Thú vị bộ môn nhảy cầu Olympic: Vì sao hồ bơi lại được phun nước?
Trong số các môn thi đấu tại Olympic 2021, nhảy cầu là một trong những bộ môn thu hút rất nhiều người xem bởi mỗi cú nhảy đều mang yếu tố kỹ thuật rất cao và thường rất đẹp mắt.
Tuy nhiên, xuất hiện ở bể bơi diễn ra nội dung thi này là một số hình ảnh khá thú vị. Ví dụ như mặt hồ không bao giờ lặng mà luôn được xịt nước lên trên, các VĐV ngay sau khi vừa nhảy xuống hồ đã lập tức lên tắm khi người còn đang ướt sũng.
Với khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ, rất nhiều điểm số đã bị gạch đi và phần thi không được công nhận.
Vì sao những điều này xuất hiện? Hãy cùng giải đáp một số thắc mắc liên quan đến bộ môn nhảy cầu tại Olympic Tokyo 2021.
Vì sao các VĐV nhảy cầu luôn phải tắm sơ sau khi nhảy?
Hình ảnh rất thường thấy của các VĐV sau khi thực hiện phần thi là họ sẽ lập tức được xối nước, vào khu vực tắm hoặc ngâm mình xuống các bể sục.
Thực chất đây là việc làm để giữ ấm cơ thể cho các VĐV, giúp họ điều tiết nhiệt độ các nhóm cơ ở mức vừa phải và sẵn sàng để thi đấu tiếp.
Chuyên gia lý giải rằng vì các VĐV vừa phải nhảy xuống hồ bơi có nhiệt độ thấp, họ cần phải được làm ấm bằng cách xả nước ấm hoặc ngâm mình vào bồn trước khi lau khô người. Điều này giúp hạn chế khả năng bị chuột rút hoặc căng cơ cho các VĐV.
Ngoài ra, các VĐV nhảy cầu còn có một thói quen là đeo băng KT ở cổ tay. Một cựu VĐV chia sẻ rằng họ làm điều này vì tay luôn là bộ phận tiếp xúc với nước đầu tiên trong mỗi lần nhảy, chịu áp lực khá lớn khi lao xuống nước.
Với băng KT quấn chặt cổ tay, họ sẽ hạn chế được chấn thương hoặc việc bị đau âm ỉ với bộ phận này.
Vì sao luôn có những điểm số bị gạch đi trên bảng điểm cuối cùng?
Ở mỗi lần công bố điểm của cú nhảy, rất nhiều con số thường xuất hiện trên màn hình và một vài điểm số sẽ bị gạch đi. Điều này thường gây khó hiểu cho người xem.
Sẽ có ít nhất 6 giám khảo chấm điểm mỗi cú nhảy (nhiều hơn ở nội dung đôi). Từ đó, điểm số cao nhất và điểm số thấp nhất sẽ được gạch đi, còn lại sẽ được tính theo công thức của FINA (Liên đoàn Bơi lội Thế giới).
Đây là nguyên tắc để loại bỏ mọi khả năng gian lận trong trường hợp một hoặc nhiều giám khảo có ý định tiêu cực, điều chỉnh điểm số theo mục đích riêng của họ.
Vì sao mặt hồ luôn được phun nước lên?
Ngay trước mỗi cú nhảy khoảng 30 giây, nước từ nhiều vòi được phun lên mặt hồ để chúng không bao giờ trở nên tĩnh lặng.
Đây là hình ảnh khá ít xuất hiện trên truyền hình nhưng sẽ rất dễ thấy với những khán giả xem trực tiếp từ khu vực thi đấu.
Lý do để làm việc này khá đơn giản. Ở bộ môn nhảy cầu, các VĐV cần phải xác định được mặt nước đang ở đâu để có thể căn chỉnh các động tác như xoay người, co chân hoặc duỗi cơ thể để sẵn sàng tiếp nước.
Mỗi cú nhảy đã được các VĐV tập luyện hàng trăm nghìn lần. Nhưng khi thi đấu, mặt nước vẫn được làm động để giúp họ có được phần thi tốt nhất.
Ngoài ra, ban tổ chức còn có một số biện pháp đảm bảo an toàn cho các VĐV nhảy cầu. Độ sâu của hồ cho từng nội dung thi sẽ khác nhau (ví dụ như hồ phải sâu tối thiểu 5 mét cho nội dung nhảy cầu 10 mét), giúp các VĐV hạn chế tối đa khả năng va chạm với đáy hồ.
Tại Olympic hoặc một số giải đấu lớn trên thế giới, dưới hồ sẽ được liên tục bơm những bong bóng khí nén (được gọi là “bubbler"). Hệ thống này giúp giảm tốc độ tiếp cận đáy hồ của các VĐV, đặc biệt là ở các nội dung nhảy từ độ cao lớn.
Theo tính toán, các VĐV sẽ lao xuống nước với vận tốc từ 45-55 km/h. Nếu không có những biện pháp an toàn tối thiểu, họ hoàn toàn có thể gặp chấn thương nghiêm trọng.