Đối thoại: Tương lai nào cho MMA Việt Nam sau quyết định lịch sử?

thứ năm 28-5-2020 18:55:00 +07:00 0 bình luận
Quyết định thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) sẽ mở ra những cơ hội nào để MMA phát triển chính quy, bài bản, chuyên nghiệp ở nước ta?

Cuộc đối thoại giữa Webthethao và ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (TCTDTT) dưới đây sẽ khắc họa rõ hơn về "chân dung MMA Việt Nam" hiện tại và những định hình tương lai cho môn võ đối kháng hấp dẫn nhất hành tinh này, sau quyết định lịch sử thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF).

Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) vừa được thành lập

Webthethao.vn: Thưa ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (TCTDTT), từ góc độ quản lý nhà nước ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải có Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ở thời điểm này?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Tôi cho rằng việc thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp tại Việt Nam ở thời điểm này là cần thiết và rất phù hợp. Võ tổng hợp MMA đã và đang rất phát triển trong khu vực, châu lục cũng như thế giới. Những quốc gia cận kề chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Philippines đều đã có Liên đoàn MMA và tổ chức những giải đấu thành công.

Tại Việt Nam, đã có những CLB và những người yêu thích hâm mộ MMA tham gia tập luyện được một thời gian khá dài. Đây là môn thể thao mang tính giải trí cao. Để hòa nhập vào sự phát triển Võ tổng hợp của châu lục và thế giới, tôi nghĩ nếu được phép thành lập LĐ MMA Việt Nam thì đây là thời điểm chín muồi. 

Ông Hoàng Quốc Vinh trả lời phỏng vấn Webthethao về sự kiện thành lập Liên đoàn MMA Việt Nam

Webthethao.vnĐược biết, cơ bản đã có chủ trương chấp thuận cho việc thành lập Liên đoàn võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF), vậy ông có thể chia sẻ thêm về cách thức, tôn chỉ hoạt động cũng như mục tiêu hướng tới của Liên đoàn này?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Chúng tôi đã nhận được thông tin, quy trình cũng như đơn xin thành lập Liên đoàn MMA Việt Nam từ Ban vận động và hoàn toàn ủng hộ. Về tôn chỉ, phương hướng mục đích hoạt động, chúng tôi cũng thấy những điểm đáng chú ý ở môn MMA. Thứ nhất, đó là thu hút, quy tụ được đông đảo những người tập luyện, tham gia hoạt động MMA tại Việt Nam được tập luyện thi đấu theo đúng khuôn khổ pháp luật.

Thứ hai, mang lại cho cộng đồng mà đặc biệt là giới trẻ, lợi ích sức khỏe, đạo đức, tinh thần thượng võ, phát huy tinh thần ý chí người Việt. Thứ ba, định hướng và kêu gọi mọi nguồn lực, tổ chức xã hội hóa đầu tư phát triển thể thao. Và cuối cùng là định hướng cho các tổ chức cá nhân có thể tổ chức các giải đấu MMA theo đúng pháp luật. 

Webthethao.vnSau khi thành lập LĐ MMA, nhiệm vụ kế tiếp sẽ là xây dựng lịch trình, hệ thống, địa điểm thi đấu các giải MMA, vậy kế hoạch triển khai sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Sau khi thành lập Liên đoàn sẽ có rất nhiều việc phải làm, mà trước tiên phải phát triển hệ thống Luật thi đấu và phổ biến rộng rãi, rồi phát triển lực lượng HLV, trong tài, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho HLV, trọng tài. Bên cạnh đó là bồi dưỡng về kỹ thuật để những người tập luyện tham gia thi đấu có thể học tập phát triển theo đúng luật và kỹ thuật quy định.

Sau đó đến việc tổ chức những giải thi đấu nội địa, giao lưu thi đấu quốc tế theo đúng quy định pháp luật. Các cơ sở vật chất, như các CLB, phòng tập cũng cần phát triển mở rộng. Như thế, tôi cho rằng sau khi thành lập Liên đoàn sẽ phải xây dựng lộ trình phát triển từng bước từng bước một cách khoa học, logic, mới phát triển đúng hướng và hiệu quả.

