Lee Nguyễn và nỗi đau năm 2015
Năm 2015, New England Revolution không vào nổi MLS Cup như mùa trước. Thay vào đó, họ khá trầy trật mới giành được quyền dự vòng play-off gồm 8 đội mạnh nhất, rồi bị loại sớm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do phong độ thất thường vì các trụ cột chơi sa sút, đặc biệt là Lee Nguyễn.
Từ 20 bàn thắng ở mùa trước, tiền vệ này nay chỉ ghi được 7 bàn, chưa kể phải đợi tới hơn tháng sau ngày khai mạc giải mới có pha lập công đầu tiên. Với Tuyển Mỹ, năm 2015 của Lee Nguyễn cũng chẳng có gì để nhớ. Lần cuối anh được triệu tập là hồi tháng 10. Nhưng như thường thấy, vị trí chỉ là một chỗ trên băng ghế dự bị.
Chuyện gì đang xảy ra với Lee Nguyễn? Đáp án cực kỳ phức tạp. Như ở Tuyển Mỹ, có khoảng 90% NHM tin tưởng Lee Nguyen phải có suất đá chính ở vòng loại World Cup 2018. Thế nhưng, HLV Jurgen Klinsmann lại suy nghĩ khác. Bởi lẽ, ông thích sử dụng mẫu tiền vệ giỏi đánh chặn hơn là sáng tạo. Vì vậy, sơ đồ chiến thuật của tuyển Mỹ không có chỗ cho mẫu tiền vệ tấn công như Lee Nguyễn. Đấy là nỗi buồn của ngôi sao không gặp thời.
Revolution 2015 là nỗi buồn khác của Lee Nguyễn, sau khi nêu kỷ lục ghi bàn của một tiền vệ tại MLS 2014 cũng như giúp đội nhà vào trận chung kết lần đầu tiên sau 7 năm. Sở dĩ tiền vệ quốc tịch kép này không duy trì được thông số cực cao như năm ngoái là do, các hậu vệ đối phương quá hiểu anh nguy hiểm tới mức nào, nên ngôi sao này trở thành cầu thủ Revolution bị phạm lỗi nhiều nhất năm 2015. Lee Nguyễn tâm sự: “Năm nay chắc chắn là khó khăn hơn hẳn năm ngoái. Đấy là điều mà tôi cần phải chuẩn bị về mặt tâm lý khi bước vào mùa sau có thể càng nhọc nhằn hơn nữa”.
Dĩ nhiên, Lee Nguyễn không cho rằng đó là nhân tố duy nhất khiến anh không thể hiện được phong độ đỉnh cao. Nguyên nhân khác còn do tiền vệ Jermaine Jones – nguồn cảm hứng cho thành công của mùa trước – phải nghỉ đá quá nhiều ở mùa này với vỏn vẹn 18 lần đá chính. Vắng người đồng đội giàu sức bền, đầy sức mạnh và giỏi càn quét, Lee Nguyễn dễ bị bao vây chặt hơn trước.
Lee Nguyễn phân tích: “Mùa này, tôi phải làm việc quá tải. Trước đây, những đồng đội di chuyển xung quanh đã góp phần giải tỏa sức ép cho tôi. Có lẽ tôi cần phải cố gắng hoán đổi vị trí với đồng đội nhiều hơn, và chuyển giao trọng trách ghi bàn và kiến tạo cho người khác. Khi ấy, đối phương sẽ nhận ra họ phải kèm không chỉ một mình tôi”.
Dù vậy, năm 2015 của Lee Nguyễn cũng chẳng phải bức tranh đầy những gam màu tối. Vì cho dù chỉ ghi 7 bàn, anh vẫn là tiền vệ ghi bàn nhiều nhất cũng như đứng trong Top 3 ghi bàn của Revolution mùa này. Và với 10 pha kiến tạo sau 32 trận đá chính và 1 trận vào sân thay người, anh đã trở thành cầu thủ đầu tiên của Revolution chạm mốc 2 chữ số kể từ sau Steve Ralston có 14 pha kiến tạo hồi năm 2007. Hồi đầu tháng 4, Lee Nguyễn đã đánh dấu lần thứ 100 khoác áo Revolution chỉ trong 4 mùa và 6 tuần sau, anh ghi nhận cột mốc khác với 100 lần đá chính cho CLB này.
Sau khi phải nhận thẻ đỏ đầu tiên trong sự nghiệp ở MLS vào cuối tháng 5, Lee Nguyễn có bàn thắng ở giây thứ 31 trận gặp Columbus vào cuối tháng 6 và đó là bàn thắng nhanh nhất của Revolution năm 2015 cũng như bàn thắng nhanh thứ 5 trong lịch sử CLB. Đến giữa tháng 7, Lee Nguyễn lập thành tích ghi bàn hoặc kiến tạo suốt 5 vòng liền – quãng thời gian lâu thứ nhì của MLS 2015.Tới đầu tháng 9, anh lại trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Revolution có 3 pha kiến tạo chỉ trong 1 trận khi hạ Orlando City 3-0.
Chiến tích này đưa anh vào nhóm 6 cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử có 20 bàn và 20 pha kiến tạo cho Revolution. Ngoài ra, Lee Nguyen còn dẫn đầu Revolution ở các hạng mục như sút nhiều nhất (82 lần), sút chính xác nhiều nhất (30 lần) và bị phạm lỗi nhiều nhất (80 lần). Quan trọng không kém, anh chính là tác giả bàn thắng quan trọng ở vòng cuối MLS 2015 giúp Revolution gỡ gạc thể diện bằng suất dự vòng play-off.