Xứ Wales đứng cao hơn TBN trên BXH FIFA: Hài hước, chứ không sai!
BXH FIFA dễ gây sốc
Đúng là bao năm qua, BXH FIFA vẫn bị chỉ trích về sự thiếu chính xác. Bởi lẽ, chỉ có BXH FIFA hồi tháng 10/1993 và giai đoạn từ tháng 7-8/1995 mới dám công nhận Na Uy là nền bóng đá mạnh thứ 2 thế giới. Trong khi ấy, BXH FIFA đôn Mỹ lên thứ 4 năm 2006 khiến ngay cả các tuyển thủ của xứ cờ hoa cũng ngạc nhiên. Thậm chí ngay khi giới thiệu công thức mới, BXH FIFA vẫn tiếp tục gây sốc. Đơn cử như khi Israel leo lên hạng 15 hồi tháng 11/2008, truyền thông nước này thật sự bất ngờ. Bất ngờ lẽ ra càng lớn hơn, nếu Israel đừng để Latvia san bằng cách biệt trong phút cuối của một trận đấu giai đoạn đó, khiến họ lỡ mất cơ hội nhảy vào Top 10.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là khát vọng muốn có một BXH các ĐTQG chính xác không dễ thực hiện. Bởi lẽ, làm thế nào xác định sức mạnh của Brazil trong 2 năm trước World Cup 2014, khi họ không phải đá loại do được đặc cách vào thẳng VCK vì là chủ nhà? Đấy là thời điểm Selecao tụt xuống tới mức kỷ lục ở hạng 22 thế giới. Hoặc sắp tới là vòng loại EURO 2016 tranh quyền tới Pháp rõ ràng đang gây hậu quả nghiêm trọng do khiến chủ nhà rớt xuống hạng 22. Vì cho dù Pháp cũng đá vòng loại theo nguyện vọng, mọi trận đấu của họ đều chỉ được tính là giao hữu, nên có điểm hệ số thấp nhất.
Hiện tượng xứ Wales
Muốn xếp hạng các đội theo một công thức nhất định càng khó do nhiều khi, vì đạt được mục đích nên không cần phải dồn toàn lực, các đội mạnh như Italia sẵn sàng tung đội hình 2 ra sân, nên bất ngờ có xảy ra cũng chưa hẳn là bất ngờ. Vì vậy mà nếu ngẫm kỹ thì với bóng đá, chẳng có cách tính nào là đúng tuyệt đối cả. Nói cách khác thì việc xứ Wales leo lên Top 10, vượt qua hàng loạt đội bóng lớn như TBN, Chile, Uruguay có thể khiến nhiều người bật cười, nhưng đó là phần thưởng xứng đáng cho những gì Gareth Bale và các đồng đội vừa thể hiện.
Bởi để gây sốc trên BXH FIFA, Wales đã thắng Síp, Macedonia, Andorra, Bỉ, Iceland và Israel, chưa kể còn hòa Bỉ và Bosnia-Herzegovina ở vòng loại EURO 2016, không thua lần nào. Do đây đều là các trận ở vòng loại giải lớn nên Wales đương nhiên được nhân hệ số cao. Thầy trò Chris Coleman càng tiến như tên lửa còn do cách tính hệ số của FIFA có lợi cho các đội hạng thấp, nên nếu đạt được bất ngờ trước các đối thủ có hạng cao như Bỉ, Wales kiếm được điểm gần như tối đa cho một trận đấu. Tuy nhiên, phải thấy rằng đội nhỏ nào cũng hiểu được lợi thế đó, song tận dụng được lại là chuyện khác do cần có bản lĩnh và thực lực nhất định.
Tấm gương cho các “cường quốc”
Do đó, Wales đứng cao hơn Tây Ban Nha trên BXH FIFA chẳng phải do ăn may, mà cần quá trình tích lũy lâu dài vì ngược dòng thời gian trở lại tháng 8/2011, cần nhớ rằng lúc ấy, họ từng tụt xuống vị trí 117, thứ hạng thấp nhất trong lịch sử. Đấy là chưa kể có lúc, Wales từng cảnh báo thế giới biết sự tiến bộ của họ với danh hiệu ĐTQG thăng tiến nhất năm 2011. Song song đó, Wales trèo cao còn do họ hiếm khi đá giao hữu. Bởi lẽ, điểm hệ số của các trận giao hữu là thấp nhất.
Điều này cũng giải thích tại sao Mỹ có thành tích thi đấu trong thời gian qua không tồi, nhưng đang tụt dần trên BXH. Nguyên nhân là trong 12 tháng qua, Mỹ đá giao hữu 12 trận, nhưng chỉ có 1 trận không phải giao hữu: trận mới nhất thắng Honduras ở Gold Cup 2015. Vì thế, chẳng thể đem Wales ra làm trò cười khi họ tận dụng kẽ hở này trong lúc vẫn tuân thủ đúng luật chơi. Trên thực tế thì trước đó, Thụy Sĩ đã lách luật khá ngoạn mục khi chỉ đá giao hữu đúng 3 trận trong 12 tháng trước lễ bốc thăm World Cup 2014 để được xếp hạt giống.
Tóm lại là dù BXH không thực sự chuẩn xác thì FIFA cũng làm việc khá công tâm và nghiêm túc khi đôn Wales lên Top 10. Còn việc Wales nhảy vào được Top 10 để giành suất hạt giống số 1 ở vòng loại World Cup 2018 thì chỉ có thể khen ngợi họ có chiến lược chính xác và đủ lực để đạt mục tiêu đó. Ngược lại, Pháp và Italia chỉ có thể tự trách bản thân do rơi xuống nhóm hạt giống số 2. Trường hợp của Pháp là bất khả kháng do họ là chủ nhà EURO 2016. Còn người Italia? Họ phải luôn nhớ sai lầm của World Cup 2014, khi để mất suất hạt giống vào tay Thụy Sĩ do đá giao hữu với San Marino trong năm bản lề. Trước đối thủ chỉ mới thắng đúng 1 trận trong lịch sử, đương nhiên số điểm mà thầy trò Cesare Prandelli kiếm được càng thấp tới mức đáng thương. Nếu không mắc phải sai lầm đó, Italia đã có thể tiến xa hơn vì không rơi vào cùng bảng với Anh, Uruguay và Costa Rica. Chỉ xét về mặt này, những người làm bóng đá Italia cần phải học xứ Wales.
MINH CHÂU