Olympic: 120 năm đẫm máu, nước mắt, xung đột và tranh cãi (Bài 2)

chủ nhật 31-7-2016 15:50:37 +07:00 0 bình luận
Trải qua hơn thế kỷ thăng trầm, vượt lên chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, Olympic vẫn đang nỗ lực trung thành với tôn chỉ "thể thao không biên giới".

Trải qua hơn thế kỷ thăng trầm, vượt lên chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, Olympic vẫn đang nỗ lực trung thành với tôn chỉ "thể thao không biên giới".

11. London (Anh) 1948


London 1948

Trong 2 năm 1940 và 1944, Olympic đều bị hủy bỏ do Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Ở London 1948, các nước XHCN lần đầu tiên tham gia Olympic. Đức và Nhật không được mời do những gì họ đã gây ra trong chiến tranh.

Liên Xô quyết định không tham dự. Các đoàn VĐV thuộc 59 quốc gia tham gia diễu hành trong lễ khai mạc đầy xúc động tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Fanny Blankers-Koen (Hà Lan) là VĐV giành nhiều huy chương nhất tại London. Bà mẹ 30 tuổi có 2 con này đã đoạt tới 4 HCV môn điền kinh ở cự li 100m, 200m, 80m vượt rào và 4x100m tiếp sức.

Mặc dù Olympic là sự kiện thể thao nhằm tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia bất chấp thể chế chính trị, nhưng nó vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của chính trị.

Một thế giới “không có biên giới” ở Olympic dường như là điều bất khả thi. Nhiều quốc gia bắt đầu tẩy chay với các cuộc biểu tình chống chiến tranh, phản đối các vi phạm nhân quyền diễn ra trên khắp thế giới.

12. Helsinki (Phần Lan) 1952


Helsinki 1952

4.952 VĐV từ 69 quốc gia đã tham gia Helsinki 1952 tranh tài ở 19 môn. Đoàn Liên Xô lần đầu tiên tham dự Olympic, chịu “ngồi chung” với đoàn thể thao Mỹ.

Ở giải này, Emil và Dana Zatopek, một cặp vợ chồng của đoàn Tiệp Khắc giành tới 4 HCV ở các nội dung chạy 5.000m, 10.000m, marathon và ném lao.

Với 2 HCV và 5 HCB, VĐV TDDC Maria Gorokhovskaya (Liên Xô) trở thành nữ VĐV giành nhiều huy chương nhất trong 1 kỳ thế vận hội.

13. Melbourne (Australia) 1956


Melbourne 1956

3.342 VĐV thuộc 72 quốc gia tham dự Olympic lần đầu tiên diễn ra ở phía Nam bán cầu. Riêng môn đua ngựa được tổ chức ở Thụy Điển thay vì ở Australia do luật kiểm dịch của xứ chuột túi. Đây là kỳ Olympic thứ hai sau Antwerp 1920, các môn thi đấu diễn ra bên ngoài phạm vi 1 quốc gia.

Các VĐV TDDC một lần nữa là những diễn viên chính trên "sàn diễn" Olympic. Viktor Chukarin (Liên Xô) và Agnes Keleti (Hungary) là 2 VĐV giành nhiều huy chương nhất thế vận hội khi mỗi người sở hữu 4 HCV và 2 HCB.

Vì nhiều lý do khác nhau, 7 quốc gia đã tẩy chay kỳ Olympic này.

14. Rome (Italia) 1960


Rome 1960

Một vài môn thi đấu của Rome 1960 được tổ chức trong sân vận động cổ như môn vật diễn ra tại Basilica Maxentius, nơi mà người La Mã đã từng tổ chức cuộc thi tương tự từ 2.000 năm trước.

Sau này được cả thế giới biết đến với cái tên Muhammad Ali huyền thoại, Cassius Clay giành HCV cho đoàn Mỹ ở môn quyền Anh hạng nhẹ. Ông là một trong những người Mỹ nổi tiếng nhất phản đối kịch liệt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đây còn là kỳ thế vận hội cuối cùng mà Nam Phi được mời sau 32 năm tham gia dưới chế độ Apartheid. Abebe Bikila giành chiến thắng ở môn marathon khi chạy... chân trần. VĐV người Ethiopia này cũng là người châu Phi da đen đầu tiên giành HCV Olympic.