Quyết định thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF)

Webthethao.vnNhư ông chia sẻ, ngay cả trong khu vực thì nhiều nước đã phát triển MMA. Còn ở Việt Nam Võ tổng hợp vẫn được xem như "môn thể thao hoàn toàn mới”, vậy tiêu chí lựa chọn, đào tạo các VĐV thi đấu sẽ được xây dựng ra sao?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Tôi có thể nói rằng ở Việt Nam cũng đã có những VĐV Võ tổng hợp tham dự nhiều giải trước đây. Gương mặt nổi bật từng thi đấu trước đây là VĐV Việt kiều Cung Lê. Năm 1999 ở Hong Kong Cung Lê thi đấu ở nội dung Tán thủ, lúc đó anh là người Việt nhưng thi đấu cho đội Mỹ và gặp nhà vô địch người Nga là Muslim Salikhov. 

Có thể nói Cung Lê là một trong những VĐV (Việt kiều) MMA đầu tiên và tôi cũng biết trong nước có nhiều VĐV Võ tổng hợp từ những CLB như Saigon Sports Club, Liên Phong... đã tập luyện dù Liên đoàn chưa thành lập. Tất nhiên, họ mới chỉ tập ở mức độ phòng GYM và chủ yếu phát triển tự phát. Tôi tin rằng sau khi LĐ thành lập sẽ có những tiêu chí tuyển chọn VĐV chính thức qua các giải đấu, các tài năng hoặc qua hệ thống đào tạo tuyển chọn của LĐ.

Tôi nhớ vào năm 2019 tại TP Hồ Chí Minh thì một trong những nhà tổ chức MMA hàng đầu châu lục là ONE Championship đã tổ chức giải đấu. Dù chưa phải là Võ tổng hợp nhưng các nội dung thi đấu có Kickbox, Muay và Boxing. Khi đó những VĐV của chúng ta thi đấu nổi trội và thắng các võ sỹ đến từ Philippines hay Thái Lan.

Webthethao.vn: Ông vừa nhắc tới VĐV Việt kiều Cung Lê, với tư cách à người gắn bó với võ thuật nhiều năm, theo quan điểm cá nhân ông, những VĐV ở bộ môn nào hiện nay có thể “nhanh chóng chuyển đổi” sang thi đấu MMA?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Các VĐV Võ của Việt Nam có phẩm chất anh hùng rất dũng cảm. VĐV ở các môn như Vật, Muay, Kickbox, Boxing, Judo hay Jiu Jitsu... đều tài năng và nếu họ được tập luyện bài bản kỹ thuật thi đấu của MMA thì họ đều có thể trở thành những tài năng ở môn Võ tổng hợp, đủ sức tranh tài với các VĐV trong khu vực, châu lục hay thậm chí thế giới. Và họ có thể giương cao tinh thần, ý chí anh hùng của người Việt Nam.

Một số Võ sỹ Việt Nam tên tuổi từng tham dự sự kiện võ tổng hợp do ONE Championship tổ chức

Webthethao.vnTại Việt Nam, trước khi thành lập Liên đoàn MMA đã có rất nhiều người tập luyện và cũng có những giải đấu mang tính “giao lưu võ thuật” nhưng gthực chất thi đấu theo đúng luật MMA, ông nhìn nhận thế nào về phong trào MMA ở nước ta?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Theo tôi được biết qua con số báo cáo thống kê chưa chính thức thì từ những năm 2005 - 2006 đã có những người tập không chuyên ở các phòng GYM, và gần đây là ở các CLB như là Việt Nam Dragon, SSC, rồi một vài võ đường như Liên Phong và một số CLB ở các tỉnh thành như Khánh Hòa, Quảng Ninh...

Đặc biệt, số lượng người theo dõi các sự kiện MMA qua truyền hình tôi khẳng định rất là nhiều. Khi ONE Championship tổ chức giải thi đấu Boxing và Kickbox với 13 trận đấu ở TP Hồ Chí Minh năm ngoái và có võ sỹ Nguyễn Trần Duy Nhất thi đấu, tôi trao đổi người phụ trách chương trình và được biết chi phí tổ chức lên tới 1,5 triệu USD.

Với kinh phí cực cao như thế, nhưng lại không bán vé nên ban đầu chúng tôi chưa rõ nguồn thu trang trải ra sao. Nhưng sau trận đấu thứ 9, khi chúng tôi được BTC giới thiệu chi tiết và được biết sự kiện đó đã truyền hình trực tiếp tới 113 quốc gia trên khắp thế giới, với 2,2 tỷ người xem trực tiếp, và đấy chính là nguồn thu khổng lồ giúp trang trải mọi thứ. Qua đó có thể thấy nhu cầu xem, theo dõi các sự kiện MMA lớn nhường nào.

