Khai thác “thương hiệu” ở thể thao Việt - Kỳ 1: Nếu ở Malaysia, Tiến Minh đã là triệu phú đô la “khủng”
Tay vợt cầu lông đất Sài Thành chính là một điển hình cho câu chuyện khai thác “thương hiệu” nửa vời, yếu kém và lãng phí của thể thao Việt.
Từng dư sức kiếm cả chục tỉ mỗi năm
5 năm trước, ở tuổi 33, đã bước qua sườn bên kia của sự nghiệp, ngôi sao độc nhất vô nhị của cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh mới trở thành “ông chủ”. Anh ký hợp đồng trị giá 1 tỉ đồng với một thương hiệu dụng cụ thể thao của Nhật Bản, trước khi khai trương một siêu thị phân phối độc quyền các sản phẩm của chính đối tác tại TP.HCM. Đây là ý tưởng Tiến Minh ấp ủ từ lâu và hội đủ các điều kiện cần thiết, song rất lâu mới có thể thực hiện được, chính nhờ sự thúc đẩy và hỗ trợ toàn diện của chính nhà tài trợ.
Từ sự nhập cuộc muộn ở một hình thức rất hẹp, người ta lại thấy tiếc cho Minh cùng cả môn cầu lông khi đã lãng phí danh tiếng, hình ảnh và sức hút đặc biệt của một ngôi sao tầm cỡ thế giới. Khi Tiến Minh lần đầu lọt vào Top 10 thế giới năm 2009, các chuyên gia đã đánh giá anh có thể là thương hiệu trăm tỷ, dư sức kiếm cả chục tỉ đồng mỗi năm từ tài trợ, quảng cáo, truyền thông sự kiện, kinh doanh sản phẩm…
Thế nhưng, những gì Minh đạt được, ngay trong những năm đỉnh cao nhất, may lắm chỉ bằng 1/10 khả năng dự báo, với khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm, chỉ từ nguồn tài trợ. Các hợp đồng tài trợ của Minh đều do đối tác tự tìm tới, chứ không giống mẫu hình quốc tế. Anh cũng gần như không hề có “tiếng nói” gì trong hạn mức và thời hạn tài trợ.
Ngôi sao may mắn hiếm hoi
Sự thua thiệt ấy một phần xuất phát từ Tiến Minh trong một thời gian dài đã không bứt ra nổi suy nghĩ đơn giản cùng vòng quay tập huấn thi đấu dày đặc. Tuy nhiên, điều quan trọng, các nhà quản lý của cầu lông Việt Nam và TP.HCM cũng tự “đóng khung” tay vợt từng đứng hạng 4 thế giới, đoạt HCĐ thế giới và HCĐ châu Á trong địa hạt chuyên môn thuần túy. Nếu có một đội ngũ đứng sau để lên kế hoạch, tư vấn giải pháp, làm đại diện, giá trị thương hiệu của Tiến Minh chắc chắc đã hoàn toàn khác.
Dù vậy, so với mặt chung, Tiến Minh còn rất may vì không khai thác, tận dụng gì vẫn có tiền tỉ trong 8 năm liên tiếp từ tài trợ, nhờ sự vượt trội và khác biệt về nhiều mặt. Hàng loạt ngôi sao khác của thể thao Việt Nam ngay thời đỉnh cao chỉ biết trông vào tiền thưởng thành tích bấp bênh hay một vài khoản ít ỏi và thời vụ khác.
Từ nhà vô địch thế giới wushu Thúy Hiền, võ sĩ taekwondo giành tấm HCB Olympic lịch sử Trần Hiếu Ngân khi trước, Á quân Olympic cử tạ Hoàng Anh Tuấn, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, Quán quân thế giới cử tạ thế giới Thạch Kim Tuấn gần đây… Đó là những ngôi sao chỉ tỏa sáng trên các đấu trường, mà thành tích dù có cao tới đâu suy cho cùng giá trị vẫn chỉ gói gọn trong tấm huy chương. Họ mới chỉ thoát khỏi cảnh nghèo chung của VĐV, có một khoản tích lũy đủ để trang trải cuộc sống mà chưa thể đảm bảo chắc chắn cho tương lai gian khó và bấp bênh.
Có thể thấy, ngoài Tiến Minh, siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm và siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đang là những tỉ phú hiếm hoi của làng thể thao Việt. Thế nhưng, thu nhập thực tế của họ gần như chỉ có từ nguồn tiền thưởng, gắn với những chiến tích “khủng” tại các giải đấu quốc tế. Cả Liêm và Viên đều đang có một giá trị thương hiệu rất thấp, với sự lãng phí khó tin. Ánh Viên chưa từng có đối tác nào đứng sau, còn Quang Liêm từng có một nhà tài trợ thông qua Liên đoàn Cờ Việt Nam song sau đó lại bị “xù” (chỉ nhận được 15.000 USD trong tổng số 150.000 USD cam kết.
Đón đọc kỳ 2: Xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh cũng… không khác nổi