15. Tokyo (Nhật) 1964


Tokyo 1964

Lần đầu tiên, Olympic được tổ chức tại châu Á với sự tham gia của 5.140 VĐV từ 93 quốc gia. Judo và bóng chuyền bắt đầu được đưa vào chương trình thi đấu. Tuy nhiên, Nam Phi bị cấm tham gia vì chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

Olympic kỳ này giúp Nhật Bản hòa nhập với thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cả Nhật và Đức đều bị cấm tham gia cho đến năm 1956. Một sinh viên sinh ra ở Hiroshima vào ngày thành phố này hứng chịu 2 quả bom nguyên tử được chọn là người cầm đuốc. Hình ảnh mang tính biểu trưng cao, nhắc nhở toàn nhân loại gìn giữ hòa bình, không lặp lại sai lầm của quá khứ.

Huyền thoại Larissa Latynina (Liên Xô) là người gặt hái nhiều huy chương nhất với 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ ở môn TDDC. Nữ VĐV này đi vào lịch sử với kỷ lục 18 huy chương Olympic các loại (9 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ). Kỷ lục của bà mãi đến London 2012 mới bị xô đổ bởi một huyền thoại khác, kình ngư Michael Phelps (22 huy chương các loại).

16. Mexico (Mexico) 1968


Mexico 1968

Việc Mexico được lựa chọn để tổ chức Olympic 1968 gây ra nhiều tranh cãi bởi thành phố Mexico nằm ở vị trí rất cao so với mực nước biển (hơn 2.200m, so với Hà Nội khoảng dưới 20m). Không khí loãng ảnh hưởng nhiều đến thành tích ở môn điền kinh. Các VĐV chạy cự li ngắn lập kỷ lục thế giới, trong khi các VĐV chạy cự li dài gặp nhiều khó khăn.

Bob Beamon (Mỹ) lập kỷ lục nhảy xa với thành tích 55,25cm. Chưa kịp mừng rỡ với kết quả đạt được, VĐV này đã ngã quỵ và phải mất một lúc mới tỉnh lại để nhận HCV.

Hai VĐV chạy cự li ngắn John Carlos (HCV) và Tommie Smith (HCĐ) ở nội dung 200m nam đã đi vào lịch sử thế giới khi mặc áo có biểu tượng của Dự án Olympic vì nhân quyền (OPHR) đứng lên bục nhận huy chương, đầu cúi gằm với cánh tay đeo găng tay đen giơ lên cao. Một hành động liều lĩnh với ý đồ truyền tải thông điệp "Black Power" - người da màu cũng có quyền con người.

Peter Norman, VĐV Úc giành HCB, cũng mặc áo có biểu tượng OPHR. Tất cả nhận được sự chú ý của giới truyền thông cũng như của IOC. Cả 3 VĐV này sau đó đều bị cấm không còn được tranh tài ở Olympic. Norman thậm chí không có tên trong danh sách khách mời (những người từng nhận huy chương Olympic) ở lễ khai mạc Sydney 2000.

Năm 2006, Norman qua đời vì cơn đau tim. Smith và Carlos đã cùng đến đưa tiễn người đồng nghiệp dũng cảm đến nơi an nghỉ cuối cùng.

17. Munich (Đức) 1972


Munich 1972

Munich 1972 đi vào lịch sử như là kỳ thế vận hội tăm tối nhất, khi khủng bố len lỏi vào cuộc thi đấu thể thao “phi biên giới, phi chính trị”. 

Những kẻ phát xít mới ở Đức đã giúp đỡ nhóm khủng bố Black September (Tháng 9 Đen) của Palestine bắt cóc và giết chết 11 VĐV Israel. Lực lượng an ninh Đức đã bị chỉ trích nặng nề vì không đảm bảo an ninh cho Olympic 1972. 

Hậu quả là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic hiện đại, các cuộc thi đấu phải dừng lại.

Ngày 06/09, lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố được tổ chức. Nhưng Olympic vẫn tiếp tục được tiến hành. Avery Brundage, Chủ tịch IOC khi đó tuyên bố “Thế vận hội phải được tiếp tục, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giữ gìn Olympic trong sạch, thuần khiết và trung thực”, bất chấp quyết định này bị chỉ trích rất gay gắt.

Sau lễ tưởng niệm, các thành viên còn lại của đội tuyển Israel rút khỏi Olympic. Tất cả các vận động viên người Do thái đều được bảo vệ chặt chẽ. Ai Cập, Philippines, Hà Lan và một số nước khác cũng nối đuôi rời Olympic. Jos Hermens, VĐV chạy cự li dài của Hà Lan cho biết: “Đơn giản thôi. Chúng tôi được mời đến 'bữa tiệc', và rồi ai đó tới xả súng vào mọi người, bạn có thể ở lại không?”.

