Chuyện tiền thưởng SEA Games 29: Người cười, kẻ mếu!

thứ sáu 1-9-2017 14:26:51 +07:00 0 bình luận
SEA Games 29 chứng kiến rất nhiều màn trình diễn xuất sắc của các VĐV. Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng mức đãi ngộ tương xứng với giọt mồ hôi đã bỏ ra.

Dù không đạt được chỉ tiêu đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 29, Thái Lan vẫn là đoàn thể thao hưởng mức đãi ngộ cao nhất với khoản tiền thưởng lên tới 124 triệu baht (khoảng 84 tỷ đồng) từ Chính phủ cho các VĐV giành huy chương.

Cụ thể, mỗi VĐV giành HCV sẽ nhận 200.000 baht (gần 140 triệu đồng). Đối với những thành viên giành HCB và HCĐ, mức thưởng lần lượt là 100.000 baht và 50.000 baht. Trong khi đó, các Liên đoàn thể thao cũng như HLV của những VĐV thi đấu thành công tại đại hội sẽ nhận thêm một mức thưởng riêng chưa được tiết lộ.

Đoàn thể thao Thái Lan được thưởng đậm dù không hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 29. Ảnh: Siam

Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) là đơn vị nhận được nhiều tiền thưởng nhất từ Chính phủ Thái Lan với 16 triệu baht, tiếp đến là Liên đoàn Cầu mây với 13 triệu bath. Thậm chí, dù không thể mang về bất kỳ tấm huy chương nào cho đoàn thể thao Thái Lan lần này, những VĐV Wushu và 3 môn phối hợp vẫn nhận được những khoản thưởng mang tính an ủi, động viên.

Dù không thể so bì với mức tiền thưởng của đoàn Thái Lan, con số hơn 3 triệu ringgits (16 tỷ đồng) được đánh giá là mức thưởng kỷ lục đến từ Liên đoàn Thể thao Malaysia cho các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 29.

Các VĐV Malaysia cũng được đãi ngộ hậu hĩnh nhờ thành công của SEA Games 29. Ảnh: NST

Một VĐV Malaysia sẽ được nhận 20.000 ringgits (khoảng 100 triệu đồng) cho tấm HCV đầu tiên và thêm 10.000 ringgits cho mỗi tấm HCV tiếp theo. Hấp dẫn hơn, các VĐV giành được 5 HCV sẽ được thưởng thêm 5.000 ringgits/ người, tất nhiên bên cạnh các khoản tiền đã nói ở trên. Trong khi đó, VĐV nào phá kỷ lục SEA Games sẽ nhận được 1.000 ringgits/kỷ lục.

Theo tờ Bernama, Chính phủ Malaysia vừa mới giải ngân 140.000 ringgits để làm quà dành tặng cho các VĐV giành huy chương tại SEA Games 29.  Cụ thế, giá trị tiền thưởng cho mỗi một tấm HCV, HCB và HCĐ lần lượt là 8.000 ringgits, 5.000 ringgits và 3.000 ringgits.

Nên nhớ rằng, những khoản thưởng kể trên của Thái Lan và Malaysia mới chỉ tính từ Chính phủ và các Liên đoàn thể thao, chứ chưa đề cập đến các khoản thưởng nóng đến từ những nhà tài trợ.

Ông Trần Đức Phấn (trái) cho biết đoàn thể thao VN có hơn 2 tỷ thưởng nóng cho VĐV. Ảnh: Tú Nguyễn

Đối với đoàn thể thao Việt Nam, ngoài khoản thưởng nóng hơn 2 tỷ đồng cho các VĐV bên Malaysia, Tổng cục TDTT quyết định thưởng 45 triệu đồng, 25 triệu đồng, 20 triệu đồng lần lượt cho mỗi tấm HCV, HCB và HCĐ.

Phía Hà Nội và TP.HCM cũng thưởng riêng các VĐV của mình với 54 triệu, 30 triệu, 24 triệu đồng cho mỗi HCV, HCB, HCĐ. Đặc biệt, những VĐV vừa giành HCV và phá kỷ lục SEA Games sẽ nhận mức thưởng lên tới 70 triệu đồng (52 triệu đồng cho HCV và 18 triệu đồng cho việc phá kỷ lục). Các HLV, VĐV sẽ được nhận tiền thưởng qua tài khoản, khoảng 20 đến 30 ngày sau khi SEA Games 29 kết thúc.

Nếu như các VĐV Thái Lan và Malaysia mừng ra mặt với việc rủng rỉnh hầu bao, thì nỗi lo lắng lại ám ảnh không ít những VĐV Việt Nam và Indonesia.

Nữ VĐV Eki Febri Ekawati chỉ trích sự quan liệu của các cấp lãnh đạo ngành thể thao Indonesia. Ảnh: Bola

Mới đây, cựu VĐV điền kinh Vũ Thị Hương lại làm sôi sục làng thể thao khi nhắc đến chuyện tiền thưởng năm xưa khi cô còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ.

"Tôi chỉ muốn nhắc một số lãnh đạo hãy tỉnh táo khi hứa và đã hứa phải thực hiện vì tương lai các VĐV của mình. Nếu ai đó thấy áy náy và nhớ ra thì dành tiền đấy làm quỹ giúp cho các VĐV khó khăn. Còn nếu không thì thôi, tôi không cần. Vì nếu đã yêu thương nhau thật lòng thì đâu phải để tôi trách như hôm nay", Vũ Thị Hương cho biết

Còn ở Indonesia, Eki Febri Ekawati, nữ VĐV giành HCV nội dung ném tạ sắt tại SEA Games 29, đã làm dậy sóng truyền thông nước này khi đề cập tới sự quan liêu của các cấp lãnh đạo nước này. Theo đó, Eki Febri đã phải tự chi trả toàn bộ chi phí ăn ở trong suốt quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2017.

Các VĐV có thành tích cao chưa chắc được hưởng mức đãi ngộ xứng đáng. Ảnh: NST

Trường hợp của Eki Febri đã tăng thêm sự hoài nghi về những khoản tiền thưởng hậu hĩnh được hứa hẹn bởi các quan chức đứng đầu.

Trước khi SEA Games 29 diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao, Imam Nahrawi, cho biết, nếu giành được HCV tại SEA Games 29, các VĐV không chỉ có một khoản tiền mặt mà còn được tạo điều kiện trở thành công nhân viên chức sau khi giải nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, những lời nói trên của ông Imam Nahrawi vẫn chỉ... nằm trên giấy và chưa có dấu hiệu biến chuyển nào.

Khoản tiền thưởng không chỉ là nguồn cổ vũ, khích lệ các VĐV, HLV sau những gì họ đã bỏ ra mà còn giúp các VĐV có thêm một khoản giúp đỡ gia đình, đầu tư đi học, tích lũy cho cuộc sống để chuẩn bị sau khi giải nghệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh SEA Games vẫn đầy rẫy những tranh cãi và nghi hoặc về tính công bằng, tình trạng "người no bụng, kẻ đói meo" với các khoản thưởng sẽ chỉ làm cho nền thể thao "vùng trũng" ngày một đi xuống và mất cân đối.

  • Từ khóa
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội