Zidane liệu có là "thầy Pháp chỉ biết gõ đầu trẻ"?
Song song đó, uy tín tạo dựng được giúp họ nắm đội thuận lợi hơn. Lại thêm sức cạnh tranh thành tích ở Ligue 1 không quá khắc nghiệt như Premier League, các cựu danh thủ Pháp chuyển sang làm HLV càng có thêm cơ hội để trở thành chiến lược gia nổi tiếng. Nhưng nào ngờ, Pháp không thiếu các danh thủ từng thử nghiệp cầm quân như Michel Platini, Luis Fernandez, Jean Tigana, Remi Garde, Willy Sagnol, Alain Giresse hoặc Didier Deschamps, song trong lịch sử, chẳng mấy ai thành công.
Thậm chí nếu xét kỹ, ngay cả Laurent Blanc đang cùng PSG thống trị Ligue 1 cũng không thể xem như một HLV xuất sắc. Nguyên nhân rất dễ hiểu: thực lực của PSG vượt trội so với phần còn lại, tương tự Bayern Munich ở Bundesliga, nên chỉ có thành công ở Champions League mới đáng được ghi nhận. Về mặt này, Blanc rõ ràng thất bại, chưa kể ông từng gây thất vọng với Pháp ở VCK EURO 2012. Dĩ nhiên là nếu gồm hết các danh hiệu, các HLV Pháp hành nghề khắp thế giới hiện kiếm được không ít. Nhưng rõ ràng, hầu hết đều chỉ tạo dựng tên tuổi ở những nền bóng đá thấp lè tè như châu Phi hoặc châu Á. Thành danh ở những giải VĐQG hàng đầu thế giới như Arsene Wenger tại Arsenal của Premier League thật sự là quá hiếm.
Để lý giải tại sao bức tranh tổng thể về giới HLV Pháp lại có vẻ “đầu voi, đuôi chuột” như thế, trước hết cần phải thừa nhận rằng “gà trống Gaulois” không thiếu nhà cầm quân giỏi lý thuyết và chuyên môn. Rudi Garcia ở AS Roma là ví dụ cụ thể, chưa kể không ít HLV khác đang thể hiện rất ấn tượng ở Ligue 1. Ưu điểm rõ nhất của họ là khả năng nhìn người và vận dụng tài năng trẻ. Đội hình chính thường dùng của “Bầy sói” ở Serie A có thể là minh chứng cụ thể, vì độ tuổi bình quân được Garcia sử dụng thường trẻ hơn hẳn so với các đồng nghiệp người Italia vốn khét tiếng thận trọng.
Ngặt nỗi, ưu điểm của các HLV Pháp lại cũng chính là giới hạn của họ. Đấy chính là lý do khiến các giải VĐQG đỉnh cao hiếm có HLV Pháp thành công. Bởi như những ông thầy đúng nghĩa, họ thường rất dễ dàng chỉ dẫn cho các cầu thủ trẻ hoặc tầm thường nắm bắt những gì cần phải làm trên sân. Nhưng khi dẫn dắt các đội lớn có những ngôi sao mang “cái tôi” quá to, các HLV Pháp hầu hết đều không biết cách thỏa hiệp hoặc trị đám “đầu gấu” đó. Vậy là hỏng.
Câu chuyện về Antoine Kombouare ở bước ngoặt đổi đời của PSG chính là bằng chứng điển hình. Bởi trước lúc Qatar Sports Investments tiếp quản vào năm 2011, PSG đang phát triển vững và đều dưới quyền của cựu cầu thủ này khi từ giữa bảng leo lên Top 4 Ligue 1 bằng lối đá đẹp khiến toàn châu Âu lác mắt. Nhưng rốt cuộc, Kombouare phải rời PSG vào thời điểm đội nhà đang dẫn đầu Ligue 1 sau nửa chặng đường, vì các ngôi sao như Javier Pastore không nể phục. Bi kịch cho giới HLV Pháp càng lộ rõ khi kế nhiệm Kombouare, Carlo Ancelotti chỉ giành được ngôi á quân mùa đó, nhưng lại khiến các “sao” phải răm rắp nghe lời trước lúc nhà cầm quân người Italia chủ động xin đi theo tiếng gọi từ Real Madrid.