Chính vì vậy, một khi chúng ta thành lập LĐ MMA và làm tốt theo đúng hướng sẽ huy động nguồn lực lớn từ xã hội qua đó đầu tư trở lại giúp MMA Việt Nam phát triển mạnh mẽ.  

Phong trào tập luyện võ tổng hợp - MMA ở Vệt Nam rất phát triển trong vòng 5-7 năm trở lại đây

Webthethao.vn: Sau khi thành lập Liên đoàn MMA chính thức được thừa nhận, liệu các CLB võ thuật có thể tự mình tổ chức những giải đấu MMA mang tính chất giao hữu, hay thậm chí là quy mô bài bản, thay vì “tổ chức chui” như thời gian, hay họ sẽ phải đăng ký vào hệ thống thi đấu hoặc được Liên đoàn cấp phép, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Tôi nghĩ sau khi Liên đoàn thành lập đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi để người tập luyện thi đấu MMA cũng như các CLB được chính thống thừa nhận, được tổ chức các giải đấu theo Luật định, mà Pháp luật Việt Nam không cấm người dân làm những gì không vi phạm pháp luật, còn Luật Thể dục thể thao cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia phát triển các hoạt động thể thao.

Liên đoàn MMA sẽ là nơi quy tụ những CLB, Võ đường, người tập luyện thi đấu giúp tổ chức một cách công khai những giải đấu, theo đúng Luật và các điều kiện an toàn về cơ sở thi đấu, an ninh, y tế và kể cả phòng chống Doping. 

Tôi nghĩ việc thành lập LĐ MMA là một cơ hội rất tốt giúp định hướng cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào MMA sẽ hoạt động theo đúng Luật TDTT. 

->> Võ sỹ Trần Quang Lộc chia sẻ cảm xúc sau sự kiện Liên đoàn MMA Việt Nam ra đời

Trần Quang Lộc được đánh giá là võ sỹ MMA hàng đầu Việt Nam những năm qua

Webthethao.vnMột trong những vấn đề khiến các cơ quan quản lý phải đắn đo đấy là hình ảnh võ sỹ thi đấu MMA bị chấn thương đổ máu, hoặc thậm chí bị đánh, khóa siết đến ngất xỉu trên sàn. Một số luồng quan điểm đánh giá nó chưa thật phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nhưng sự thật MMA có phải chỉ “đậm chất bạo lực” như luồng ý kiến trên, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Thực ra khái niệm "bạo lực trong thể thao rất rộng". Nó có thể bao gồm những hành vinh phi đạo đức, phi thể thao, đánh lén, tấn công đối thủ trước khi có hiệu lệnh bắt đầu của trọng tài hoặc sau khi đã có hiệu lực dừng... Đó đều là những hành vi bạo lực, phi thể thao và không Fair.

Còn trong thi đấu thể thao thì không riêng gì Võ thuật mà các môn khác đều có khả năng VĐV bị chấn thương, đổ máu. Tuy nhiên, nhìn các môn Võ có cảm giác là "bạo lực", nhưng các VĐV tham gia đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, thi đấu theo đúng Luật, đúng hạng cân và được kiểm tra y tế kỹ càng.

Đặc biệt các trọng tài chính là những người bảo vệ điều kiện thi đấu một cách công bằng nhất, cũng như biết kiểm soát tốt vấn đề an toàn cho VĐV khi thi đấu.

Chúng ta biết rằng mỗi môn thể thao đều có Luật riêng, và cũng phải dần dần, từng bước để NHM, khán giả làm quen và hiểu, nắm bắt rõ hơn về MMA.

Webthethao.vn: Như vậy, liệu khi bắt đầu tổ chức những giải đấu MMA ở Việt Nam tới đây, Ban tổ chức có hạn chế, hoặc thậm chí bỏ bớt những đòn đánh được cho “nguy hiểm sát thương”, dù điều này có thể sẽ làm giảm đi sự hấp dẫn vốn có của các trận đấu vốn làm nên thương hiệu MMA, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Thực ra mỗi nội dung, hình thức thi đấu ở từng thời điểm đều do BTC hoặc Liên đoàn, CLB địa phương đều quy định được giới hạn thi đấu ở mức nào. Còn trọng tài điều khiển trận đấu sẽ là người đảm bảo tốt nhất sự an toàn cho VĐV. 

