Quách Thị Lan: Từ dấu chân cô bé dân tộc Mường đến bước chạy vượt rào Olympic
31/7/2021 trở thành ngày đáng nhớ trong sự nghiệp điền kinh của Quách Thị Lan khi cô giành vé vào thẳng vòng bán kết nội dung chạy 400m rào nữ Olympic Tokyo 2021, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết một nội dung chạy có đấu loại tại Thế vận hội.
Lan có cơ hội tranh tài với những VĐV hàng đầu thế giới như: Sydney McLaughlin (Mỹ), người nắm giữ kỷ lục thế giới 51 giây 90 (51.90), VĐV nữ đầu tiên trên thế giới chạy 400m rào dưới 52 giây và sắp tới là đương kim vô địch thế giới và Olympic Dalilah Muhammad (Mỹ), người cũng có thông số chạy 52.16 đáng nể.
Để được góp mặt và tranh tài cùng những hảo thủ như vậy tại đấu trường Olympic, nơi được coi là quá tầm với các VĐV Đông Nam Á và Việt Nam, thì việc Quách Thị Lan vào đến bán kết hay dừng bước ở bất kỳ giai đoạn nào cũng đã là một thành công.
Từ cô bé dân tộc thiểu số Mường…
Quách Thị Lan sinh năm 1995, là người dân tộc thiểu số Mường tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Cô có anh trai là Quách Công Lịch cũng là một VĐV chuyên chạy 400m. Cả hai anh em họ Quách đều có sở trường chạy rào và đều nắm giữ kỷ lục quốc là 55.30 (Lan) và 50.05 (Lịch).
Từ một cô bé có năng khiếu điền kinh, Lan dần trở thành một tuyển thủ chạy rào có tên tuổi sau 10 năm ăn tập trên đại bản doanh Nhổn (Hà Nội). Lan thuộc hàng hiếm của điền kinh nữ Việt Nam khi sở hữu chiều cao 1m75 và thể lực rất phù hợp với môn chạy vượt rào. Trải qua những năm tháng dành cả tuổi trẻ cho điền kinh, cô gái này đã mang theo hành trang là những thành tích và trải nghiệm để đời trong sự nghiệp điền kinh của mình.
…đến nữ tuyển thủ chạy rào số một Việt Nam
Lan tham gia chạy 400m và cả những nội dung chạy tiếp sức của cự ly này, nhưng cho đến Olympic Tokyo 2021 thì giới chuyên môn đã nhận định rằng việc chọn Lan thi đấu 400m rào là một quyết định đúng đắn.
Lan không chỉ là VĐV châu Á duy nhất giành suất vào bán kết 400m rào nữ Olympic Tokyo, mà còn là VĐV Đông Nam Á và gốc Á duy nhất lọt tới vòng đấu này. Thông số 55.71 mà Lan giành được sáng 31/7/2021 được coi là khá tốt trong bối cảnh không được tập huấn và thi đấu cọ xát giải lớn nào trong gần 2 năm qua.
Và cũng đã 3 năm kể từ lần xác lập được thông số 55.30 tại ASIAD 2018 trên đất Indonesia, Lan vẫn chưa có cơ hội để cải thiện thành tích này. Mục tiêu lớn nhất của cô gái xứ Mường là vượt qua thông số trên tại bán kết 400m rào nữ vào ngày 2/8/2021 tới.
Để làm được điều đó, Lan đã phải trải qua rất nhiều năm tập luyện với những chấn thương về cả thể xác lẫn những áp lực về tinh thần.
Lan hiện xếp hạng 1778 thế giới với điểm số 1144. Điểm sáng nhất trong sự nghiệp của Lan chính là từng xếp hạng 20 thế giới trong vòng 4 tuần. Chưa từng có VĐV điền kinh nào làm được điều này.
Với việc xác lập thông số 55.71 tại vòng 1 chạy 400m rào nữ sáng 31/7/2021 tại Nhật Bản, Lan được chấm 1151 điểm, điểm số cao thứ hai trong sự nghiệp thi đấu nội dung 400m rào, chỉ sau điểm số 1163 từng nhận cho thông số 55.30 giành được tại ASIAD 2018.
Tính từ năm 2012 đến nay, thời điểm Quách Thị Lan thi đấu 400m rào và có thành tích được ghi nhận thì thông số này đã có sự thay đổi đáng kể. Thành tích tốt nhất của Lan năm 2012 là 57.30 lập tại giải VĐQG ở Hà Nội. Sau đó, trải qua giai đoạn tập huấn ở Mỹ trong năm hai năm 2015-2016, Quách Thị Lan đã lập thống số cá nhân tốt nhất 55.30 ở ASIAD 2018.
Sau giải điền kinh vô địch châu Á 2019 tại Doha (Qatar) có thông số 56.10, Quách Thị Lan dính chấn thương và không có thành tích tốt tại SEA Games 30 cuối năm đó ở Philippines. Và cho đến tận tháng 11/2020, sau nhiều tháng ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lan mới lại có cơ hội thi đấu và xác lập thông số 55.98 tại Cúp Tốc độ 2020 ở TPHCM.
Và cho đến tận ngày 31/7/2021 vừa qua, Lan mới lại có cơ hội vào rào và thi đấu ở một giải lớn. 55.71 chưa phải thông số tốt nhất Lan có thể đạt tới, nhưng nó cho thấy nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi lớn nhất cuộc đời.
Vào lúc 18:35 ngày 2/8/2021 tới đây, Quách Thị Lan sẽ thi đấu vòng bán kết 400m rào nữ Olympic Tokyo 2021. Ngay cả khi không đạt được mục tiêu phá kỷ lục quốc gia 55.30 của chính mình hay phải dừng bước tại bán kết thì đó cũng là một dấu mốc son không thể quên trong sự nghiệp của cô gái dân tộc thiểu số xứ Mường này.