Simeone giúp Atletico thực dụng hơn bao giờ hết
Atletico Madrid đang trình diễn một thứ bóng đá thực dụng đến đáng sợ. Dù không sở hữu những cầu thủ xuất sắc như bộ ba BBC của Real Madrid hay MSN của Barcelona, nhưng HLV Diego Simeone vẫn biết cách lắp ráp các cầu thủ của mình trở thành một trong những tập thể khó bị đánh bại nhất thế giới.
Tính cho đến thời điểm, Atletico giữ sạch lưới 34 trận trong tổng số 54 trận đã đấu. Riêng tại Champions League, đội bóng thành Madrid không thủng lưới ở 8/12 trận. Chìa khóa cho thànhcông của Atletico chính là hàng phòng ngự được tổ chức vô cùng kỷ luật. Nói một cách ví von thì các cầu thủ Atletico luôn bảo vệ trái bóng của mình với tất cả sự quyết tâm cao nhất. Không phải vô cớ mà báo chí phương Tây lại nhắc đến “tinh thần Diego Simeone” khiến cả châu Âu phải run sợ.
Chính xác thì dù đội hình Atletico có gặp nhiều sự xáo trộn sau mỗi mùa giải thì Diego Simeone vẫn cách phát huy triết lý bóng đá của ông: phòng ngự chặt, thu hẹp không gian, phong tỏa cầu thủ đối phương, trước khi ghi bàn từ những tình huống phản công. Và để có thể triển khai thành công chiến thuật này, đội hình ưa thích của chiến lược gia người Argentina là 4–4–2 hoặc 4–4–1–1.
Một trong những trận đấu thể hiện rõ triết lý bóng đá của Simeone là chiến thắng trước Barcelona tại tứ kết Champions League năm nay. Ở trận lượt đi, sau khi vươn lên dẫn trước với bàn thắng của Fernando Torres, HLV Diego Simeone đã chỉ đạo các học trò chủ động giảm nhịp độ của trận đấu, thiết lập hàng phòng ngự hai tầng trước khung thành Oblak và chỉ cắm một mình Torres phía trên. Tình huống này là một ví dụ.
Các cầu thủ Barcelona có thể thoải mái triển khai bóng ở giữa sân, nhưng để đột phá hàng phòng ngự của Atletico thì đó lại là một câu chuyện khác. Nếu Messi và đồng đội đứng quá gần đối phương, họ buộc phải chuyền bóng, nếu không muốn bị đoạt mất. Ngay cả khi đã đi bóng qua người, các cầu thủ Barcelona cũng không thể tiến xa hơn bởi các học trò của Simeone đã được chỉ đạo để sẵn sàng phạm lỗi khi cần thiết. Minh chứng rõ ràng nhất chính là hai thẻ vàng của Torres. Trong trường hợp bóng được đẩy ra biên, các hậu vệ Atletico sẽ lập tức bao vây, phong tỏa không gian để đoạt bóng hoặc buộc đối phương chuyền hỏng. Còn nếu Neymar hay Messi có ý định sử dụng kỹ thuật cá nhân để đột phá trung lộ thì sẽ có ít nhất 2 cầu thủ Atletico bọc lót cho nhau.
Một điều dễ dàng nhận thấy trong những trận đấu của Atletico là các cầu thủ áo sọc đỏ trắng luôn duy trì được cự ly đội hình rất hợp lý để hỗ trợ nhau. Ở tình huống trên, các cầu thủ Atletico đã tiến hành bao vây, chia cắt những cầu thủ tấn công của PSV đang tìm cách đột phá vào vòng cấm địa. Không những thế, Simeone còn cắt cử hai cầu thủ đứng án ngữ trước vòng 16m50 để ngăn chặn những cầu thủ kỹ thuật có khả năng đột phá. Rốt cuộc, dù phối hợp khéo léo đến đâu thì các cầu thủ PSV cũng buộc phải dứt điểm trong tư thế không thuận lợi.
Nếu tiền đạo PSV dứt điểm không chính xác hoặc Oblak bắt dính bóng, đợt tấn công sẽ kết thúc ngay lập tức. Ngược lại, nếu bóng vẫn còn lởn vởn trong khu vực cấm địa, các hậu vệ Atletico sẽ lập tức thiết lập một hàng rào đứng chắn trước khung thành, hạn chế góc sút và ngăn chặn bất cứ cầu thủ nào của đối phương có ý định dứt điểm. Những cầu thủ còn lại sẽ có nhiệm vụ đưa bóng ra khỏi khu vực nguy hiểm càng nhanh càng tốt.
Với lối chơi như vậy, không có gì bất ngờ khi Atletico có đến 20,4 lần đánh chặn/trận, cùng tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ là 49%. Họ tạo ra một cái bẫy bằng cách nhường thế trận, phòng ngự chặt, chờ cơ hội và sẵn sàng trừng phạt sai lầm của đối thủ. Bayern Munich và Barcelona thì ngược lại, các đội bóng này có xu hướng kiểm soát hoàn toàn trận đấu, bóp nghẹt đối thủ bằng sức mạnh tấn công vũ bão.
Về khía cạnh nào đó, lối chơi của Atletico khá giống nhà tân vô địch Premier League, Leicester ở tính đơn giản và hiệu quả. Họ tấn công không nhiều và cũng chẳng hoa mỹ, nhưng luôn đạt hiệu quả tối đa. Thay vì phối hợp đan bóng như Barca, các cầu thủ Atletico có thể phản công bằng một đường chuyền dài vượt tuyến để tận dụng tốc độ của các tiền đạo Antoine Griezmann, Fernando Torres hay Luciano Vietto. Tình huống dưới đây là một ví dụ.
Thay vì cố gắng vượt qua hàng tiền vệ đối phương hay chuyền bóng ra cánh, Godin phất bóng thẳng lên phía trước cho Vietto băng xuống đối mặt với thủ môn đối phương. Rõ ràng, Diego Simeone chưa bao giờ quan tâm đến việc kiểm soát bóng (49%) và chuyền bóng thành công (78%) ít hơn đối thủ. Đối với chiến lược gia người Argentina, kết quả chung cuộc mới là điều quan trọng nhất. Về xét về mặt này, Atletico Madrid mới chính là đội bóng hiệu quả nhất châu Âu.