Trong MMA có những thời điểm chưa cần võ sỹ ngã xuống thì trọng tài vẫn có quyền dừng trận đấu nếu nhận thấy VĐV không còn khả năng chiến đấu. 

Như thế chuyên môn, năng lực trọng tài và các nhà tổ chức đóng vai trò rất quan trọng. Và tôi xin nhắc lại đó là vấn đề an toàn cho VĐV thi đấu phải được đặt lên hàng đầu.

->> Võ sĩ ONE Championship Jeff Chan cảm nhận gì về nền MMA non trẻ tại VN?

Võ sỹ MMA Vệt kiều Martin Nguyên đã nổi danh trên sàn đấu ONE Championship

Webthethao.vnHiện nay xu thế xã hội hóa ở các môn thể thao gần như là “điều kiện bắt buộc”, để huy động nguồn lực to lớn giúp thể thao, các VĐV, HLV… có nhiều cơ hội, điều kiện tốt nhất để phát triển lên môi trường đỉnh cao, vậy MMA Việt Nam sẽ song hành ra sao cùng xã hội hóa ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: MMA là môn thể thao giải trí thu hút rất cao lượng khán giả hâm mộ theo dõi. Khi chúng ta tổ chức những giải đấu MMA trong nước, hay khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ còn thu hút khán giả nhiều hơn nữa. Điều này giúp mang lại nguồn thu rất lớn chỉ riêng từ việc bán bản quyền truyền hình. 

Việc xã hội hóa ở môn này là rất khả thi và có tiềm năng hiệu quả cao. Tôi tin MMA sẽ huy động được nguồn lực xã hội hóa to lớn ở Việt Nam khi chúng ta thành lập Liên đoàn và hợp thức hóa việc thi đấu.

Webthethao.vn: Bên cạnh Cung Lê, một số võ sỹ MMA Việt kiều đã ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường khu vực, châu lục như Martin Nguyễn, Bi Nguyễn, Thành Lê…. Vậy sau khi Việt Nam hợp thức hóa việc thi đấu MMA, chúng ta có kế hoạch đường hướng thế nào để đưa những võ sỹ Việt kiều nổi tiếng về thi đấu, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Hiện nay về chính sách thu hút các tài năng thể thao thì không riêng gì ở trong nước mà chúng ta cũng chào đón những VĐV Việt kiều, những người đang sinh sống và tập luyện ở nước ngoài đủ điều kiện để trở về khoác áo, thi đấu cho màu cờ sắc áo Việt Nam.

Với MMA, Cung Lê chỉ là một trong những VĐV đầu tiên, sau này có Bi Nguyễn, Martin Nguyễn... Do MMA ở nước ngoài phát triển từ khá lâu rồi nên các võ sỹ Việt kiều ở châu Âu, Mỹ, Úc, Brazil... có điều kiện tập luyện tốt cũng như có cơ hội cọ xát thi đấu với nhiều võ sỹ giỏi nên đó cũng là những VĐV MMA rất chất lượng.

Webthethao.vnTheo ông, khi nào chúng ta có thể “cho ra lò” những võ sỹ tài năng đủ sức tranh đai ở các sự kiện MMA khu vực, châu lục?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Tôi cho rằng chúng ta đang có những VĐV tiềm năng chất lượng có thể tranh tài tại các sự kiện MMA khu vực, như Nguyễn Trần Duy Nhất, võ sỹ Muay Thái từng dự ONE Championship 2019. Hiện đã có nhiều tổ chức muốn ký hợp đồng, sở hữu chữ ký của Nhất.

Ngoài ra nữ VĐV Muay Bùi Yến Ly cũng CLB nước ngoài muốn ký HĐ mời Ly thi đấu. Bên cạnh đó còn các VĐV khác, như Văn Đương ở Boxing, vừa giành vé dự Olympic cũng đã ký HĐ và đang tập luyện ở một CLB chuyên nghiệp. Với MMA tôi tin chúng ta có nhiều VĐV tài năng đáp ứng được trình độ thi đấu đỉnh cao trên khu vực, châu lục.

Webthethao.vn: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Lương Anh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội