Kình ngư khiếm thị Trần Quốc Phi -Từ thợ tẩm quất mắt lòa tới nhà vô địch ASEAN Para Games

thứ sáu 16-9-2016 19:53:11 +07:00 0 bình luận
Một tai nạn thương tâm đã dần cướp đi nguồn sáng, tưởng như tước mất cơ hội sống bình thường của Trần Quốc Phi. Thế nhưng, với ý chí và sự bền bỉ phi thường, chàng trai khiếm thị quê Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành kình ngư vô địch ASEAN Para Games. Thậm chí, thành tích của Phi giờ vượt cả mức chuẩn A Paralympic.

Một tai nạn thương tâm đã dần cướp đi nguồn sáng,tưởng như tước mất cơ hội sống bình thường của Phi.  Thế nhưng, với ý chí và sự bền bỉ phi thường,  chàng trai khiếm thị quê Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành  kình ngư vô địch ASEAN Para Games. Thậm chí, thành tích của Phi giờ  vượt cả mức chuẩn A Paralympic. 

Sinh năm 1992, cậu bé con nhà nghèo ở vùng miền núi Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm phải chịu cảnh thua thiệt khi thiếu hẳn bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bố mẹ Phi phải đi làm ăn xa biền biệt, việc chăm lo trông cậy cả vào ông bà nội già yếu. Năm 3 tuổi, Phi đã phải gánh chịu một tai nạn khủng khiếp  khi căn nhà ọp ẹp của ông nội bất ngờ đổ ấp xuống trong lúc cậu bé chập chững biết đi đang hồn nhiền vui đùa. Phi đã thoát chết trong gang tấc song không thể tránh được những hậu quả nghiệt ngã. Trong đó, điều khủng khiếp nhất chính là việc đôi mắt của Phi đau nhức rồi mờ đi một cách nhanh chóng. Đôi mắt ấy còn may mắn không bị mù hẳn nhưng khiến Phi vĩnh viễn trở thành một người khiếm thị.  

 Phi lớn lên trong cảnh  tối tăm, sự thiếu thốn  mọi mặt cùng mặc cảm ghê gớm về bản thân. Cuộc sống của Phi trôi từng ngày nặng nề và bế tắc.  Thậm chí, anh từng có thời điểm nghĩ quẩn, rồi muốn bỏ đi đâu thật xa, cốt để không còn là gánh nặng của người thân, còn bản thân như thế nào phó mặc cho số phận nổi trôi.

Suy nghĩ tiêu cực cùng sự chán nản tới tận cùng của Phi chỉ bắt đầu thay đổi khi cậu bé bất hạnh được chuyển xuống Hà Nội vừa học văn hóa, vừa học nghề tại Nguyễn Đình Chiểu. Tại mái trường đặc biệt, bên cạnh những bạn bè cùng cảnh ngộ, Phi dần lấy lại được niềm tin và động lực mới cho mình. Phi còn chủ động xin các thầy cho ra ngoài kiếm thêm thu nhập, với một công việc gần như duy nhất thích hợp với những người bị mù hay khiếm thị: Thợ tẩm quất. Khoản thu nhập dù chỉ mấy chục nghìn đồng mỗi ngày không chỉ giúp Phi có thể tự nuôi mình, tất nhiên ở mức tối thiểu nhất mà quan trọng hơn còn giúp anh chàng lần đầu nghĩ rằng mình có thể làm người có ích. 

Tuy nhiên, ngã rẽ của Phi chỉ đến khi anh bén duyên thể thao một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong một lần đến trường tuyển quân cách đây 4 năm, HLV Dương Thị Thêm đã lập tức phát hiện ra sự phù hợp đặc biệt của anh chàng khiếm thị này với môn bơi.  

 Phi hiểu  rõ đây là một cơ hội để có thể chiến thắng tật nguyền, thậm chí đổi đời,và anh vào tập luyện miêt mài, say mê. Anh không bỏ một buổi tập nào, bất kể ngày nắng ngày mưa, hay  chưa nhận được một đồng hỗ trợ. Cũng vì Phi quá mê mải với đường bơi xanh, nên công việc và thu nhập vốn đã bất bênh và bèo bọt lại càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh từng có buổi phải xuống nước với cái bụng đói, cùng cơ thể mệt đau rã rời.

Đến giờ, các thầy cùng đồng nghiệp ở đội bơi khuyết tật Hà Nội vẫn còn nhắc mãi về tấm gương vượt khó chịu khổ khó tin của Phi trong cả một năm đằng đẵng khi ngày ngày phải  dậy từ 5h sáng, đi bộ 5 cây số ra  bắt xe khách trên quãng đường 100 cây số để kịp cho buổi tập vào 11h sáng. 

Ý chí sắt đá và sự bền bỉ phi thường của Phi đã sớm được đền đáp bằng những bước tiến ngoạn mục trong sự nghiệp. Chỉ sau đúng nửa năm, anh Phi  lập tức giành 2 HCV, 1 HCB ngay trong lần ra mắt của mình, tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Thêm hai năm rèn giũa, Phi giành chiến thắng vang dội tại ASEAN Para Games 2015, cũng là giải quốc tế đầu tiên, với 2 tấm HCV.  

  Mới đây, trong lần duy nhất được dự tranh một giải tầm cỡ thế giới trên đất Bồ Đào Nha, Phi thậm chí còn đạt thông số vượt cả chuẩn A Paralympic. Rất đáng tiếc anh đã không giành quyền tới Brazil tranh tài chỉ vì không dự đủ số giải đấu trong hệ thống theo quy định.

Theo HLV Dương Thị Thêm, trong làng bơi người khuyết tật Việt Nam, chưa có kình ngư nào mới chỉ tập luyện trong một thời gian ngắn đã đạt tới trình độ cao như Phi. Mục tiêu của Phi phải là phấn đấu tiếp bước những đàn anh đàn chị từng chinh phục đỉnh quốc tế cao nhất, như nhà Á quân Paralympic Võ Thanh Tùng hay nhà Á quân thế giới Trịnh Thị Bích Như.

Quốc Phi đã tạo nên một cuộc vượt khó thần kỳ để từ một thợ tẩm quất mắt lòa  trở thành một nhà vô địch ASEAN Para Games. Thế nhưng, để có thể tiếp tục bứt phá trên hành trình đầy hứa hẹn và nhọc nhằn ấy, Phi sẽ còn phải đối mặt và vượt qua muôn vàn thử thách. Ngoài nghiệp bơi, kình ngư khuyết tật đang làm đủ thứ việc để chẳng những nuôi sống bản thân mà còn phải lo cho ông bà nội ngày càng già yếu.  

Mời các bạn đón xem câu chuyện về kình ngư Trần Quốc Phi sẽ phát trên kênh Thể thao Tin tức HD lúc 23h15 tối nay 16/09. 

>

Chương trình đã gửi tặng 5.000.000 đồng đến kình ngư Trần Quốc Phi, chúc cho anh giữ vững ý chí và quyết tâm theo nghiệp bơi để mang thêm vinh quang về cho thể thao Việt Nam, Quý bạn đọc quan tâm, chia sẻ có thể gửi về:

Tên TK: Trần Quốc Phi 

Số TK: 19027804539014

Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Đông đô 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội