21h05 (17/01), Liverpool - M.U: Con đường của Klopp và Van Gaal
Từ ý tưởng của Van Gaal
Hành động của Juergen Klopp và Louis van Gaal ở đợt trận giữa tuần phần nào phản ánh rất rõ khác biệt về tính cách của hai nhà cầm quân nổi tiếng. Giữa lúc Klopp sôi sùng sục bên rìa đường biên khi chứng kiến Liverpool cầm hòa Arsenal, Van Gaal trông như tượng đá trong khu vực kỹ thuật của Man Utd ở trận hòa Newcastle. Tính cách tương phản như thế lý giải tại sao quan điểm chiến thuật của họ hoàn toàn trái ngược. Chiến lược gia người Đức từng thừa nhận điều đó: “Tôi không thích thắng nhờ thời gian cầm bóng tới 80%. Xin lỗi, đấy chẳng phải mục tiêu của tôi. Tôi thích lối chơi ‘máu lửa’, ai nấy mặt mũi tèm lem, chứ chẳng khoái những chiến thắng nhẹ nhàng”.
Khác biệt như vậy giữa hai nhà cầm quân khiến chẳng mấy ai ngờ triết lý bóng đá của họ thực chất xuất phát cùng một điểm. Van Gaal chính là người đặt nền móng cho hai hệ thống chiến thuật đối lập ấy. Trưởng thành từ cái nôi bóng đá tổng lực, nhưng ông không bám chắc vào khuôn mẫu của các huyền thoại Rinus Michels và Johan Cruyff, mà có phần thực dụng hơn. Vì nhằm hạn chế tối đa rủi ro, Van Gaal chủ trương cầm bóng chắc và rất ghét những cầu thủ bất cẩn để mất bóng.
Lối chơi quá mức thận trọng ấy từng bị Cruyff lên án, và hầu hết đều chỉ trích là nhàm chán. Dù vậy, hiệu quả của nó vẫn đủ để những bậc thầy như Pep Guardiola noi theo. Tại Barcelona, Guardiola đã xây dựng lối chơi dựa trên ý tưởng cầm bóng chắc của Van Gaal, cho dù có chút cải tiến qua cách chuyền bóng nhanh hơn của “Gã khổng lồ xứ Catalan”. Nhờ đó mà trong 3 mùa đầu của Guardiola, Barcelona gần như thống trị thế giới. Thành công ấy đã truyền cảm hứng cho nhiều HLV khác, bao gồm cả Klopp.
Nhưng đồng thời, giới chuyên môn cũng cùng nhau lao vào tìm cách phá giải. Rốt cuộc, thế giới đã tìm được cách trị Barcelona nói riêng và ý tưởng của Van Gaal nói chung. Đấy là khi Barcelona có bóng, đối thủ phải lui về thật sâu để hạn chế tối đa khoảng trống gần khung thành, đồng thời ép đối phương phải dạt biên và chấp nhận cho họ kiểm soát bóng tới 70% rồi chờ cơ hội phản công. Chỉ cần nắm bắt thời cơ kịp lúc, hoàn toàn có thể lật bàn do hàng thủ Barcelona thường dâng lên rất cao.
Đến ứng dụng của Klopp
Klopp chính là một trong những người tận dụng tích cực phương án chống Barcelona nêu trên, nhưng tinh vi hơn. Ý tưởng của ông thật ra còn dựa theo Van Gaal: dồn lên pressing càng cao càng tốt nhằm đoạt lại bóng càng sớm, Vấn đề chỉ khác là sau khi có bóng, việc kế tiếp phải làm là gì. Chủ trương của Klopp là Dortmund cố gắng đoạt lại bóng chỉ để triển khai phản công càng nhanh càng tốt. Lối chơi ấy từng gây khó khăn cho Guardiola, buộc ông phải tìm cách cải tiến ý tưởng của Van Gaal bằng những đường chuyền dài và nhanh hơn tại Bayern Munich.
Điều đáng chú ý là giữa lúc các nhà cầm quân mang dáng dấp học trò như Klopp và Guardiola cố gắng thay đổi để thích ứng với bóng đá hiện đại, người khởi xướng ý tưởng cầm bóng và pressing là Van Gaal dường như lại đang đi thụt lùi với thời đại. Bởi không như thời ở AZ hoặc lúc nắm Tuyển Hà Lan đang suy yếu, ông quyết định từ bỏ các bài phản công do cho rằng đấy chỉ là giải pháp của kẻ yếu. Còn với những đội mạnh như Man Utd, chỉ cần cầm bóng chắc rồi bàn thắng sẽ đến.
Vậy là khác biệt giữa Klopp với Van Gaal ngày càng xa hơn. Ngặt nỗi, khác biệt ấy có vẻ không có lợi cho “Quỷ đỏ”, vì cách nhìn vấn đề của HLV Hà Lan xem ra hơi lạc hậu vào cái thời mà chỉ cần có đủ thời gian để điều chỉnh lại hàng thủ, các đội nhỏ thừa sức cầm chân đối thủ mạnh. Điều đó giải thích tại sao các ngôi sao tấn công ngày nay thường cảm thấy khó chịu với hệ thống của Van Gaal. Derby nước Anh tại Anfield tối nay hứa hẹn sẽ là một bằng chứng mới củng cố nhận định ấy, đồng thời cũng là dịp hiếm hoi trong kỷ nguyên Premier League, NHM Liverpool được chứng kiến đội nhà đá có vẻ hiện đại hơn Man Utd.