Chính phủ Anh tăng quyền lực cho NHM

chủ nhật 24-1-2016 22:56:03 +07:00 0 bình luận
Chính phủ Anh vừa công bố kế hoạch muốn NHM có tiếng nói hơn đối với chiến lược của CLB là ý tưởng tích cực, nhưng không mới. Và trong chừng mực nào đó, đề xuất này còn có vẻ tụt hậu so với thời cuộc.

CĐV khác nào lính cứu hỏa!

Ý tưởng mà chính phủ Anh là thúc đẩy chương trình Fans Fund Panel như cầu nối giữa đại diện cho các hội CĐV với BLĐ của các CLB. Theo đó, Premer League sẽ tài trợ 1 triệu bảng làm chi phí hoạt động trong 3 năm tới cho chương trình này để hỗ trợ các đề án hoặc tổ chức (thường là hội CĐV) nhằm cải thiện mối quan hệ giữa CĐV với BLĐ CLB. Dự kiến là hàng năm, các hội CĐV có quyền buộc BLĐ CLB phải tiếp họ 2 lần để bàn bạc về các vấn đề mang tính chiến lược của đội nhà. Và khi CLB đang có nguy cơ phá sản, chính quyền sẽ phải tiếp xúc với các hội CĐV để nghe những yêu cầu của họ, thậm chí còn cho họ cơ hội để làm chủ CLB. Ngoài ra, BLĐ CLB cần phải thương lượng với các hội CĐV về mọi toan tính thay đổi cơ bản như màu cờ, sắc áo…

Mục đích của đề xuất này rõ ràng có ý nghĩa tích cực với NHM, vì khuyến khích CĐV không chỉ quan tâm tới tình trạng cơ sở vật chất hoặc phong độ của đội nhà, mà nay còn có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về quyền sở hữu, quản lý và định hướng phát triển đội bóng mà họ ủng hộ. Dù vậy, vẫn có những hội CĐV cho rằng ý tưởng này chưa đủ, vì chỉ cho phép NHM được đề xuất mua những CLB đang sắp phá sản. Bởi lẽ, hạn chế này chẳng khác nào xem NHM chỉ như lính cứu hỏa nên chỉ được mua CLB khi các nhà quản lý đều bó tay!

Hội Manchester United Supporters Trust nhận thức khá rõ tình huống này qua thông cáo: “Chúng tôi hoan nghênh đề xuất cho phép CĐV được sở hữu CLB bên bờ vực phá sản, song thực tế là hiện tượng CLB phá sản khá hiếm. Do đó, đề xuất này trở thành rào cản cho phần lớn CĐV muốn tiếp quản CLB không đối mặt với nguy cơ phá sản. Vì thế, chúng tôi hy vọng chính phủ tiếp tục xem xét thêm, nếu họ thật sự nghiêm túc muốn thực hiện những tuyên bố trước đó”.

Đừng xem NHM như “bò sữa”

Đúng là cho tới nay, kế hoạch của chính phủ Anh xem ra vẫn chỉ coi NHM như “bò sữa”, nghĩa là chỉ có “bổn phận” cung cấp tài chính cho CLB hoạt động và đứng ra cứu vớt khi đội nhà rơi vào bước đường cùng. Đấy ắt hẳn cũng là cách nhìn của nhiều BLĐ CLB ở xứ sở sương mù. Và họ thật ra cũng chẳng phải không có cơ sở chính đáng để nhận định như vậy.

Vì theo khảo sát mới đây về lực lượng CĐV, những NHM từ độ tuổi trung niên trở lên thường không quan tâm nhiều tới các chính sách của đội nhà: Họ chỉ đến sân để xem đá bóng. Do đó, đội ngũ cuồng nhiệt nhất chủ yếu gồm các CĐV từ 15-25 tuổi. Ở độ tuổi ấy, họ thường là người lao động chân tay hoặc sinh viên, học sinh nên dễ bị đánh giá là tầm nhìn hạn hẹp.

Vấn đề chỉ là do thường được tổ chức tốt bởi một người đứng ra làm thủ lĩnh, các nhóm CĐV dễ manh động này có ảnh hưởng quan trọng tới nguồn sống của CLB như bán áo…, chưa kể họ thường tự chiếm hẳn một khu khán đài làm “của riêng” nên tác động tới quyền phân phối vé. Nhưng một khi họ giúp các đội như Man Utd tiêu thụ được bình quân 1,2-1,6 triệu áo đấu/mùa suốt 5 năm qua, BLĐ “Quỷ đỏ” rõ ràng chẳng thể phớt lờ phản ứng của họ để coi như chẳng thấy.

Tất nhiên, người trẻ có thể nhìn chưa xa hoặc còn thiếu kinh nghiệm, song chẳng thiếu phương án để hạn chế nhược điểm này khi bàn bạc về đường lối phát triển của CLB. Người Anh có thể lấy Barcelona làm bài học, chẳng hạn như trong đợt tranh cử chủ tịch CLB gần đây. Theo quy định, bất kỳ ai quan tâm tới Barca đều được quyền ứng cử. Thế nhưng, quy định cũng yêu cầu ứng viên tiến vào vòng bỏ phiếu quyết định phải đạt được sự ủng hộ thể hiện qua chữ ký của ít nhất 2.534 CĐV có thẻ thành viên. Con số này thoạt nhìn có vẻ ít, nhưng thực tế muốn lấy đủ thật sự không dễ chút nào. Và bất cứ chọn lựa nào đạt được tán thành nhiều như vậy, CLB có thể yên tâm là chí ít, ý tưởng ấy chẳng đến mức ngô nghê. 

"CĐV luôn là mạch máu của CLB mà họ ủng hộ. Nhưng theo thời gian, mối quan hệ giữa họ với những người điều hành CLB càng rời rạc. Do đó, chính quyền buộc phải có những chính sách nhằm gắn kết các nhà quản lý bóng đá với NHM để xem họ có thể làm được gì hơn cho CLB. Ý tưởng này sẽ là bước tiến lớn thúc đẩy BLĐ CLB và NHM cùng trao đổi về những vấn đề của đội nhà như chiến lược và mấy chuyện liên quan tới quyền sở hữu”.

Tracey Crouch - Bộ trưởng Thể thao Anh.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội