Djokovic suy yếu nửa cuối mùa giải: Nặng trĩu dưới những áp lực
Djokovic đang trải qua mùa giải kỳ lạ. Nếu như nửa đầu đẹp đẽ bao nhiêu thì nửa sau lại mù mịt bấy nhiêu. Kể từ sau danh hiệu Grand Slam thứ 4 liên tiếp tại Roland Garros, tay vợt số 1 thế giới đang vật vã tìm lại chính mình - một điều bất thường nhưng lại là sự thật.
Bốn tháng trước, mọi thứ vẫn còn là màu hồng với Djokovic. Khởi đầu mùa giải với lần thứ 6 lên ngôi Australian Open để sánh ngang kỷ lục của huyền thoại Roy Emerson tại Melbourne, Nole tiếp tục ghi dấu ấn khi trở thành tay vợt sở hữu nhiều Masters 1000 nhất với 3 danh hiệu sau đó.
Đến tháng 6, Djokovic được sống trong “khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời” với chức vô địch Roland Garros đầu tiên để hoàn tất trọn bộ Grand Slam. Đó cũng là danh hiệu Grand Slam thứ 4 liên tiếp của Nole, điều mà đã 48 năm trôi qua mới có người làm được. Nhiều người đã bắt đầu gọi Djokovic là huyền thoại, còn bản thân tay vợt số 1 thế giới cũng đang nghĩ về 2 Grand Slam còn lại trong năm.
Thế nhưng đời không như mơ. Đúng vào thời điểm người ta nghĩ Djokovic đã hoàn hảo thì anh lại bắt đầu sụp đổ. Sau khi gục ngã ở vòng 3 Wimbledon, Nole tiếp tục gây thất vọng khi dừng bước ngay trong trận đấu đầu tiên tại Olympic 2016 – giải đấu mà anh đặt kỳ vọng rất lớn, chỉ sau Roland Garros. Gần đây nhất, Nole cũng thi đấu không thành công tại US Open hay Thượng Hải Masters.
Thực tế trong khoảng thời gian trên, Djokovic có giành được chức vô địch Rogers Cup song đó chỉ như đốm sáng nhỏ nhoi trong bức tranh xám xịt cuối mùa giải của tay vợt Serbia. Cần nói thêm rằng, chất lượng Rogers Cup không như mọi năm khi các tay vợt đều hướng sự tập trung cho Thế vận hội (diễn ra trước 1 tuần), thậm chí Andy Murray và Rafael Nadal còn không góp mặt.
Sau khi vô địch Roland Garros, Djokovic thắng 16/20 trận (80%). Đối với phần lớn các tay vợt, đó là con số đáng mơ ước nhưng với Djokovic, đây là cảnhh báo về sự đi xuống bởi nếu tính thành tích từ đầu mùa giải đến chiến thắng ở Paris, Nole chỉ thua 3 lần trên tổng số 46 trận đã đấu, đạt tỷ lệ thắng 93,5%.
Điều gì đang xảy ra với tay vợt mà mới 4 tháng trước còn khiến cả thế giới tennis phải quy phục?
Trong lần trả lời phỏng vấn ATP trước giải đấu ở Thượng Hải, Djokovic thổ lộ anh đã mất cân bằng trong cuộc sống và vật lộn với chính mình sau chiến thắng ở Roland Garros: “Tôi thực sự kiệt quệ cả về thể lực lẫn tinh thần. Tôi đã tự khiến mình bị áp lực với những kỳ vọng vào bản thân. Tôi không cảm thấy háo hức trên sân đấu, thứ động lực khiến tôi chơi tennis”.
“Vậy nên mục tiêu số 1 của tôi bây giờ là tìm lại niềm vui và tâm lý tích cực trên sân đấu, mọi thứ khác sẽ chỉ là số 2”, Djokovic nói.
Không chỉ ở cuộc phỏng vấn đó, Djokovic cũng nhiều lần đề cập đến việc bản thân không có được tâm trí tập trung nhất khi thi đấu. Sau Wimbledon, Nole nói rằng anh đang gặp "vấn đề riêng tư”, còn lý giải cho thất bại ở US Open, tay vợt người Serbia thừa nhận mình đã đánh mất bản lĩnh vốn có.
Để giảm bớt áp lực và tìm lại sự thanh thản trong tâm trí, Djokovic thời gian qua đã trở về Belgrade, dành phần lớn thời gian bên gia đình và bạn bè. Đi dã ngoại cùng cô vợ Jelena, thăm lại bức tường thuở nhỏ vẫn thường tập đánh bóng hay tham gia các hoạt động của Quỹ từ thiện Novak Djokovic… tất cả đều được Nole thực hiện để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Mặc dù vậy, những gì diễn ra tại Thượng Hải rõ ràng đã không đi theo đúng kế hoạch của Djokovic. Niềm vui thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy sự bất lực đến mức nóng giận được Nole biểu hiện qua từng trận đấu. Nhiều lần ở giải đấu năm nay, người ta thấy Nole cố gắng kiềm chế cảm xúc sau mỗi pha bóng hỏng ăn bằng nụ cười chấp nhận, thay vì những lời phàn nàn thường thấy.
Thế nhưng điều đó chỉ được duy trì cho đến trước trận bán kết gặp Roberto Bautista Agut, nơi mọi dồn nén của Djokovic bộc phát dữ dội. Từ việc xé áo, đập hỏng vợt cho đến tranh cãi với trọng tài, chẳng có gì mà Djokovic chưa làm để giải tỏa ức chế. Song rốt cục, tay vợt số 1 thế giới vẫn không thể lật ngược thế cờ. Tình huống trút giận lên cây vợt ở cuối set 2 là hình ảnh đại diện cho Djokovic gần đây: bất ổn và mất phương hướng.
Video Djokovic phản ứng bực tức trong trận bán kết Thượng Hải Masters:
“Một lần nữa, như tôi đã nói, đây là điều tôi phải trải nghiệm dù sớm hay muộn”, Djokovic phát biểu sau khi bị loại ở Thượng Hải: “Bạn học nhiều điều từ những trận thua như thế này hơn là khi thắng trận. Tôi hiểu mình không thể lúc nào cũng chơi ở đẳng cấp cao nhất”.
Djokovic đang rệu rã, đặc biệt là về mặt trí lực. Sau khi hoàn thành giấc mơ Roland Garros, sự tập trung, quyết tâm và động lực của Djokovic đã bị giảm sút rất nhiều. Cộng thêm những chấn thương, Nole đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi lần đầu bước lên ngôi số 1 thế giới năm 2011.
“Không dễ để duy trì phong độ sau tất cả những thành tích Novak đã đạt được, với cái cách anh ấy thống trị suốt 2 năm”, Murray nhận xét về người bạn lâu năm: “Vì thế mà ý chí của anh ấy có chút mệt mỏi cũng là chuyện bình thường. Tôi thực sự nghĩ như thế, và tin chắc anh ấy sẽ sớm trở lại”.
Dù sao, không phải ngẫu nhiên mà Djokovic đã có 120 tuần liên tiếp đứng ở vị trí số 1 thế giới. Khi không có được thể trạng tốt, Djokovic vẫn có thể tiến sâu tại các giải đấu lớn. Tay vợt đã giành 6/10 Grand Slam gần đây cũng đang là người sở hữu nhiều danh hiệu nhất năm nay (7) và dẫn đầu về số điểm trong danh sách 8 tay vợt hướng đến ATP World Tour Finals.
Thử thách lớn nhất vào lúc này của Nole là vượt qua cái ngưỡng của chính mình. Hơn ai hết, Nole hiểu rằng anh cần phải xua bớt ám ảnh của sự kỳ vọng, của những áp lực vô hình đang xâm chiếm trong tâm trí càng sớm càng tốt.
“Tôi đang chờ tới sinh nhật lần thứ 2 của con trai. Đó là sự kiện lớn nhất của tôi vào lúc này”, Djokovic trả lời khi được hỏi về kế hoạch sắp tới trước khi Paris Masters diễn ra vào ngày 31/10 (sinh nhật con trai Stefan của Djokovic là ngày 21/10).
“Cuộc sống của tôi không chỉ có tennis. Còn rất nhiều thứ khác cần làm bên ngoài sân đấu”, tay vợt 29 tuổi nói thêm.
Tránh xa sân quần, thêm vài tuần tĩnh tâm và nghỉ ngơi bên gia đình, một kế hoạch không tồi với Djokovic vào thời điểm hiện tại.
Djokovic sẽ tham dự Paris Masters và ATP World Tour Finals trước khi kết thúc mùa giải 2016. Với tư cách là ĐKVĐ, Djokovic sẽ phải bảo vệ 2.500 điểm ở 2 giải đấu cuối cùng trong năm.