Bắn cung Việt Nam: Còn chặng đường dài để "chinh phục" Olympic
Năm 2019, đội tuyển bắn cung Việt Nam ghi nhận thành tích số 1 tại SEA Games 30 với 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng, dẫn đầu toàn đoàn ở môn thể thao này.
Tiếp nối những thành tích đó, các cung thủ Việt Nam tiếp tục có thành tích ở Giải Cúp Châu Á 2020 tại Thái Lan với 3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, đứng thứ hai toàn đoàn.
Hay mới đây nhất, lần đầu tiên đội tuyển bắn cung Việt Nam có cả hai đại diện tham dự Olympic Tokyo hồi tháng 7 vừa qua. Đặc biệt hơn, những cá nhân có vinh dự này đều là những cung thủ trẻ tuổi như Nguyễn Hoàng Phi Vũ (1999) hay Đỗ Thị Ánh Nguyệt (2001).
Hiện tại, bắn cung đã được lựa chọn là một trong các môn trọng điểm của thể thao Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tới đây, đội tuyển cũng sẽ lên đường tham dự giải Vô địch Châu Á tại Dhaka, Bangladesh từ 13 tới 19 tháng 11.
Dù vậy, dựa trên tình hình thực tế, ban huấn luyện đội tuyển khẳng định các mục tiêu quốc tế vẫn cần nhiều thời gian để thực hiện.
"Vừa qua, bắn cung Việt Nam lần đầu tiên có 2 suất dự Olympic, để đạt được mục tiêu đó các vận động viên cũng có sự cố gắng rất lớn. Điều này cũng mở ra cho bắn cung hi vọng cao hơn ngoài Đông Nam Á. Mục tiêu trước mắt của ban huấn luyện đội tuyển là giải Châu Á, còn về việc tiếp cận Olympic, chúng tôi cũng cần thời gian chuẩn bị nhiều hơn nữa.
Thực sự mà nói thì giải Vô địch Châu Á so với Olympic cũng không có nhiều chênh lệch về trình độ, bởi những đội mạnh đạt huy chương tại Olympic đều nằm trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc hay Nhật Bản.
Theo thông tin chúng tôi nhận được, danh sách đăng ký cũng có các vận động viên mạnh, tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết khả năng để phấn đấu có huy chương." - Huấn luyện viên Cáp Mạnh Tân, đội tuyển bắn cung Quốc gia chia sẻ.
Bên cạnh các yếu tố chuyên môn, bắn cung còn là môn thể thao đặc thù với yêu cầu cao về trang thiết bị thi đấu.
Theo chia sẻ từ các vận động viên, một bộ cung thi đấu cơ bản theo tiêu chuẩn quốc tế có giá trị từ 65 tới 70 triệu đồng. Các cung thủ cũng cần phải sử dụng đúng cung theo tiêu chuẩn thường xuyên, bởi sẽ là công cụ theo sát họ trong suốt thời gian tập luyện cho tới thi đấu quốc tế.
Ngoài ra, tương tự như các môn thể thao khác, việc thường xuyên được tập luyện và thi đấu quốc tế giúp các vận động viên có trải nghiệm, tăng cường tích lũy điểm số. Tuy nhiên, vấn đề chi phí cũng là một trở ngại lớn khi bắn cung vẫn là môn thể thao chưa thực sự phổ biến, có sự đầu tư lớn từ các nguồn xã hội hóa hay hỗ trợ của doanh nghiệp.
Hiện tại, chỉ còn 3 năm nữa để bắn cung Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu tham dự Olympic 2024 tại Paris, Pháp. Với việc trở thành môn thể thao trọng điểm có khả năng tham dự, ban huấn luyện đội tuyển và các vận động viên sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, để có thể đưa bắn cung Việt Nam trở thành một đại diện sáng giá ở quốc tế.