Cầu thủ ngoại: Man Utd đuổi kịp Chelsea
Real Madrid cũng chào thua
Những số liệu về các CLB hàng đầu Premier League cho đến thời điểm này chứng tỏ làng bóng đá Anh vẫn duy trì “truyền thống” chuộng cầu thủ ngoại. Để hiểu hơn về mức độ chuộng ngoại của Premier League, xin lưu ý là “dải ngân hà” của Real Madrid chỉ có chẵn 10 quốc tịch khác nhau, cụ thể gồm Pháp, Nga, Đức, xứ Wales, Brazil, Croatia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Colombia và Costa Rica. Không chỉ vậy, số lượng cầu thủ người bản địa vẫn áp đảo khi chiếm tới 50% quân số của đội 1.
Trong khi ấy, 4 CLB hùng mạnh nhất gồm Chelsea, Man Utd, Man City, Arsenal, hiện không CLB nào có dưới 11 loại quốc tịch. Điều bất ngờ là Man City, vốn bị điểm mặt như “gã nhà giàu mới nổi” lẽ ra phải có nhiều quốc tịch nhất, nhưng thực tế chỉ có đại diện của 11 nước khác nhau. Arsenal nhỉnh hơn 2 quốc tịch. Tuy nhiên, đứng đầu nhóm hiện là Chelsea của HLV Jose Mourinho với các cầu thủ đến từ 14 nước khác nhau.
Ở mùa trước, Man Utd chỉ mới có 11 quốc tịch. Nhưng đến hè năm nay, “Quỷ đỏ” vừa bắt kịp Chelsea do bổ sung thêm 3 tân binh với các quốc tịch mới là Bastian Schweinsteiger (Đức), Matteo Darmian (Italia) và Morgan Schneiderlin (Pháp). Thậm chí, số quốc tịch tại Old Trafford trong hè 2015 rất có thể lên tới 18, nếu Angelo Henriquez (Chile), Ryan McConnell (Ireland), Saidy Janko (Thụy Sĩ) và Nani (Bồ Đào Nha) đều được giữ lại “Nhà hát của những giấc mơ”.
“Kim chỉ nam” cho thành công
Nếu muốn học hỏi cách làm bóng đá hiệu quả của các “đại gia”, những đội còn lại ở Premier League xem ra không chỉ cần phải chú ý tới số lượng quốc tịch, mà còn cần lưu ý đến quốc tịch nào phổ biến nhất trong nhóm “đại gia” này. Từ bảng thống kê nêu trên tính ra, thông dụng nhất là “hàng” Brazil, Pháp và TBN do cả 5 CLB đều có. Kế đến là Đức với 4 đội có (ngoại trừ Man Utd), tương tự là Bỉ (Arsenal không có). Song song đó, cả 2 cường quốc Italia và Argentina đều bị thất sủng khi chỉ có duy nhất Man Utd là sử dụng cả 2 quốc tịch này, trong lúc Chelsea không có một cầu thủ Argentina hay Italia nào, thay vào đó lại có một “nhóc tì” Burkina Faso.
Từ đây có thể khoanh vùng những nguồn cầu thủ thích hợp nhất cho Premier League. Xét về mặt “truyền thống”, đấy là Pháp và TBN, những “lò xuất khẩu” hàng đầu vào Anh với số lượng ở mùa 2014/15 chỉ kém cầu thủ bản xứ. Các CLB hàng đầu của Anh tẩy chay “hàng” Italia cũng là điều dễ hiểu, vì các cầu thủ đến từ đất nước hình chiếc ủng hiếm khi tạo ấn tượng tốt ở Premier League nên mùa qua chỉ lèo tèo vài người. Một xu thế dễ nhận dạng khác là nhóm cầu thủ Bỉ và Brazil đang ngày càng được Premier League ưa chuộng và trong Top 10 “quốc tịch” có thành viên đông đảo nhất mùa trước.
Tuy nhiên, người Đức ở Premier League có thể xem như “khám phá” của các “đại gia”, vì tới nay, số cầu thủ đến từ Bundesliga chơi bóng ở Anh vẫn rất khiêm tốn, thậm chí đến mùa qua, số lượng vẫn chưa bằng Bắc Ireland – nền bóng đá vốn sa sút từ lâu. Thành công của các CLB hàng đầu với những “lính đánh thuê” Đức hứa hẹn sẽ đẩy nhanh số lượng nhập khẩu từ Bundesliga. Đồng thời, việc các “đại gia” đi ngược trào lưu Premier League khi tẩy chay các tài năng Argentina – hiện chiếm số lượng thuộc hàng Top 5 – có thể khiến nhiều đội phải cân nhắc xem có nên tiếp tục trọng dụng các “vũ công tango” hay không. Vì ngoài đại diện nổi bật như Sergio Aguero, có dấu hiệu là hầu hết đồng hương của Lionel Messi đều không thể “múa” như mong đợi trên xứ sở sương mù.
MINH CHÂU