Ống suy ngẫm: Nghệ thuật PR
Tuy nhiên đối với NHM bóng đá Việt Nam, nếu không quan tâm nhiều đến những tin tức xoay quanh kinh tế thế giới, đặc biệt ở lục địa đen hẳn sẽ không có khái niệm gì về Dangote – thoạt nghe na ná như Đôn Ki-hô-tê chuyên đi đánh nhau với cối xay gió trong cuốn tiểu thuyết trào phúng cùng tên nổi tiếng của nhà văn người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra.
Vậy mà Dangote khiến nhiều người phải search google tên của ông ta, và ra được những thông tin cơ bản như trên sau tuyên bố đang lên kế hoạch mua cổ phần Arsenal.
Thực tế đây không phải lần đầu tiên Dangote có ý định như vậy. Năm 2011, vị tỷ phú người Nigeria từng muốn mua 15,9% cổ phần đội bóng Bắc London của Lady Nina Bracewell-Smith. Tuy nhiên số cổ phần này cuối cùng về tay Stan Kroenke, một doanh nhân người Mỹ và tên của Dangote trong giới bóng đá châu Âu vì thế cũng chìm nghỉm ngay lập tức.
Ý định của Dangote thực sự nghiêm túc? Như con số Forbes công bố thì Dangote thừa lực làm được điều ông ta muốn. Và xét trên phương diện là một CĐV nhiệt thành của Arsenal, như bản thân Dangote thừa nhận thì ông ta không thiếu khát khao trở thành một phần gắn bó trực tiếp với Emirates.
Tuy nhiên, điều hành một CLB bóng đá được ví von như hành trình của một cơn ác mộng. Chelsea, PSG, Man Utd, Real Madrid hay Man City chỉ là một phần rất nhỏ thể hiện sự hào nhoáng trong thế giới túc cầu giáo.
Thực tế, gần 2/3 CLB Premier League rơi vào tình trạng vỡ nợ ở một vài thời điểm. Portsmouth từng qua tay 4 đời chủ và ngập vào khoản nợ 60 triệu bảng và giờ cứ đang trôi dần xuống các giải hạng thấp của bóng đá Anh; hay đó là sự sụp đổ của Leeds Utd… Do vậy trước khi Dangote muốn theo bước Roman Abramovich, nhà Glazer, Sheikh Mansour, ông ta sẽ phải xác định được mục đích của mình.
Nói đi nói lại, toan tính thật sự của Dangote đằng sau tuyên bố muốn mua Arsenal là gì thì chỉ có ông ta mới biết.
Chuyện của Dangote khiến NHM Việt Nam nhớ lại chuyện bầu Đức từng tiết lộ muốn mua 20% cổ phần Arsenal vài năm trước. Kế hoạch của ông bầu phố Núi, như ông cho biết không thể đưa từ bàn giấy vào thực tiễn vì cái tạm gọi là cơ chế dù 20% cổ phần Arsenal quy ra tiền thời điểm đấy khoảng 200 triệu USD mà theo bầu Đức nó chẳng là gì đối với ông.
Giống trường hợp Dangote, bầu Đức bị không ít người bĩu môi cho là “chém gió”. Chẳng biết ông bầu này “chém” hay thật, nhưng lúc đó chắc chắn nhiều người Việt cảm thấy hãnh diện ít nhiều hai chữ Việt Nam tiếp cận tầm bóng đá quốc tế, dù chỉ trên mặt báo và thực tế thông qua hình ảnh HAGL với bầu Đức được nhìn nhận như một “ông trùm”. Với người trong nghề PR, như thế đã là quá thành công rồi!
Q. NGUYÊN