Cũng tại Munich 1972, công tác kiểm tra doping toàn diện lần đầu tiên được áp dụng. Mỹ lần đầu tiên thất bại ở môn bóng rổ trong trận chung kết nhiều tranh cãi với Liên Xô.

Olga Korbut (Liên Xô) giành 3 HCV ở môn TDDC. Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đón tiếp Olga Korbut tại Nhà Trắng đã nói: "Màn biểu diễn của cô ở Munich đã làm giảm căng thẳng về chính trị trong giai đoạn Chiến tranh lạnh giữa 2 nước".

Kỷ lục giành huy chương nhiều nhất tại 1 kỳ Olympic được thiết lập với 7 HCV thuộc về kình ngư Mark Spitz (Mỹ). 36 năm sau, kỷ lục này mới bị xô đổ bởi Michael Phelps với 8 HCV tại Bắc Kinh 2008.

18. Montreal (Canada) 1976


Montreal 1976

Montreal 1976 là kỳ Olympic thảm họa về tài chính bởi công tác tổ chức tồi tệ. Chủ nhà ngập chìm trong khoản nợ khổng lồ 1,5 tỷ USD và mãi đến tận năm 2006 mới trả hết nợ.

Hơn 20 quốc gia châu Phi tẩy chay Montreal 1976 để phản đối IOC vẫn cho phép New Zealand tham dự, mặc dù đội tuyển bóng bầu dục của nước này đã thi đấu ở Nam Phi, nước bị cấm tham gia Olympic từ năm 1964 vì nạn phân biệt chủng tộc. Cuộc tẩy chay diện rộng khiến Olympic chỉ còn 92 nước góp mặt, so với 121 quốc gia tại Munich 1972.

Một lần nữa, Liên Xô có đại diện xuất sắc giành nhiều HCV nhất tại 1 kỳ thế vận hội là VĐV TDDC Nikolai Andrianov với 4 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

19. Moscow (Nga) 1980


Moscow 1980

Thêm một kỳ Olympic phủ "bóng đen" của chính trị. Được khơi mào bởi Mỹ, Canada, Tây Đức và Nhật cùng tẩy chay Moscow 1980 để phản đối Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Hơn 60 quốc gia đã vắng mặt ở “ngày hội” lần này, trong đó có nhiều quốc gia vì lý do như trên.

Để thay thế, "Liberty Bell Classic" hay còn được biết đến với cái tên "Đại hội thể thao tẩy chay Olympic" được người Mỹ tổ chức tại Philadelphia với sự tham dự của 29 quốc gia tẩy chay Olympic.

Wladyslaw Kozakiewicz, VĐV nhảy sào người Ba Lan sau khi biết chắc thành tích của mình đủ để giành HCV đã có cử chỉ khiếm nhã tương tự cử chỉ “ngón tay thối” (thậm chí cử chỉ này sau đó còn được gọi tên là Kozakiewicz) nhằm vào các CĐV Nga, những người đã la ó khi anh đang thi đấu do chủ nhà có VĐV cạnh tranh huy chương cùng nội dung.

Các quan chức của Liên Xô bị chỉ trích nặng nề vì lạm dụng quyền để phủ nhận dấu ấn của VĐV nhảy sào này với kỷ lục thế giới khi đó (5m78).

Ngoài ra, đội tuyển Đông Đức nữ đã giành tới 11 HCV ở môn điền kinh, thiết lập tới 7 kỷ lục thế giới. Và không bất ngờ khi một VĐV của Liên Xô (Aleksandr Dityatin) lập kỷ lục thế giới về số huy chương giành được tại 1 kỳ Olympic trên sân nhà với  8 huy chương các loại.

20. Los Angeles (Mỹ) 1984


Los Angeles 1984

6.797 VĐV từ 140 quốc gia đã tham dự Los Angeles 1984 trong bối cảnh Liên Xô cùng hơn 15 nước thuộc khối XHCN tẩy chay giải này. Liên Xô đưa ra lý do giải không đủ điều kiện đảm bảo sự an toàn cho các VĐV.

Sự việc này lại một lần nữa dấy lên mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa các cường quốc ở Olympic, tiếp sau màn tẩy chay của Mỹ tại Moscow 1980.

Carl Lewis, VĐV điền kinh Mỹ tạo tiếng vang khi giành 4 HCV ở 4 nội dung: 100m, 200m, nhảy xa và chạy 4x100m tiếp sức.

