Chuyện ông bố đặc biệt của kình ngư Huy Hoàng: Bơi mòn sông Gianh mới cưới được vợ và chỉ chê con trai
Chuyến xe đặc biệt ra Hà Nội
Tối 14/5, Huy Hoàng bước vào nội dung đầu tiên của SEA Games 31. Đó là nội dung “tủ” và chỉ có cơn địa chấn, Hoàng mới không giành HCV. Không có cú sốc nào ở Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình. Kình ngư quê Quảng Bình dễ dàng “bỏ túi” tấm HCV đầu tiên ở SEA Games 31.
Trên bờ, có một góc đặc biệt, ở đó, hiếm hoi lắm, gia đình Hoàng cùng nhau đến để cổ vũ, động viên. Và hành trình đó thật đặc biệt khi có bà Hoa, mẹ của kình ngư quê Quảng Bình.
Cách đây một tháng, gia đình tính phương án, chỉ một mình ông Vinh ra Hà Nội tiếp sức cho con trai. Ấy thế, bà Hoa đổi ý, rồi cùng rủ cả con, cháu khăn gói lên đường ra Hà Nội. Đây mới chỉ là lần thứ 2, bà Hoa đến tận nơi cổ vũ con trai. Ngoài hai vợ chồng, 4 thành viên khác trong gia đình cũng thu xếp công việc ra Thủ đô.
Chuyến xe từ Quảng Bình ra Hà Nội, chưa bao giờ đông đến thế với gia đình Huy Hoàng. Và với ông Vinh, ông tận dụng mọi thời gian để cùng tận hưởng không khí SEA Games 31. Ngày con trai thi đấu, sáng sớm hôm đó, ông lặn lội về Thủy Nguyên (Hải Phòng) tiếp lửa cho VĐV rowing cùng quê Lường Thị Thảo.
Ông chỉ về đến Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình một tiếng trước khi Hoàng bước vào phần thi. Nửa tiếng trước khi bắt đầu, ông lục trong túi quần, lấy chiếc điện thoại “cục gạch” gọi về cho đứa cháu con anh trai bảo “mở tivi ra xem chưa”.
Năm phút trước khi Hoàng vào thi, ông lại gọi nhắc thêm một lần nữa. Và khi Hoàng bơi khoảng 750m, ông gọi hỏi “thấy nó thi đấu thế nào”.
Người đàn ông rắn rỏi, trải qua bao sóng gió cuộc đời giữ sự bình thản, thỉnh thoảng, ông vỗ tay động viên con. Và khi Hoàng bước vào 100m cuối, ông đứng dậy, xua tay mạnh mẽ cùng lời hô to “nhanh lên, nhanh lên”. Động tác dứt khoát, mạnh mẽ hệt như những VĐV đang đua thuyền.
Khi Huy Hoàng chạm đích đầu tiên, ông Vinh tặc lưỡi: “Có vàng nhưng không phá được kỷ lục, vẫn kém hơn SEA Games 30”.
Ông bố “kỳ hoa, dị thảo” của Huy Hoàng
Thuở thiếu thời, ông Vinh sinh ra trong gia đình nghèo khó ở xã Châu Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Cả cuộc đời từ khi nhỏ cho đến thanh niên và cưới vợ sinh con, ông đều gắn chặt với chiếc thuyền bên dòng sông Gianh đẹp như bức tranh thủy mặc nhưng đầy hung dữ.
Cuộc sống của ông Vinh quanh năm suốt tháng dựa vào sông Gianh, lúc bắt con cá mưu sinh, có khi vớt rong nuôi cá,…Cứ thế, ông là dân đánh cá có tiếng của vùng. Một buổi sáng cuối tháng 4, vừa bước xuống ghé thăm cơ ngơi của gia đình, ông liền rủ xuống bè thăm lồng cá.
Ông khoe: “Lứa này nuôi tốt lắm, chưa đầy 3 tháng có thể xuất lồng, mỗi con nặng không dưới 3kg”. Sau đó, ông lái đò chở dọc sông Gianh. Bè cá của ông cũng là một trong những bè hiếm hoi còn sót lại.
Ông bảo, người dân giờ không ai nuôi cá lồng nữa. Ông Vinh thuộc từng đặc tính của con cá, dòng chảy của dòng sông Gianh. Cứ thế, năm tháng qua đi, dòng sông Gianh lúc hiền hòa, lúc lũ dữ cuồn cuộn gắn chặt với cuộc đời của ông.
Cũng từ dòng sông Gianh, ông Vinh mới cưới được vợ. Ông bảo, trước đây, ông sống ở xã Châu Hóa, cách xã Tiến Hoa, quê bà Hoa một con sông. Mỗi khi tán bà Hoa, ông bơi qua, bơi lại con sông rộng khoảng 500m. “Bình thường thôi, mình dân sông nước mà”, ông cười khà.
Sông Gianh ôm ấp, chở che, để rồi, từ dòng sông quê, Huy Hoàng trở thành siêu kình ngư của bơi lội Việt Nam. Cũng từ đó, gia đình khá lên nhưng ông vẫn chung thủy với lồng bè cá trên sông quê. Vẫn như thuở cơ hàn trước đây, ông Vinh nơm nớp nỗi lo mất giá hay những cơn lũ về, cuốn trôi cả lồng. Nó là cơ nghiệp của gia đình mấy chục năm qua.
Ở Tiến Hóa, gia đình ông Vinh thuộc dạng khá giả, có của ăn của để. Ngôi nhà mới dọc sông Gianh vừa cất lên cũng “ngốn” cả bạc tỷ. Nhà cửa to, bề thế. Nó khác xa với cuộc sống lênh đênh sông nước. Cả gia đình từng cư ngụ ở con đò (thuyền) có chiều rộng 1,2m.
Ông Vinh và bà Hoa có 6 người con. Cả hai “bán mặt cho nước, bán lưng cho trời” ròng rã mấy chục năm trời. Chiếc đò chật chội không đủ để cả gia đình bấu víu. Hai ông bà lúc gửi đứa cho nội, lúc gửi đứa cho ngoại.
Cuộc sống cơ cực bám riết. Mãi khi các con lớn khôn, năm 2007, hai ông bà mới cất ngôi nhà xập xệ bên bờ sông Gianh trú ngụ. Và rồi, cuộc sống dần đi lên khi các con có nghề nghiệp ổn định.
Hoàng dần khẳng định tài năng với các thành tích đấu trường quốc tế, kinh tế gia đình dần đi lên. Hai ông bà không còn lênh đênh trên con đò đầy rủi ro. Cuộc sống dần trở nên tốt hơn nhưng với ông “quá khứ không thể quên được”.
Ông rắn rỏi, cương nghị và luôn muốn con trai không được phép dừng lại. Khi khen Huy Hoàng tài năng, ông xua tay bảo: “Có gì đâu, ở quê tôi ai cũng bơi giỏi cả. Hoàng còn phấn đấu nhiều”.