Leicester và bài học "thành công không hoàn toàn nhờ tiền"
Kỳ tích của Leicester càng đáng nể nếu biết rằng suốt 17 năm qua, ngôi vô địch Premier League thật ra chỉ quanh quẩn giữa các “đại gia” có quỹ lương cao thuộc hàng Top 3. Thậm chí trong thập niên qua, chỉ có Man Utd với quỹ lương cao thứ 3 từng đăng quang năm 2011. Trong khi ấy, Chelsea vô địch các năm 2006, 2010 và 2015 đều với mức lương cao nhất. Man City cũng cần tới quỹ lương cao nhất mới giành được ngôi vô địch Premier League đầu tiên năm 2012, dù ở lần thứ 2 đăng quang năm 2014, quỹ lương của họ chỉ xếp thứ 2. Cũng trong giai đoạn này thì nhờ tài cầm quân của Sir Alex Ferguson, Man Utd thống trị Premier League các năm 2007, 2008, 2009 và 2013 dù quỹ lương của “Quỷ đỏ” chỉ đứng thứ nhì.
Tuy nhiên, thành công của thầy trò Claudio Ranieri ở Premier League 2015/16 rõ ràng thừa sức làm lu mờ thể hiện của Sir Alex Ferguson. Vì theo thống kê hồi đầu năm nay, quỹ lương của Chelsea thậm chí vừa phá kỷ lục với 215,6 triệu bảng. Man Utd có quỹ lương cũng hơn 200 triệu bảng. Quỹ lương của ManCity và Arsenal cũng xấp xỉ 200 triệu bảng. Ngược lại, quỹ lương của Leicester chỉ có 48,2 triệu bảng, vừa đủ hơn 3 tân binh mới thăng hạng là Norwich (37 triệu bảng), Watford (29 triệu bảng) và Bournemouth (25 triệu bảng) mà thôi.