21. Seoul (Hàn Quốc) 1988


Seoul 1988

8.465 VĐV từ 159 quốc gia tham dự Seoul 1988. Chính trị vẫn là lý do để một số quốc gia vắng mặt như CHDCND Triều Tiên tẩy chay Olympic diễn ra tại Hàn Quốc.

Ben Johnson lập kỷ lục chạy 100m cho đoàn Canada. Tuy nhiên, VĐV này đã bị tước huy chương sau cuộc kiểm tra doping cho kết quả dương tính.

Kristin Otto, VĐV bơi người Đức đi vào lịch sử khi trở thành nữ VĐV giành nhiều huy chương nhất tại 1 kỳ Olympic với 6 HCV.

Greg Louganis, VĐV nhảy cầu giành HCV ở 2 kỳ Olympic (1984-88) sau này tiết lộ anh bị dương tính với HIV, nhưng không nói với ai trước khi tham gia giải. Khi nhảy cầu nội dung 3m, đầu anh đã va vào thành ván và bị vết rách nhỏ. Tuy nhiên, HIV khó lòng tồn tại trong môi trường clo ở bể với hàng ngàn lít nước nên không có ai gặp vấn đề gì.

22. Barcelona (Tây Ban Nha) 1992


Barcelona 1992

Năm 1991, Liên Xô tan rã. Latvia, Litva và Estonia có đội thi đấu riêng, trong khi các nước còn lại thuộc Liên Xô cũ đến Barcelona thi đấu với cái tên mang tính trung lập Đội tuyển Thống nhất dưới lá cờ Olympic. Đội tuyển Thống nhất giành được nhiều huy chương nhất trong đó VĐV TDDC Vitaly Scherbo giành tới 6 HCV.

Khi chế độ apartheid chấm dứt, Nam Phi được trở lại với Olympic. Năm 1990, nước Đức thống nhất. Đức tham dự Olympic chỉ với một đội tuyển kể từ Olympic 1964. Barcelona 1992 còn chứng kiến Indonesia lần đầu tiên giành HCV ở môn cầu lông.

Về công nghệ, cua-rơ Chris Boardman (Anh) gây tranh cãi khi “chơi trội” sử dụng xe đạp làm từ sợi carbon, titanium siêu nhẹ, với hai bánh thiết kế kiểu khí động học, quá mới lạ so với xe đạp kiểu truyền thống.

23. Atlanta (Mỹ) 1996


Atlanta 1996

Lần đầu tiên, số VĐV tham gia sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vượt qua con số 1 vạn người. Atlantan 1996 chào đón 24 quốc gia lần đầu góp mặt trong tổng số 197 quốc gia.

Không còn đội tuyển Thống nhất như ở Barcelona 1992 mà thay vào đó là Nga và hơn 10 quốc gia độc lập khác.

Vụ nổ bom ở Công viên Olympic Thiên niên kỷ khiến một người chết là điểm tối của kỳ Olympic cuối cùng của thế kỷ 20. Lẽ ra, số nạn nhân đã có thể tăng lên rất nhiều, nếu như quả bom không được phát hiện sớm.

Các sự kiện Olympic về sau này hầu như không còn xung đột chính trị lớn đến mức các quốc gia tẩy chay để trả đũa nhau. Thay vào đó, những vấn đề liên quan đến chuyện thi đấu của VĐV như doping và công tác trọng tài nổi cộm hơn bao giờ hết.

24. Sydney (Australia) 2000


Sydney 2000

Tại Sydney 2000, triathlon (ba môn phối hợp) cùng taekwondo lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic.

Cathy Freeman, nữ VĐV gốc thổ dân Aborigine, khiến hàng triệu CĐV nhà mát lòng mát dạ với chiếc HCV danh giá ở nội dung chạy 400m. Cô chính là người châm đuốc thắp sáng đài lửa trong lễ khai mạc.

Steve Redgrave, VĐV môn rowing người Anh trở thành VĐV đầu tiên giành HCV ở 5 kỳ Olympic liên tiếp.

Alexei Nemov, nam VĐV TDDC người Nga tiếp tục đứng trên đỉnh cao Olympic như 4 năm trước với số huy chương y hệt: 2 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ.

25. Athens (Hy Lạp) 2004


Athens 2004

Sau 108 năm, Olympic mới trở lại quê hương  Athens. Hơn 1 thế kỷ với quá nhiều đổi thay, biến động của lịch sử, thịnh suy của nền kinh tế, thăng trầm của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Olympic từ thuở ban đầu với 43 nội dung thuộc 9 môn thi đấu đã phát triển lên 28 môn với 296 nội dung và được hàng tỷ người đón nhận trên toàn thế giới.

Hơn 11.000 VĐV của 199 quốc gia đã cùng nhau trở về “mái nhà” Olympic. Môn chạy marathon có đường đua giống hệt như năm 1896. Môn vật và kiếm chém (đều dành cho nữ) lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu.

Trung Quốc lần đầu tiên giành HCV môn điền kinh nhờ sự xuất sắc của Liu Xiang ở nội dung 110m vượt rào. Michael Phelps (6 HCV, 2 HCĐ) là VĐV đầu tiên giành 8 huy chương trong 1 kỳ Olympic không có nước nào tẩy chay.

26. Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008


Beijing 2008

Trung Quốc đã dàn dựng một trong những buổi lễ khai mạc ấn tượng nhất trong lịch sử Olympic dưới bàn tay "phù thủy" của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu.

VĐV điền kinh Usain Bolt và kình ngư Michael Phelps là hai cái tên rực sáng tại Bắc Kinh 2008. “Tia chớp đen” người Jamaica đã phá 3 kỷ lục thế giới ở 3 cự ly ngắn: 100m, 200m và 100m tiếp sức. Trong khi đó, một mình Michael Phelps giành đến 8 HCV, nhiều hơn bất kỳ VĐV nào khác tại 1 kỳ Olympic trong lịch sử.

Sau nửa thế kỷ, đoàn Anh mới lại có VĐV bơi giành được HCV (2 chiếc). Bắc Kinh 2008 còn có 125 kỷ lục Olympic, trong đó có 37 KLTG được thiết lập. Chủ nhà Trung Quốc lần đầu tiên xếp vị trí số 1 trong bảng tổng sắp huy chương với 51 HCV.

27. London (Anh) 2012


London 2012

London lần thứ 3 đăng cai Olympic khi tiếp đón 10.500 VĐV từ 205 quốc gia cùng 4.200 VĐV khuyết tật từ 165 quốc gia tham dự Paralympic. 8.000 người đã cùng nhau rước đuốc dọc khắp đất nước, qua 1.000 thành phố, thị trấn, làng mạc trong hơn 70 ngày. 

Usain Bolt tiếp tục thách thức những giới hạn của con người khi bảo vệ thành công cả 3 nội dung chạy cự li ngắn: 100m, 200m và 4x100m tiếp sức.

Michael Phelps đi vào lịch sử với tư cách VĐV giàu thành tích nhất khi sở hữu trong tay tổng cộng 22 chiếc huy chương trong đó có 18 HCV.

"Thần đồng" bơi Ye Shiwen (Trung Quốc) dấy lên mối nghi ngờ cô sử dụng doping khi thành tích tăng đột biến trong 50m cuối cùng ở nội dung 400m bơi hỗn hợp. Ye Shiwen từ chỗ còn kém KLTG đã vọt lên vượt 1,02 giây.

Đoàn Mỹ chiếm thế áp đảo tại London 2012 với 104 huy chương, trong đó có 46 HCV.

28. Rio (Brazil) 2016


Rio 2016

Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng Brazil không đủ năng lực tổ chức Olympic, Rio 2016 vẫn hứa hẹn nhiều kỷ lục được thiết lập. Michael Phelps, Usain Bolt sẽ là tâm điểm chú ý của người hâm mộ trong lần xuất hiện cuối cùng trên đường đua Olympic.

Dù giải chưa diễn ra song Rio 2016 chí ít đã lập kỷ lục mới với gần nửa triệu bao cao su được phát ra cho các VĐV (10.500 người, trung bình mỗi người... 42 chiếc).

Lần đầu tiên, IOC hỗ trợ một đội tuyển khác thường tranh tài ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh: Nhóm VĐV tị nạn gồm 10 thành viên.

Vụ doping có hệ thống liên quan đến Nga - quốc gia thường nằm trong tốp đầu của bảng tổng sắp huy chương - đang là sự kiện thu hút sự chú ý của các nhà quan sát trên khắp thế giới.

Ngoài doping, khủng bố và virus Zika là những vấn đề mà chủ nhà phải đối mặt trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp. Rio 2016 đang ở trong những ngày nước sôi lửa bỏng dù nó còn chưa chính thức khai mạc.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội