Kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và Doping ở SEA Games 31 thực hiện thế nào?
Do đại dịch COVID-19 SEA Games 31 đã phải lùi thời gian tổ chức như dự kiến ban đầu là tháng 12/2021 sang trung tuần tháng 5/2022. Và sáng nay thứ Ba ngày 18/1 tại Hội nghị trưởng đoàn SEA Games 31 lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến, vấn đề phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục là “vấn đề nóng” nhận được sự quan tâm của đại diện các đoàn quốc gia.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phú, phó trưởng Tiểu ban Y tế và Doping, “Bộ Y tế, Tổng cục TDTT và Tiểu ban Y tế và Doping đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch chi tiết phù hợp với các mức độ dịch lường trước.”.
Tất nhiên, các phương án sẽ còn căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam cũng như 10 quốc gia khác tại thời điểm diễn ra Đại hội vào tháng 5 tới để phân loại và điều chỉnh phù hợp. Cơ bản các biện pháp phòng chống dịch sẽ áp dụng ở mức cao nhất và các VĐV, thành viên các quốc gia tham dự SEA Games sẽ phải tuân thủ chặt chẽ.
Cũng trong báo cáo công tác y tế và phương án phòng chống dịch COVID-19 cho Đại hội tại hội nghị sáng nay, ông Nguyễn Văn Phú đã nhấn mạnh về các biện pháp phòng dịch sẽ áp dụng cho VĐV, các đoàn tham dự SEA Games 31 tại Hà Nội và các địa phương lân cận vào tháng 5 tới.
“Các đoàn quốc gia sẽ nhận được thông báo hướng dẫn cụ thể về yêu cầu công tác nhập cảnh, quản lý VĐV tại Việt Nam ít nhất 3 tuần trước khi sang Hà Nội. Đặc biệt, điều kiện bắt buộc đó là: Các VĐV, thành viên tham dự phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và test RT-PCR âm tính 72 tiếng trước khi đến Việt Nam. Và ngay khi các đoàn có mặt tại đây, các khâu về khai báo, đánh giá và phòng chống dịch cho từng đoàn sẽ được thực hiện hằng ngày.”, ông Phú cho biết.
“Có một bộ phận chuyên trách riêng gồm các thành viên từ BTC SEA Games Việt Nam, Hội đồng thể thao ĐNÁ và các thành viên y tế của các đoàn để thành các tổ công tác để theo dõi, phối hợp đảm bảo an toàn cho các VĐV và thành viên dự Đại hội.”.
Với công tác phòng chống dịch và xử lý y tế trong trường hợp có ca F0 ở các đoàn quốc gia trong thời gian diễn ra Đại hội, ông Nguyễn Văn Phú cho biết: Sẽ có 3 bước, thứ nhất phải đảm bảo an toàn vệ sinh cho VĐV cả ở khách sạn và địa điểm thi đấu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thứ hai là công tác xét nghiệm thường xuyên. Chúng tôi sẽ test cho các VĐV, thành viên đoàn, theo khung thời gian 72 tiếng/lần/người.
Thứ ba, đó là thực hiện các biện pháp cách ly an toàn, hiệu quả, theo đúng quy định y tế khi có ca F0. Các phương án phòng chống dịch sẽ hướng đến sự an toàn ở mức cao nhất cho các VĐV, thành viên đoàn, nhưng không vì có ca F0 mà hủy bỏ lịch thi đấu của bất kỳ môn nào.".
Liên quan đến việc xét nghiệm và phòng chống Doping, hiện vẫn chưa số lượng chính xác mẫu thử Doping tại SEA Games 31. "Về số lượng mẫu thử sẽ do Hội đồng Thể thao ĐNÁ quyết định, nhưng cơ bản chúng ta sẽ kiểm tra Doping ở các VĐV đoạt huy chương, đặc biệt phá kỷ lục Đại hội", ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.
"Các mẫu thử Doping sẽ được gửi tới các phòng xét nghiệm đạt đủ các tiêu chuẩn do Tổ chức phòng chống Doping thế giới chỉ định. Thông thường kết quả xét nghiệm Doping sẽ được thông báo sau 48 tiếng từ khi phòng xét nghiệm nhận được mẫu.
"Một nét mới đáng chú ý, đây là kỳ SEA Games đầu tiên áp dụng theo đúng Luật phòng chống Doping thế giới vừa được ban hành và thực thi trong năm 2021, về các mặt quy trình lấy mẫu, khai báo, vận chuyển mẫu thử và thông báo kết quả".
-->> Quốc hội duyệt chi 750 tỷ đồng kinh phí tổ chức SEA Games 31