Vì sao bắn súng vẫn là “mũi nhọn” tranh huy chương của thể thao Việt Nam ở Olympic 2028?
Cách đây 8 năm ở Rio de Janeiro, Hoàng Xuân Vinh đã làm rạng danh thể thao nước nhà với 1 HCV, 1 HCB. Đó là cú hích để môn bắn súng nhận được sự quan tâm, đầu tư hơn thay vì gặp muôn vàn cảnh tréo ngoeo trước đó.
Song, xét ở khía cạnh thành tích, bắn súng Việt Nam chưa tạo ra sự đột phá. Hai kỳ Olympic gần nhất, môn này vẫn chưa thể nối gót thành tích của Hoàng Xuân Vinh. Mới nhất tại Paris, Trịnh Thu Vinh suýt chút nữa có huy chương ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
Thực tế nhìn nhận, bắn súng vẫn là môn có cơ hội, tiềm năng để tranh huy chương Thế vận hội. Đó không phải là điều quá viển vông mà xuất phát từ thực tế về sự đầu tư, thành tích, tính cạnh tranh lẫn tiềm lực. Bắn súng Việt Nam đổi đời với trường bắn quốc gia đưa vào hoạt động. Từ đây, những khó khăn dần để lại phía sau và thay vào đó chính là nguồn lực VĐV dồi dào. Không còn phụ thuộc vào các lứa đàn anh, đàn chú, bắn súng nước nhà đang sản sinh ra một lứa VĐV tài năng còn rất trẻ.
Đó là nhà vô địch ASIAD Phạm Quang Huy hay Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Phí Thanh Thảo... Tất cả đều có dấu ấn ở đấu trường quốc tế. Vấn đề là làm sao để tất cả có thể phát huy tiềm năng, sở trường.
Trong thi đấu, bắn súng ẩn chứa nhiều bất ngờ có thể xảy ra. Chẳng hạn ở Olympic 2024, cả bốn nhà vô địch thế giới đều dừng bước ngay vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ mà Trịnh Thu Vinh tham dự.
Bộ môn này đòi hỏi tâm lý vững vàng, phong độ ổn định và xuất thần. Trong một ngày thi đấu đạt cường độ cao, các VĐV có thể tạo nên thành tích tốt cho bản thân.
Dù vậy, cốt lõi vẫn là vấn đề đầu tư. Tại Olympic 2012, Hoàng Xuân Vinh đứng thứ 4 một cách đầy tiếc nuối song nhờ vào sự đầu tư đặc biệt, xạ thủ này có kỳ Olympic thành công 4 năm sau đó.
Là người gắn bó lâu năm với bắn súng Việt Nam, chuyên gia Park Chung Gun cũng đánh giá, Trịnh Thu Vinh hoàn toàn có khả năng lấy huy chương ở Los Angeles nếu được hỗ trợ tốt nhất. Chính cô cũng đau đáu giấc mơ “đòi nợ” ở kỳ Olympic tiếp theo.
Khó khăn của ngành thể thao nằm ở ngân sách khi chỉ đủ đáp ứng các chi phí cơ bản như tập luyện, tập huấn, dinh dưỡng thi đấu cho cả ngàn VĐV. Trong khi đó, chúng ta thiếu các đề án có tính chuyên biệt cho những môn mũi nhọn hay VĐV trọng điểm trong một thời gian dài. Nhìn ở các nước trong khu vực đủ để thấy, đây chính là lỗ hỏng.
Thái Lan có Panipak giành HCV Olympic hai kỳ liên tiếp. Cử tạ Indonesia luôn có huy chương trong 2 thập niên. Malaysia cũng có mũi nhọn về cầu lông. Philippines đầu tư mạnh cho Carlos Yulo trong 1 thập niên gần đây.
Rõ ràng, xã hội hóa thể thao sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn để không chỉ bắn súng mà các môn khác có thể cất cánh. Thể thao nước nhà còn nặng cách dàn trải khi vẫn chú trọng nhiều đến SEA Games và thiếu nguồn lực cần thiết cho sân chơi lớn như Olympic.
Bắn súng có nhiều tiềm năng để tranh sòng phẳng huy chương Olympic nhưng con đường để tiến tới hành trình không hề đơn giản. Bài toán đặt ra với ngành thể thao nhằm tạo cơ hội rõ ràng hơn cho Thế vận hội sau đây 4 năm tại Mỹ.