung kết thi trong vòng 2 ngày, bắt buộc thi cả buổi sáng lẫn buổi chiều”, Hảo chia sẻ.
Thế là, sáng ngày mùng 6, Hảo và Thảo bước vào tranh tài ở vòng loại. Cả hai chưa có vé dự vòng chung kết nên phải thi thêm buổi chiều. “Điều này khiến sức khỏe giảm đi, cơ thể mệt hơn”, Hảo nói. Nhưng rồi, cả hai đã xuất sắc để cán đích ở vị trí thứ hai, qua đó mang về tấm vé thứ 7 dự Olympic 2020 cho Thể thao Việt Nam.
“Vui, hạnh phúc và tự hào lắm”, Hảo thổ lộ. Cả đoàn mang theo niềm vui, háo hức trở về Việt Nam trong đêm 7/5. Ấy thế, sau đó là cả quãng thời gian đầy trắc trở bởi toàn đội trải qua 21 ngày cách ly tập trung. Bài toán về kế hoạch tập luyện quả thật quá nan giải. “Sau khi trở về từ Nhật, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể vì phải trải qua 21 ngày cách ly ở khách sạn tại Hà Nội. Thời gian này ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực, sức khỏe. Chúng tôi chỉ cố gắng duy trì thể lực trên bờ”, Hảo cho hay.
“Đối với các VĐV, khi thường xuyên quen với nhịp vận động mạnh mà không làm gì chỉ trong 1, 2 ngày cũng khiến họ bức bí. Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể. Đợi 1, 2 ngày, khi các VĐV ổn định trong khu cách ly sẽ tính cho tập ở phòng. Tuy vậy, giải quyết vấn đề rất là ít, chỉ 20% và chủ yếu tập thể lực trên cạn, mà tập trong phòng không có dụng cụ gì, chỉ tập làm sao cho cơ thể không bị ì.
Tôi cũng nghĩ phương án, nếu chúng tôi ở tầng 3, các VĐV ở tầng 4 thì phải liên hệ bằng zalo, viber rồi bắt VĐV tập, mình hô, khống chế thời gian,… Sáng một tiếng, chiều cũng thế. Tập thế thì chán lắm nhưng phải vượt qua thôi. Các bài tập chỉ mang tính chất gánh trọng lượng cơ thể”, HLV Lê Văn Quang trăn trở.
“Sau khi hết cách ly, thời gian vào Olympic chỉ khoảng 1 tháng 20 ngày. Lúc đó, các VĐV mất vài ngày để lấy lại thể trạng bình thường rồi mới vào bài tập. Các nước ở châu Á chắc cũng như mình cả thôi. Khó mình, khó ta. Tất cả đều phải cố gắng để hướng đến mục tiêu Olympic 2021”, ông Quang nói.
Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo cùng đoàn thể thao Việt Nam đã nhập Làng VĐV Olympic vào ngày hôm nay (19/7). Cả hai sẽ bước vào tranh tài ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ nữ vào sáng 23/7.
Rowing là đội duy nhất của thể thao Việt Nam từng thi đấu ở Nhật Bản trước khi Olympic 2021 khởi tranh. Điều này giúp bộ đôi Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo dễ dàng làm quen với điều kiện thời tiết, nơi thi đấu... Đặc biệt, họ từng trải qua quy trình tổ chức nghiêm ngặt của nước chủ nhà trong bối cảnh đặc biệt này nên không có nhiều cảm giác bỡ ngỡ.