Từ Hoàng Xuân Vinh đến Nguyễn Thị Oanh và cơ hội quảng bá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam ở Olympic Paris 2024

thứ tư 13-3-2024 20:03:00 +07:00 0 bình luận
Brand Finance từng đánh giá Olympic là thương hiệu đắt giá thứ hai trên thế giới, chỉ sau Apple. Bởi thế sự kiện thể thao danh giá nhất hành tinh này luôn là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, kể cả với doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của Brand Finance từng đánh giá Olympic là thương hiệu đắt giá thứ hai trên thế giới, chỉ sau Apple. Ước tính nó còn đắt giá hơn tất cả các nhà tài trợ lớn của sự kiện này như Samsung, GE và Coca-Cola gộp lại. Theo đó, thương hiệu Olympic mùa Hè London 2012 trị giá 47,6 tỷ USD, tăng 87% so với Olympic Bắc Kinh 2008.

Ở Olympic London từng có 11 nhà tài trợ hàng đầu, với mỗi thương hiệu bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có được hợp đồng tài trợ cho sự kiện, qua đó quảng bá cho chính thương hiệu của nhà tài trợ.

Một thống kê khác đáng chú ý liên quan tới thương hiệu Olympic đó là tại kỳ Thế vận hội mới nhất, Olympic Tokyo 2020, sự kiện này thu hút trên 3,05 tỷ lượt khán giả theo dõi, và riêng các hạ tầng số đã thu hút hơn 28 tỷ lượt xem video các môn thi đấu cũng như thông tin bên lề liên quan. 

Thế vận hội, Olympic mùa hè luôn là sự kiện thể thao lớn và đặc biệt nhất hành tinh

Với Olympic Paris 2024, vào tháng 7 năm ngoái công ty giá trị lớn nhất châu Âu, LVHM, đại gia ngành hàng xa xỉ của tỷ phú giàu nhất hành tinh Bernard Arnault đã công bố hợp đồng tài trợ lịch sử lên tới 150 triêu euro (khoảng 166 triệu đô la). Với hợp đồng này, LVHM sẽ trở thành ngành hàng xa xỉ duy nhất là đối tác chính thức của Olympic và Paralympic Paris 2024.

Rõ ràng, sự hiện diện của LVHM hay nhiều thương hiệu khổng lồ từ những ngành hàng khác nhau ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh 4 năm tổ chức một lần - Thế vận hội mùa hè Olympic là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

Trong thi đấu thể thao nói riêng và từ góc độ thể thao lan tỏa những hiệu ứng tốt đẹp tới xã hội, Olympic chính là "thiên đường lý tưởng" để các doanh nghiệp gửi gắm thương hiệu nhằm đạt hiêu quả quảng bá tốt nhất.

Tất nhiên, đây không chỉ là "thiên đường" dành riêng cho các doanh nghiệp lớn. Cơ hội quảng bá thương hiệu tại Olympic hoàn toàn có thể đến với các nhãn hàng, doanh nghiệp ở Việt Nam.

Điều này đã được chia sẻ cụ thể, với những dẫn chứng sống động, qua bài chuyên đề của ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc dự án công ty Vietcontent, tại Hội thảo Hưởng ứng Olympic 2024 được tổ chức hôm qua 13-3 tại Cục Thể dục thê thao do Ủy ban Olympic Việt Nam cùng Đại sứ quán Cộng hòa Pháp phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Quốc Hưng (phải), Giám đốc dự án Công ty Vietcontent trình bày chuyên đề tại Hội thảo hưởng ứng Olympic Paris 2024

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Olympic là một sự kiện rất lớn và hiệu ứng nó mang lại cũng có sức lan tỏa rộng khắp trên mọi mặt đời sống xã hội, không chỉ là với thể thao nói riêng. Tuy vậy, nhìn từ góc độ khai thác thương mại, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.

"Sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV Olympic Rio 2016 lịch sử, đó không chỉ là niềm vui của ngành Thể thao mà còn là niềm vui của cả đất nước Việt Nam với gần 100 triệu dân. Ở thời điểm đó chúng tôi đã thực hiện một bộ phim ngắn ghi lại hành trình, khoảnh khắc chạm đến vinh quang của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh phục vụ cho việc khai thác thương mại, quảng bá thương hiệu Panasonic.

Riêng cảnh quay Hoàng Xuân Vinh diễn lại thời khắc bắn loạt đạn cuối cùng, giành chiến thắng với gương mặt đầy bất ngờ rồi vỡ òa cảm xúc đã tốn rất nhiều thời gian để thực hiện sao cho lột tả rõ nhất sự bất ngờ chạm đến vinh quang.

Qua sự kiện đó, dưới góc độ nhà tiếp thị thể thao, tôi cũng nhận thấy rằng niềm vui vinh quang bất ngờ của Hoàng Xuân Vinh cũng đã cho thấy thực tế là nhiều nhãn hàng hoàn toàn "bất ngờ" với cơ hội tiếp thị, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp từ một chiến tích, thành công lịch sử. Và ở phía đối diện, VĐV (hay HLV) đạt thành tích cũng "bất ngờ" với cơ hội trở thành đại diện cho những nhãn hàng lớn.

Đấy là thực tế, bởi vậy khi làm việc với các nhãn hàng tiềm năng, chúng tôi đều phân tích rõ rằng làm sao để chuẩn bị cho "những điều bất ngờ" như vậy. Biết đâu tại Olympic Paris 2024 thể thao Việt Nam sẽ lại tạo ra những bất ngờ về thành tích, vậy chúng ta cần phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng?".

Sự kiện xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic Rio 2016 là ví dụ tiêu biểu cho việc khai thác thương mại, hình ảnh VĐV giúp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp
gây ấn tượng mạnh

Để tìm lời giải cho sự chuẩn bị tốt nhất việc khai thác thương mại, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hàng ở một sự kiện lớn như Olympic nói riêng, hay những sự kiện thể thao khác trên thế giới, châu lục hay khu vực, ông Nguyễn Quốc Hưng cũng đã chia sẻ hai yêu tố đặc biệt then chốt. Đó là: Tư duy và nhận diện cơ hội thương mại từ hình ảnh Vận động viên, và Lập kế hoạch đầu tư dài hạn.

Vận động viên chính là linh hồn, cảm hứng ở mỗi sự kiện thể thao. Và hành trình VĐV nỗ lực vượt lên bản thân, khó khăn nghịch cảnh để chạm đến đỉnh cao vinh quang cũng chính là sự lan tỏa tốt đẹp từ thể thao ra toàn xã hội, khắp các lĩnh vực đời sống. Bởi vậy, VĐV cũng chính là hình ảnh giúp khai thác thương mại, quảng bá tuyệt vời cho doanh nghiệp.

Với yếu tố Tư duy và nhận diện cơ hội thương mại từ hình ảnh Vận động viên, ông Nguyễn Quốc Hưng đã dẫn chứng từ chính kinh nghiệm thực tế làm việc của công ty Vietcontent và VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. 

"Vietcontent và VĐV Nguyễn Thị Oanh đã hợp tác trong gần 5 năm qua. Vietcontent hân hạnh đầu tư, xây dựng hình ảnh của VĐV Nguyễn Thị Oanh và cung cấp những thành tích thi đấu nổi bật cũng như giá trị media của VĐV khi khai thác thương mại, quảng bá thương hiệu tới các nhãn hàng, doanh nghiệp. Hiện nay Nguyễn Thị Oanh không làm việc trực tiếp với các nhãn hàng mà sẽ thông qua Vietcontent. Đây cũng là sự hợp tác hiệu quả và tốt đẹp.

Sở dĩ tôi chia sẻ hình ảnh và sự hợp tác này bởi thực tế là nếu đợi VĐV giành huy chương, thành tích cao mới tiếp cận sẽ rất muộn mằn vì đó cũng là lúc rất nhiều đơn vị đổ xô tới tiếp cận nên không dễ để một doanh nghiệp cụ thể có thể ký kết hợp đồng hợp tác với VĐV.

Thực tế khi làm việc với nhiều nhãn hàng tài trợ tiềm năng, chúng tôi nhận thấy họ đều gặp vấn đề trong việc xác định rõ những VĐV tiềm năng, giá trị, có thể vươn đến đỉnh cao để từ đó nhận diện cơ hội khai thác thương mại từ hình ảnh VĐV đó tại những sự kiện thể thao lớn. Thông qua đây, tôi cũng nhắn gửi tới các nhãn hàng, đó là có thể trao đổi thông tin, kết hợp với Cục TDTT, Ủy ban Olympic, những đơn vị tiếp thị thể thao hàng đầu để từ đó xác định rõ hơn những VĐV trọng điểm có thể nhắm tới khai thác thương mại".

Sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, trường hợp VĐV Nguyễn Thị Oanh hợp tác với Vietcontent là ví dụ tiêu biểu cho việc nhận diện khai thác thương mại từ hình ảnh VĐV xuất sắc

Bên cạnh yếu tố Tư duy và nhận diện cơ hội thương mại từ hình ảnh Vận động viên, theo ông Nguyễn Quốc Hưng, việc Lập kế hoạch đầu tư dài hạn chính là bước then chốt khác để có thể khai thác thương mại và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp hiệu quả.

Dẫn chứng sinh động, điển hình ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ tại Hội thảo chính là việc Vietcontent đã chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng  chiến dịch tiếp thị thương mại cho SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam năm 2022.

"Để chuẩn bị cho SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào năm 2021 thì từ 2 năm trước đó, năm 2019 Vietcontent đã bắt đầu với chiến dịch tổ chức thi sáng tác logo, biểu trưng, bài hát.. cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này. Ở những thị trường nước ngoài phát triển, việc chuẩn bị chiến dịch truyền thông, tiếp thị thương mại cho một sự kiện thể thao lớn bắt đầu trước 2 hay thậm chí 4 năm là điều rất bình thường. 

Ở đây, tôi muốn chia sẻ một điều đó là sự chuẩn bị về truyền thông hay khai thác thương mại cũng giống như việc chuẩn bị của một VĐV đỉnh cao cho một sự kiện thể thao lớn. Nó đòi hỏi kế hoạch đầu tư trong dài hạn, cẩn thận chu đáo nhất, khoa học nhất. Chỉ có như vậy mới đạt thành công và tránh được "những bất ngờ" như đã nói ở phần đầu", ông Nguyễn Quốc Hưng trình bày.

Được biết, tại Hội thảo hưởng ứng Olympic Paris 2024 tổ chức hôm qua 13-3 có tổng cộng 6 chuyên đề được các khách mời bao gồm Đại sứ Pháp tại Việt Nam ông Samuel Ducroquet, giáo sư, chuyên gia uy tín tham dự trình bày. 

Hiện Thể thao Việt Nam vẫn đang nỗ lực giành từ 12-15 suất tham dự Olympic Paris 2024. Vận động viên mới nhất giành suất dự Olympic là võ sỹ boxing Võ Thị Kim Ánh. Trước đó các VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Thị Mộng Tuyền, Trịnh Thu Vinh (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) đã giành 4 suất đến Thế vận hội mùa hè này.

Võ Thị Kim Ánh là VĐV mới nhất giành suất dự Olympic Paris 2024
cho Thể thao Việt Nam
Hội thảo hưởng ứng Olympic Paris 2024 mang đến nhiều thông tin, chia sẻ, phân tích
hữu ích và quan trọng cho Thể thao Việt Nam, các VĐV và cả các doanh nghiệp
Nguyễn Y Vân
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội