Cuộc khủng hoảng của Man Utd chỉ là “scandal” tạo danh tiếng
659 triệu người hâm mộ. 116 triệu người theo dõi trên các trang mạng xã hội - truyền thông. Hơn 1 tỷ bảng tiền thu về từ các nhà tài trợ, sắp tới doanh thu bản quyền truyền hình tăng 71% trong khi trên thị trường định giá thì Man Utd vẫn là một trong 3 CLB giàu nhất thế giới. Những con số này nói lên điều gì? Ngoại trừ sự thiếu vắng của những chiếc Cúp, thậm chí gần gũi hơn là những chiến thắng trên sân cỏ thì Man Utd quả thực vẫn… vô đối ở khía cạnh tài chính và sức ảnh hưởng.
Đó có thể là kết quả từ truyền thống dựng nên trong hơn 2 thập kỷ, với 20 danh hiệu Premier League và 3 chiếc Cúp châu Âu, nhờ bàn tay điệu nghệ của Sir Alex Ferguson đại tài, song chính trong 2 mùa giải vừa qua Man Utd mới đánh dấu sự bùng nổ về doanh thu tài chính. Họ được chào đón điên cuồng ở Mỹ Hè 2015, ngay cả khi mùa giải trước đó Man Utd bẽ mặt trên sân cỏ. Họ vẫn được tôn trọng ngày nay, bất kể Louis van Gaal đang trực tiếp cắt đi từng mạch máu hi vọng của đội bóng. Và họ, dự tính trong nhiều năm nữa, vẫn là CLB kiếm bộn tiền, cũng như chẳng có gì phải e ngại mất đi lượng fan.
Thực tế là trong bất kể sự kiện nào liên quan đến Man Utd mùa này - những thương vụ chuyển nhượng, những tin đồn sa thải Van Gaal và ứng viên thay thế cho đến những trận thắng và cả những thất bại - Man Utd đều lôi kéo được đám đông vào bàn tán và tranh luận. Dù là ý kiến tích cực hay tiêu cực, sự thật là “Quỷ đỏ” vẫn tất thảy được quan tâm. Nói cách khác, sức hút họ tạo ra sau mỗi kết quả thi đấu là vô cùng lớn (đôi khi CĐV đội bóng thất vọng đến nhục nhã). Cái đó chẳng phải chính là thương hiệu, mà vô hình trung cuộc khủng hoảng thành tích bất ngờ của Man Utd trong 2 năm qua càng khiến cho “thương hiệu Man Utd” bùng phát rộng rãi hơn? Nó hoàn toàn không được tạo dựng nên một cách có chủ ý và chắc hẳn những nhà quản lý Man Utd cũng không ngờ rằng “tai nạn thành tích” này lại khiến Man Utd trở nên được quan tâm hơn. Hoặc ít ra, lúc này họ mới thực sự nhận ra giá trị về mặt thương hiệu của CLB lớn đến mức nào.
Giá trị thương hiệu của đội bóng, cũng như một cô nàng/anh chàng ca sỹ, được đo bởi số lượng người quan tâm, và đôi khi lại rất cần một cú sốc - dễ hiểu là scandal, để trở nên nổi tiếng hơn. Ở góc độ nào đó, Man Utd thất vọng về mặt thành tích nhưng họ vẫn chiến thắng trong chiến dịch xây dựng thương hiệu. Một cú scandal đã đến với họ đúng lúc, khi mà mọi thứ ở họ vốn cứ đều đều và ổn định, thiếu đi biến cố thực sự để duy trì và thúc đẩy danh tiếng.
Với Man Utd bây giờ, giới hạn của khủng hoảng là khái niệm họ thực sự phải định nghĩa một cách nghiêm túc. Bởi sự thụt lùi ở thời điểm hiện tại chưa ảnh hưởng đến tiếng tăm của đội bóng nhưng trong kịch bản nếu tiếp tục kéo dài thì danh tiếng của “Quỷ đỏ” sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ có thể đánh mất mọi thứ nếu cứ thi đấu bết bát trong vài ba năm tiếp theo.